Triển khai thực hiện Lộ trình hội nhập đến năm 2015 trong các lĩnh vực tài chính thông qua hợp tác tài chính - tiền tệ chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN là một trong những nội dung cơ bản của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM) lần thứ 12 vừa được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 1 đến 4-4-2008. Đây cũng là một bước nhằm hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN

Năm 1997, ở châu Á đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, kéo theo sự bất ổn định tại thị trường tài chính của một số nước ASEAN. Nhận thức được tầm quan trọng cũng như sự cần thiết tăng cường hợp tác, đối thoại giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, chính phủ các nước ASEAN đã đi đến thống nhất thiết lập tiến trình AFMM nhằm góp phần củng cố hệ thống tài chính khu vực, phát triển hiệu quả thị trường tài chính sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Về cơ chế, hợp tác tài chính ASEAN được thực hiện thông qua tiến trình AFMM. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN được tổ chức định kỳ một năm/lần theo cơ chế luân phiên trong ASEAN. Giúp việc cho các Bộ trưởng gồm: Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương; Hội nghị chuyên viên Tài chính - ngân hàng; Các diễn đàn chuyên ngành (hải quan, bảo hiểm, thị trường vốn); Các nhóm công tác nghiên cứu những sáng kiến cụ thể (như cơ chế tài trợ cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tự do hoá tài khoản vốn, tự do hoá dịch vụ tài chính...).

Theo thể chế hiện nay của ASEAN, nước chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Tài chính hằng năm của ASEAN sẽ có trách nhiệm điều hành các hội nghị từ cấp chuyên viên đến cấp Bộ trưởng. Từ năm 1997 đến năm 2007 đã có 11 Hội nghị AFMM được tổ chức. Hội nghị AFMM lần thứ 12 do Việt Nam chủ trì, được tổ chức từ ngày 1-4 đến ngày 4-4-2008 tại Đà Nẵng.

Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính của 10 nước thành viên ASEAN, cùng với Tổng Thư ký ASEAN cùng nhau rà soát, đánh giá, bàn thảo về các đối sách trên cơ sở tình hình kinh tế thế giới và khu vực cũng như đưa ra quyết định đối với các chương trình hợp tác tài chính khu vực.

Trong từng thời kỳ, AFMM đưa ra những nội dung hợp tác tài chính - tiền tệ phù hợp. Hiện nay, các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN tập trung vào các nội dung sau: Triển khai thực hiện Lộ trình hội nhập đến năm 2015 trong các lĩnh vực phát triển thị trường vốn, tự do hoá tài khoản vốn, tự do hoá dịch vụ tài chính và hợp tác tiền tệ; Tăng cường đối thoại chính sách ở cấp Bộ trưởng nhằm chia sẻ thông tin và đưa ra những biện pháp khuyến nghị ở cấp khu vực cũng như quốc gia nhằm hợp tác ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra khủng hoảng; Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như bảo hiểm, thuế, hải quan…
 

Những kết quả đạt được sau hơn 10 năm (1997-2008)

Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN. Các Nguyên thủ quốc gia ASEAN đã thông qua Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN vào tháng 10-2003. Từ đó đến nay, ASEAN đã có những bước tiến nhất định trong việc nỗ lực duy trì sự ổn định tài chính khu vực thông qua phát triển sâu rộng các thị trường vốn khu vực, thực hiện tự do hoá dịch vụ tài chính và mở cửa thị trường vốn, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quan, bảo hiểm.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của cả khu vực đạt ở mức cao, tiềm lực của hệ thống tài chính được cải thiện vững chắc. Sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trong khu vực tiếp tục được duy trì. Hệ thống tài chính khu vực được củng cố khi tỷ lệ nợ xấu trong khu vực ngân hàng giảm mạnh, quản trị công ty được cải thiện, thị trường vốn phát triển mạnh, vị thế ngân sách của các nước được củng cố.

Tăng cường cơ chế hỗ trợ và tự hỗ trợ khu vực. Hoạt động hợp tác với ba nước đối tác Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (AFMM + 3) đã có sự tiến bộ trong việc thúc đẩy các thị trường trái phiếu nội địa và khu vực trong khuôn khổ Sáng kiến Hợp tác Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI).

Từ sau hội nghị tại Ma-ka-ti (Phi-líp-pin, tháng 8-2003), các nước ASEAN đã đàm phán thành công 4 thoả thuận Hoán đổi song phương (BAS) trong khuôn khổ Sáng kiến Chiềng Mai (CMI). Hiện nay, mạng lưới hoán đổi BAS này đã được mở rộng.

Các định hướng hợp tác tài chính trong tương lai

Một là, đẩy nhanh hơn nữa lộ trình hội nhập tài chính, tiền tệ ASEAN phù hợp với mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 (như chi tiết hoá các kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động...).

Hai là, phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực phát triển thị trường vốn, tự do hoá tài khoản vốn và tự do hoá dịch vụ tài chính.

Ba là, hợp tác về tài chính trong các lĩnh vực như bảo hiểm, hải quan, cơ chế tài trợ cho kết cấu hạ tầng, cơ chế giám sát kinh tế ASEAN; xúc tiến đầu tư ASEAN ra bên ngoài khu vực.

Bốn là, thực thi nghiêm túc các cam kết dịch vụ tài chính trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN.

Năm là, các nước ASEAN tập trung hoàn thiện thể chế ở cấp quốc gia cũng như cấp khu vực.

Sáu là, tăng cường hợp tác về thuế trong ASEAN thông qua thiết lập Nhóm công tác trong lĩnh vực này.

Bảy là, tập trung nghiên cứu các sản phẩm tài chính mới nhằm đa dạng hoá thị trường và phát triển các sản phẩm tài chính trở thành thương hiệu của ASEAN.

Tám là, triển khai thực hiện kết nối thông tin giữa các thị trường trái phiếu, tiến tới kết nối về giao dịch và thanh toán.

Những thách thức

Hướng tới việc thiết lập AEC vào năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung cho các dòng hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, lao động nội khối và tự do hoá hơn đối với các luồng vốn trong khu vực. Đây là mục tiêu đầy tham vọng của ASEAN. Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là:

- Sự chênh lệch về trình độ phát triển quá lớn giữa các nước thành viên ASEAN. Đây là thách thức đòi hỏi các nước thành viên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

- Thị trường bị chia cắt nghiêm trọng do những rào cản thuế quan và phi thuế quan. Theo dự báo, đến năm 2015, AEC sẽ được thực hiện và khi đó ASEAN sẽ trở thành thị trường và khu vực sản xuất thống nhất với sự lưu thông tự do của hàng hoá, vốn, dịch vụ cũng như lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, AEC có thể được xem như một FTA “cộng” (Khu vực mậu dịch tự do cộng thêm với sự di chuyển tự do của các yếu tố sản xuất) hay một thị trường chung “trừ” (Một thị trường chung nhưng chưa có chính sách thương mại chung để có thể trở thành một thực thể thống nhất khi đối mặt với cạnh tranh bên ngoài) vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

- Chủ nghĩa bảo hộ trong lĩnh vực đầu tư còn tồn tại. Sáng kiến Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) được triển khai nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số nước vẫn còn bị chủ nghĩa bảo hộ níu kéo do đã đưa quá nhiều ngành vào danh mục nhạy cảm (SL), danh mục loại trừ tạm thời (TEL) và danh mục loại trừ chung (GEL), dẫn tới tự do hoá càng chậm, liên kết kinh tế càng gặp nhiều trở ngại.

- Năng lực thực hiện các cam kết kém do các kế hoạch và chương trình của ASEAN chưa được hiện thực hoá thành các biện pháp và bước đi cụ thể; thiếu sự lãnh đạo quá trình thực hiện; thiếu nguồn tài chính để thực hiện các kế hoạch, chương trình hợp tác và phát triển; nhận thức không đầy đủ khi xây dựng các dự án triển khai;

- Sự suy giảm của nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế Mỹ do biến động bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu, sự bất ổn của giá dầu thế giới và giá lương thực trên thị trường thế giới tăng, đã làm lạm phát gia tăng, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tại các nước trong khu vực.

Tuy còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng triển vọng kinh tế của khu vực tiếp tục sáng sủa do sự đa dạng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như nền tảng phát triển vững mạnh của từng nước thành viên. ASEAN sẽ hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên, đạt được một hệ thống thương mại đa phương công bằng và mở cửa, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
 

Mục tiêu chính của AFMM và AFMM+3 (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) là tăng cường đối thoại và giám sát kinh tế tài chính giữa các nước Đông Á giúp các nước thành viên ngăn ngừa nguy cơ xảy ra khủng hoảng và củng cố hệ thống tài chính khu vực.