Cảnh báo hậu quả và lo ngại nguy cơ Brexit

BTV tổng hợp
11:11, ngày 12-06-2016
TCCSĐT - Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do trang mạng Independent của Anh công bố ngày 10-6 cho thấy nguy cơ Brexit (Anh rời EU) đang rất gần. Trước viễn cảnh này, nhiều chính trị gia, nhà kinh tế, các tổ chức đã có những đánh giá về hậu quả cũng như bày tỏ lo ngại về nguy cơ Brexit.

Theo trang mạng Independent, tỷ lệ ủng hộ Brexit lên tới 55%, cao hơn 10% so với tỷ lệ phản đối. Đây là mức dẫn điểm lớn nhất của phe ủng hộ Brexit kể từ khi Independent tiến hành các cuộc thăm dò trong vòng một năm qua.

Bộ trưởng Tài chính Đức cảnh báo những hệ lụy từ việc Anh rời khỏi EU

Trả lời phỏng vấn tuần báo "Der Spiegel" (Đức), Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble (Vôn-phơ-gang Soi-blơ) nói rằng không thể loại trừ khả năng một số nước khác rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu Anh quyết định từ bỏ "ngôi nhà chung" gồm 28 thành viên này sau cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến diễn ra vào ngày 23-6 tới.

Ông Schaeuble nêu ví dụ khả năng phản ứng của Hà Lan, một nước đồng minh vô cùng thân cận với Anh, trong trường hợp xảy ra kịch bản Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Theo ông Schaeuble, không chỉ Anh có thể chịu những tổn thất lớn về kinh tế nếu rời khỏi EU, mà "Brexit" có thể tác động tiêu cực tới các nước đối tác. Tuy nhiên, ông Schaeuble khẳng định sẽ cùng với các người đồng cấp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nỗ lực hết sức để hạn chế những hậu quả và đang chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn tờ "The Guardian" (Anh) nhận xét Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã đóng sập cánh cửa Anh có thể duy trì quyền tiếp cận thị trường chung nếu cử tri "xứ sương mù" bỏ phiếu rời khỏi EU.

Theo báo trên, đối với kịch bản "Brexit", Bộ trưởng Schauble - chính khách kỳ cựu và rất có ảnh hưởng ở Đức - đã bác bỏ khả năng Anh có thể áp dụng mô hình Thụy Sỹ hay Na Uy để hưởng các lợi ích của Thị trường chung châu Âu dù không phải là thành viên EU. Ông nói: "Không áp dụng được mô hình đó bởi nó đòi hỏi nước được hưởng phải tuân thủ những quy định của liên minh mà nay Anh đang muốn ra khỏi".

Ông Schauble cũng nói rằng nếu đa số cử tri Anh chọn "Brexit" thì đó sẽ là một quyết định chống lại thị trường chung. Ông nhấn mạnh: "Nếu cần thì châu Âu vẫn sẽ hoạt động mà không có Anh. Ở thời điểm nào đó, Anh sẽ nhận ra rằng họ đã quyết định sai lầm và đến một ngày nào đó chúng tôi sẽ chấp nhận họ trở lại nếu đó là điều họ muốn".

Ngoại trưởng Thụy Điển: "Brexit" sẽ hủy hoại nghiêm trọng EU

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin BBC phát sóng ngày 11-6, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom nhận định rằng việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là "Brexit," sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới liên minh 28 quốc gia này.

Theo bà Wallstrom, nếu người dân Anh lựa chọn rời EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 tới, kết quả này sẽ mang tới hiệu ứng "domino" cho các thành viên khác trong khối, đồng thời dẫn tới việc những nước thành viên đòi hỏi ưu đãi. Ngoại trưởng Thụy Điển cho biết thêm cuộc trưng cầu ý dân của Anh sẽ kéo theo hậu quả bất chấp kết quả có ra sao.

Việc lựa chọn rời EU sẽ tạo thêm động lực cho các nước khác đang có nguyện vọng rời EU, trong khi lựa chọn ở lại có thể khuyến khích các quốc gia khác đòi hỏi "được đối xử đặc biệt".

WTO: Brexit sẽ khiến Anh phải chi thêm hàng tỷ USD tiền thuế

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các nhà xuất khẩu nước này có nguy cơ phải chi thêm 5,6 tỷ bảng Anh (8,2 tỷ USD) tiền thuế hải quan mỗi năm.

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề thương mại thế giới ở thủ đô London, ông Azevedo nhận định nếu xảy ra kịch bản Brexit, Anh sẽ cần các thỏa thuận thương mại mới với EU và với lần lượt 58 nước đã ký thỏa thuận tự do thương mại với khối này.

Theo ông Azevedo, đây sẽ là một quá trình đàm phán "dài hơi" chưa từng có đối với Anh, chưa kể đến trường hợp các thỏa thuận đàm phán lại sẽ có những điều khoản khác biệt và thậm chí khắc nghiệt hơn. Theo ông, việc rời khỏi EU sẽ dẫn tới Anh sẽ phải chi phí nhiều hơn khi muốn giao dịch được trên cùng các thị trường có quan hệ thương mại với EU, như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các công ty Anh. Cụ thể, các nhà xuất khẩu Anh có thể sẽ phải trả thêm tới 5,6 tỷ bảng tiền thuế xuất khẩu mỗi năm.

Theo số liệu thống kê, hiện 47% hàng hóa của Anh xuất khẩu sang các nước khác trong EU và khoảng 13% sang các đối tác thương mại ưu đãi của khối này. Nếu Anh rời khỏi EU, nước này sẽ không được hưởng các ưu đãi khi tiếp cận thị trường 58 quốc gia tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU.

Người đứng đầu WTO cũng nhận định Brexit đồng thời sẽ dẫn tới viễn cảnh Anh và 161 nước thành viên WTO phải tiến hành các cuộc đàm phán về những điều khoản liên quan tư cách thành viên của London trong tổ chức này. Ông Azevedo khẳng định các điều khoản thương mại cam kết giữa Anh và WTO chỉ có hiệu lực khi Anh ở trong "mái nhà chung châu Âu."

Cảnh báo trên của WTO được đưa ra tiếp sau một loạt các cảnh báo từ Bộ Tài chính Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cá nhân Tổng thống Mỹ Barack Obama về những tổn thất "khôn lường" đối với nền kinh tế và xã hội Anh nếu nước này rời khỏi EU.

Cảnh báo của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch

Ngày 10-6, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ cho biết vẫn giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm đối với Anh là “AA+”, song cảnh báo nếu nước này quyết định rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 tới, nhiều khả năng thứ hạng này sẽ giảm xuống.

Việc Anh được đánh giá ở mức tín nhiệm cao thứ hai trong khung xếp hạng là bởi sự thịnh vượng, nền kinh tế đa dạng, năng động, cùng với việc thực hiện chính sách quản lý bền vững của Xứ sở sương mù cùng khả năng tăng trưởng toàn cầu của đồng bảng Anh. Tuy nhiên, hãng cũng khẳng định mức xếp hạng này, đồng nghĩa với dự báo triển vọng tăng trưởng “ổn định,” chủ yếu được đánh giá dựa trên khả năng Anh sẽ tiếp tục là một trong số các thành viên của EU.

Ngược lại, nếu Brexit xảy ra, điều đó có thể thay đổi do viễn cảnh này tác động lớn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, triển vọng đầu tư trong trung hạn, cũng như vị thế quốc tế của nước này.

Tài phiệt Mỹ Soros cảnh báo nguy cơ EU tan rã cùng Brexit

Nhà tài phiệt người Mỹ George Soros vừa đưa ra cảnh báo rằng nếu cử tri Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU), trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23-6 tới, đây sẽ là dấu chấm hết cho liên minh này.

Ngày 11-6, phóng viên TTXVN tại Anh dẫn lời tỷ phú Soros cho rằng khả năng Anh rời EU tạo ra một mối đe dọa mới. Nếu xảy ra Brexit, nguy cơ tan rã của liên minh này là điều khó tránh khỏi.

Trước đó, ông Soros cũng đã cảnh báo EU đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, do phải giải quyết cùng lúc hai bài toán khó là cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và cuộc khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, nhà tài phiệt này lưu ý rằng việc đồng bảng Anh mạnh lên trong những tuần gần đây cho thấy khả năng người dân Anh bỏ phiếu rời EU có thể sẽ không xảy ra. Theo ông, cuộc trưng cầu ý dân càng đến gần thì các cuộc vận động ở lại EU sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhận định của ông Soros được đưa ra vào thời điểm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi vừa đưa ra cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian để chính phủ các nước EU thực hiện các chương trình cải cách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế trong giai đoạn có nhiều thay đổi về nhân khẩu học cũng như để thúc đẩy tăng trưởng thông qua giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Ông Soros cũng cho biết ông đã bán cổ phiếu và "đánh cược" vào vàng và một số tài sản khác. Tỷ phú Soros đã “rót” 30 tỷ bảng Anh (tương đương 43,5 tỷ USD) vào kim loại quý này, vì theo ông, chiều hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến cho tỷ lệ lạm phát trên thế giới tiếp tục ở mức thấp đáng lo ngại.

Theo số liệu thống kê, trong quý đầu năm nay, tuy bán cổ phiếu của các công ty thuộc nhiều lĩnh vực vực khác, song quỹ đầu tư của ông Soros đã mua trên 1 triệu cổ phiếu (trị giá khoảng 123,5 triệu USD) của quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust và 19 triệu cổ phiểu của công ty khai thác vàng hàng đầu thế giới Barrick Gold.

Ông từng được coi là kẻ "gây rối" tại Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong một ngày mà giới đầu tư gọi là ngày "Thứ Tư Đen" (16-9-1992). Áp lực của các cuộc tấn công đầu cơ tiền tệ do quỹ đầu tư của ông Soros dẫn đầu khi đó đã buộc BoE phải rút đồng bảng khỏi Cơ chế Tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) để tránh cho đồng bảng tiếp tục lao dốc./.