Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20-6 đến ngày 26-6-2016)
Nghị sĩ Mỹ biểu tình ngồi yêu cầu siết chặt kiểm soát súng đạn
Hạ nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Mỹ biểu tình ngồi yêu cầu siết chặt kiểm soát súng đạn. Ảnh: CNN
Ngày 22-6-2016, trong một động thái chưa từng có, hàng chục Hạ nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Mỹ đã biểu tình ngồi ngay tại trụ sở Hạ viện ở đồi Capitol, yêu cầu Quốc hội - do phe Cộng hòa kiểm soát - giải quyết tình trạng bạo lực súng đạn đang ngày càng nghiêm trọng ở nước này.
Cuộc biểu tình do Hạ nghị sĩ Dân chủ John Lewis khởi xướng, diễn ra ngay sau khi Hạ viện Mỹ kết thúc cuộc họp, trong đó chủ tọa là Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ted Poe tuyên bố Hạ viện bắt đầu kỳ nghỉ định kỳ kéo dài tới ngày 05-7 tới. Với khẩu hiệu “No bill, no break” (Không dự luật, không nghỉ), các Hạ nghị sĩ Dân chủ yêu cầu Hạ viện tiếp tục hoạt động cho đến khi các nhà lãnh đạo Cộng hòa tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật kiểm soát súng đạn, trong đó có việc kiểm tra lý lịch người mua súng và hạn chế bán súng cho những đối tượng nằm trong danh sách theo dõi của Chính phủ. Sau 5 giờ đồng hồ biểu tình, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện - Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Nancy Pelosi vẫn khẳng định họ sẽ không ra về chừng nào Quốc hội chưa nhất trí một cuộc bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng đạn. Cuộc biểu tình của các Hạ nghị sĩ Dân chủ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và tham gia của các Thượng nghị sĩ Dân chủ ở phía bên kia đồi Capitol, nâng tổng số nghị sĩ tham gia biểu tình lên tới con số hơn 100. Trong khi đó, bên ngoài khuôn viên đồi Capitol, gần 50 người thuộc tổ chức phi lợi nhuận “Everytown for Gun Safety” (Mọi thành phố đều vì an toàn súng đạn), với chủ trương chống bạo lực súng đạn, cũng tổ chức tuần hành để bày tỏ ủng hộ các nghị sĩ Dân chủ. Có thể nói, sở hữu súng đạn là một vấn đề gây chia rẽ rõ rệt trong chính giới Mỹ. Kể từ năm 1994 đến nay, Quốc hội Mỹ chưa thông qua một dự luật kiểm soát súng đạn có sức nặng nào.
Các nhà đàm phán hạt nhân 6 bên nhóm họp tại Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á 2016
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin tại một nhà ga ở Thủ đô Seoul về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 22-6. Ảnh: THX/TTXVN
Từ ngày 22-6 đến ngày 24-6-2016, các nhà ngoại giao cấp cao của 6 nước tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên đã tham dự một cuộc họp an ninh không chính thức lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua tại Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á 2016 ở Bắc Kinh để thảo luận về cách thức làm dịu căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ cử các phái viên hạt nhân hàng đầu tới tham dự, trong khi đại diện Triều Tiên là bà Choe Son Hui, người tham gia đàm phán 6 bên và có thâm niên đóng một vai trò trong các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên cử các quan chức tham dự diễn đàn kể từ năm 2012.
Hội nghị nói trên nhằm mang lại cơ hội thảo luận các vấn đề gây tranh cãi theo một cách thức thẳng thắn và xây dựng lòng tin giữa 6 nước. Hội nghị khai mạc vài giờ sau khi Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cho đến nay vẫn chủ trương gây sức ép với Triều Tiên và từ chối nối lại đàm phán nếu Bình Nhưỡng không có động thái cụ thể hướng tới từ bỏ chương trình hạt nhân. Trung Quốc và Nga, 2 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế bổ sung hồi tháng 3 vừa qua đối với Triều Tiên đồng thời cam kết thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin ngoại giao sau khi Đối thoại kết thúc cho hay, phái viên Triều Tiên Choe Son-hui ngày 22-6 tuyên bố rằng các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên “đã chết”, và rằng Bình Nhưỡng không thể từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình trừ khi thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nguồn tin cũng nhấn mạnh nhiều người tham dự diễn đàn đã cảm thấy thất vọng trước các tuyên bố của phái viên Triều Tiên.
Số người nghiện ma túy trên thế giới tăng kỷ lục
Ảnh minh họa. Ảnh: heroinaddiction.com
Ngày 23-6-2016, trước thềm “Ngày quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy” (26-6), Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã công bố báo cáo cho thấy trong năm 2014 thế giới có gần 250 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 64 sử dụng ít nhất một loại ma túy. Tuy con số này không tăng nếu xét theo tỷ lệ dân số thế giới, song số người nghiện ma túy đã lên đến con số kỷ lục 29 triệu người, so với con số 27 triệu người trong báo cáo trước đó 4 năm. Ngoài ra, có khoảng 12 triệu người sử dụng may túy tiêm chích, trong đó 14% bị nhiễm HIV. Ma túy làm từ cây gai dầu vẫn là thuốc gây nghiện được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính khoảng 183 triệu người sử dụng loại thuốc này trong năm 2014. Việc sử dụng ma túy tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe của con người. Mặc dù số ca tử vong liên quan đến ma túy trên toàn thế giới không tăng, song trong năm 2014 vẫn có 207.000 người chết do ma túy. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến tình trạng sử dụng ma túy trong nhà tù và nhà tù vẫn là môi trường nguy cơ cao đối với các bệnh truyền nhiễm qua con đường tiêm chích ma túy.
Trong buổi công bố báo cáo trên, Giám đốc Điều hành UNODC ông Yury Fedotov kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay góp sức để thực hiện những cam kết được thông qua tại Phiên họp đặc biệt của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy diễn ra hồi tháng 4 vừa qua và báo cáo nêu trên đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về những diễn biến chính trên các thị trường ma túy, các tuyến đường buôn lậu, tác động của ma túy đối với sức khỏe để từ đó các quốc gia có thể đề ra những cách tiếp cận cân đối và toàn diện xử lý vấn nạn này.
Vấn đề Brexit: Cần nhanh chóng làm rõ và thực thi ý nguyện của cử tri Anh “trong thời gian sớm nhất”
Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra
ngày 23-6-2016 liên quan đến quy chế thành viên của Anh trong EU kết
thúc với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit. Ảnh: globalresearch.ca
Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23-6-2016 liên quan đến quy chế thành viên của Anh trong EU kết thúc với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit - 51,9%, trong khi phe mong muốn ở lại là 48,1%. Ngay sau đó, đồng bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua, giảm 10% và chỉ đổi được 1,3229 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985, trong khi các thị trường tài chính và chứng khoán trên toàn thế giới cũng đồng loạt hứng chịu hàng loạt cú sốc trong ngày 24-6. Một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, hơn một triệu người dân “quốc đảo sương mù” đã ký vào đơn kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu lần thứ hai về quyết định này. Ngày 25-6, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU), gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg đã nhóm họp tại Berlin và ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc Anh rời khỏi EU. Đại diện nhóm 6 nước kêu gọi chính phủ Anh cần nhanh chóng làm rõ và thực thi ý nguyện của cử tri Anh “trong thời gian sớm nhất”. Các nước EU sẵn sàng hợp tác với các thể chế EU khởi động các cuộc đàm phán định hình mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh.
Phản ứng trước tác động có thể xảy ra đối với nền kinh tế trong nước, một số nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore,… cho biết các nước này đều sẽ có các biện pháp để đối phó với bất kỳ sự bất ổn nào trong ngắn hạn và bảo đảm giảm thiểu các tác động đối với các nền kinh tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), ở góc độ vĩ mô, tác động của Brexit đến các nền kinh tế châu Á có thể tăng gấp 2 hoặc 3 lần, trong đó Singapore và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do thị phần xuất khẩu của hai nước này vào thị trường EU chiếm từ 6 đến 7% GDP./.
Khởi động chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2016 tại Hà Nội  (26/06/2016)
Xây dựng Bình Định thành một trung tâm kinh tế biển  (26/06/2016)
Chủ tịch Quốc hội dự hội thảo 40 năm Ủy ban các vấn đề xã hội  (26/06/2016)
Chủ tịch Quốc hội dự hội thảo 40 năm Ủy ban các vấn đề xã hội  (26/06/2016)
Khởi động dự án cầu Cửa Hội nối đôi bờ hạ lưu sông Lam  (26/06/2016)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự Diễn đàn Sao Paulo 22  (26/06/2016)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay