Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Ba Lan
00:26, ngày 11-06-2016
Theo đặc phái viên TTXVN, Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 26 đã khai mạc vào tối 9-6 theo giờ địa phương (đêm 9-6 giờ Việt Nam) tại thủ đô Vacsava, Cộng hòa Ba Lan với chủ đề "Phụ nữ xây dựng nền kinh tế toàn diện trong thời đại số".
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị (Ảnh: TTXVN) |
Đây là diễn đàn lớn của phụ nữ được tổ chức hàng năm kể từ năm 1990 nhằm tăng cường nhận thức quốc tế về bình đẳng giới và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.
Hội nghị năm nay thu hút sự tham dự của gần 1.000 đại biểu, trong đó có hơn 30 đại biểu cấp bộ trưởng trở lên và hàng trăm nữ doanh nhân và đại diện các tổ chức phụ nữ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu Irene Natividad, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc hội nghị.
Mở đầu bài phát biểu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Ngày nay, phụ nữ càng khẳng định vị thế trên mọi cương vị, song tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo trên toàn cầu còn thấp, khoảng 24%; trong đó, riêng ngành công nghệ thông tin, nữ chỉ chiếm 29,1% và khoảng 22% các vị trí lãnh đạo. Khoa học và công nghệ phát triển, nhất là thời đại công nghệ số đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nhân loại cũng như sự tiến bộ của phụ nữ.
Phó Chủ tịch nước nêu lên một thực tế: Kỷ nguyên kỹ thuật số tạo ra những cơ hội vàng cho mọi phụ nữ, đặc biệt là giảm đáng kể những rào cản đối với các nữ doanh nhân; đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia đang phát triển, đó là sự tụt hậu về phát triển kinh tế, sự lạc hậu về khoa học công nghệ, sự thiếu bền vững về môi trường, xã hội, đặc biệt đối với đội ngũ doanh nhân.
Để có thể phát triển, đủ sức cạnh tranh trong thời đại thương mại hóa toàn cầu, nữ doanh nhân vừa phải hoàn thành trọng trách người vợ, người mẹ trong việc chăm sóc con cái, giữ lửa tổ ấm gia đình, đồng thời cũng phải nỗ lực, cố gắng, luôn luôn đổi mới, sáng tạo để chèo lái con thuyền doanh nghiệp tới đích an toàn. Qua đó, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh sự tán thành với chủ đề của Hội nghị năm nay là "Phụ nữ xây dựng một nền kinh tế toàn diện trong thời đại kỹ thuật số".
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định những thành tựu về bảo đảm bình đẳng giới ở Việt Nam, đặc biệt Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cao các nữ đại biểu Quốc hội, có một nữ Chủ tịch Quốc hội; một Phó Chủ tịch nước, hàng chục nữ bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương.
Phó Chủ tịch nước khẳng định phụ nữ Việt Nam đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay; đồng thời thông tin về những chính sách đồng bộ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và khuyến khích sự tham gia toàn diện của phụ nữ vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong thời đại kỹ thuật số.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ: Để nhìn nhận và hướng phát triển cho phụ nữ trong điều kiện phát triển nền kinh tế toàn diện, thì dù ở bất cứ quốc gia nào, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế, công tác xã hội.
Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận đầy đủ với giáo dục, đào tạo nghề, công nghệ thông tin, trang bị cho họ những kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo, tư duy nghiên cứu khoa học…. từ đó, phụ nữ mới có cơ hội để vươn lên trong nền kinh tế tri thức ngày càng cao hiện nay.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cần phải tự nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn để thực hiện quản lý, điều hành tổ chức, doanh nghiệp có hiệu lực, hiệu quả. Hơn nữa, chị em cũng phải chủ động, tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên các chương trình dành cho phụ nữ, trẻ em gái, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến với phụ nữ, nhằm góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Trong khuôn khổ 3 ngày hội nghị sẽ diễn ra Hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng "Đối tác công - tư trong việc thúc đẩy cơ hội kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái"; Diễn đàn “Tương lai của các thành phố”, một số phiên thảo luận: “Kinh doanh với Ba Lan”, “Xu thế toàn cầu và khu vực”; Diễn đàn CEO nam "Định nghĩa môi trường làm việc công bằng"; Cuộc thảo luận “Thế nào là kinh tế toàn diện”; Diễn đàn doanh nhân nữ "Xây dựng các doanh nghiệp mới từ các nhu cầu cũ”.
Trước đó, chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã hội kiến Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hội kiến Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan Beata Szydlo (Ảnh: TTXVN) |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập châu Âu của Ba Lan, đánh giá cao sự quan tâm và đóng góp của cá nhân bà Thủ tướng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian qua.
Bà cũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với Ba Lan; cảm ơn Ba Lan đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi trị giá 250 triệu euro và mong muốn hai bên sớm ký Hiệp định khung về hợp tác tài chính đối với khoản tín dụng trên để nhanh chóng triển khai các dự án cụ thể tại Việt Nam.
Thủ tướng Beata Szydlo hoan nghênh chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đóng góp vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 26; đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ phát triển hiệu quả trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) sắp đi vào thực hiện.
Thủ tướng Ba Lan khẳng định trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và với tư cách là một thành viên tích cực của EU, Ba Lan luôn ủng hộ việc tăng cường mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.
Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch thương mại song phương đang tăng trưởng ổn định, đạt hơn 760 triệu USD trong năm 2015.
Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu; nhất trí đánh giá hai nước có những thế mạnh có thể bổ trợ lẫn nhau để mở rộng hợp tác, nhất là trên các lĩnh vực như nông nghiệp, quốc phòng, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, y tế, dược phẩm, đóng tàu, dệt may, du lịch, lao động, văn hóa, trùng tu và phục chế các di tích lịch sử...
Thủ tướng Beata Szydlo cũng nhấn mạnh những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan vào sự phát triển của đất nước Ba Lan. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cảm ơn Chính phủ Ba Lan đã quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam hòa nhập, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thông báo với Thủ tướng Beata Szydlo về tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Thủ tướng Beata Szydlo chia sẻ quan điểm các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế./.
Giới thiệu thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới tại Na Uy  (11/06/2016)
Từ 2017 sẽ kiểm định các chung cư, biệt thự cũ nguy hiểm  (11/06/2016)
Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”  (11/06/2016)
Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  (11/06/2016)
Đảng ủy Binh chủng Tăng thiết giáp học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng  (11/06/2016)
Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc thảo luận về DOC và COC  (11/06/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay