Trợ giúp nhân đạo: Thế giới cùng chung tay
TCCSĐT - Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang cùng nỗ lực nhằm thiết lập hệ thống cứu trợ nhân đạo toàn cầu tích cực và hiệu quả hơn.
Thế giới chung tay cứu nhân loại. Ảnh: Reuters
Vào những ngày cuối tháng 5-2016, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về nhân đạo do Liên hợp quốc bảo trợ được tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Liên hợp quốc diễn ra hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trợ giúp nhân đạo theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, với sự tham dự của hơn 9.000 đại biểu đến từ 173 quốc gia, trong đó có trên 50 nhà lãnh đạo nhà nước, chính phủ, đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.
Thực trạng đáng báo động
Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện nay trên thế giới có hơn 130 triệu người phải cần tới trợ giúp nhân đạo để sinh tồn. Trong số này có hàng chục triệu người phải rời bỏ nơi ở do chiến tranh, xung đột, thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, nguồn lực dành cho các hoạt động nhân đạo ngày càng eo hẹp do thiếu những cam kết đủ mạnh và một hệ thống toàn cầu ứng phó hiệu quả với khủng hoảng.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao tham vấn toàn cầu về nhân đạo ở Geneva (Thụy Sĩ) tháng 10-2015, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo S. O'Brien cho biết, nếu gộp số người đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo thành một quốc gia, thì quốc gia này sẽ có số dân đông thứ 12 trên thế giới. Hạn hán, bão lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng tới hàng triệu người. Đặc biệt, vấn đề xung đột vũ trang là nguyên nhân lớn nhất đẩy người dân vào tình cảnh cần trợ giúp nhân đạo. Ngoài ra, việc thiếu các giải pháp chính trị cũng khiến các cuộc khủng hoảng kéo dài dai dẳng hơn, số lượng người vô gia cư cũng ngày một đông hơn.
Năm 2014, khoản viện trợ nhân đạo toàn cầu đã lên tới mức kỷ lục 24,5 tỷ USD nhờ việc tăng bổ sung gần 1 tỷ USD từ các nước Vùng Vịnh, song mức tăng 20% vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thảm họa và xung đột. Thực tế là, tuy số tiền viện trợ tăng nhưng các tổ chức nhân đạo vẫn đang phải “vật lộn” để giúp đỡ số lượng ngày càng nhiều người mất nhà cửa từ các khu vực chiến tranh ở Yemen, Syria và Iraq... Và cho dù các nhà tài trợ vẫn tỏ ra hào phóng trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo nhưng khoảng cách giữa số tiền kêu gọi và số tiền thực tế nhận được ngày càng lớn. Theo các chuyên gia, xung đột kéo dài, nghèo đói cùng cực và bất ổn chính trị khiến các mục tiêu viện trợ nhân đạo khó đáp ứng trong tương lai nếu thiếu các giải pháp bền vững thay thế. Ngoài ra, theo các chuyên gia, thực trạng nhân đạo hiện nay là hệ quả tồn đọng từ nhiều năm nay của những vấn đề phát sinh trong hệ thống cứu trợ nhân đạo thế giới vốn đã hình thành từ nhu cầu cấp thiết sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Việc xâm phạm các quy tắc của luật nhân đạo vẫn xảy ra thường xuyên, gây khó khăn cho công tác cứu trợ nhân đạo, chẳng hạn việc nhân viên cứu trợ nhân đạo thường xuyên bị tấn công, thậm chí bị sát hại tại những khu vực diễn ra xung đột.
Thế giới tiếp tục chứng kiến “thảm họa nhân đạo”. Các phần đất châu Phi và châu Á đang phải đối mặt nạn hạn hán kỷ lục, lũ lụt tàn khốc khiến người dân ở những nơi đây rơi vào cảnh đói khát cùng cực. “Thảm họa nhân đạo” còn xảy ra ngày càng nghiêm trọng do những cuộc xung đột vũ trang kéo dài. Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vào tháng 4-2014 tới nay, tổng số người bị thiệt mạng và bị thương tiếp tục tăng cao và đã vượt quá 30.700 người, trong đó có 9.300 người đã thiệt mạng và gần 21.400 người khác bị thương. Hiện có hơn 3 triệu người dân của quốc gia Đông Âu này cần viện trợ nhân đạo, trong khi việc các lực lượng đòi độc lập ở hai khu vực Donetsk và Lugansk từ năm 2015 tạm đình chỉ gần như toàn bộ hoạt động của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ quốc tế, cũng như quyết định của Chính phủ Ukraine “đóng băng” các khoản chi trả xã hội, trong đó có tiền lương hưu của gần 600 người, đã khiến tình hình nhân đạo tại miền Đông Ukraine trở nên xấu đi nghiêm trọng.
Khủng hoảng nhân đạo cộng với khủng hoảng người di cư do tị nạn chiến tranh từ Syria, Yemen, Afghanistan, Somalia và nhiều khu vực “nóng” khác ở châu Phi cũng đang là thất bại nhức nhối nhất của cộng đồng quốc tế. Nhiều khu vực tại Syria, chiến sự căng thẳng đến độ hoạt động nhân đạo bị trì hoãn vô thời hạn, hàng cứu trợ không thể đến được với thường dân vô tội đang đói khát, bệnh tật. Theo ước tính của Liên hợp quốc, có khoảng 4,6 triệu người dân Syria đang sống tại các khu vực khó tiếp cận với hàng cứu trợ và hơn 590.000 người khác đang phải sống trong cảnh bị cô lập. Tháng 01-2016, cả thế giới đã chấn động sau khi xem đoạn phim được nhiều hãng truyền thông quốc tế đăng tải cho thấy, hình ảnh người dân và những đứa trẻ chỉ còn da bọc xương do thiếu ăn ở thị trấn Madaya của Syria. Cái tên Madaya sau đó đã được xem như một biểu tượng của “địa ngục trần gian” khi tất cả người dân tại đây thường xuyên phải sống trong cơn đói vật vã mỗi ngày. Còn theo thống kê mới nhất được Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh cho thấy, cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 280.000 người và đẩy hơn một nửa dân số Syria (khoảng 11,5 triệu người) phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Cam kết cùng chung tay
Được kỳ vọng là diễn đàn để giới chức các nước cùng thảo luận, tiến tới thành lập một hệ thống phản ứng với các tình huống khẩn cấp ở cấp độ toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về nhân đạo được xem là cơ hội cho lãnh đạo của các chính phủ, các tổ chức viện trợ, các cộng đồng chịu ảnh hưởng trong khủng hoảng, ngồi lại cùng nhau và cam kết hành động để ngăn chặn và chấm dứt khổ đau cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng trong tương lai và thảo luận các vấn đề tài chính để giúp đỡ những người cần viện trợ.
Trước thềm Hội nghị, tại Vatican, Giáo hoàng Francis đã tổ chức buổi cầu nguyện cho hòa bình và ổn định trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng nỗ lực giải quyết các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng hiện nay như xung đột, đói nghèo, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Phát biểu trước hàng chục nghìn người tại quảng trường St. Peter của Vatican, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhân đạo thế giới cam kết hành động vì những người dân vô tội trên thế giới, những người không có khả năng tự vệ.
Tại phiên toàn thể cùng 7 phiên thảo luận bàn tròn cấp cao và nhiều phiên thảo luận đặc biệt, trên cơ sở Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc với chủ đề “Một nhân loại: Cùng chia sẻ trách nhiệm”, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về nhân đạo đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về các nội dung như: ngăn ngừa và giải quyết xung đột, bảo vệ thường dân; các giải pháp giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới các cuộc khủng hoảng nhân đạo; tăng cường năng lực của các cộng đồng địa phương và người dân trong việc ứng phó với khủng hoảng nhân đạo; bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo. Trên cơ sở quá trình tham vấn kéo dài 3 năm vừa qua tại hơn 150 quốc gia, Hội nghị cũng đã đưa ra gợi ý về các nội dung cụ thể mà các nước có thể cam kết phù hợp với các điều kiện của quốc gia nhằm giải quyết tận gốc và bền vững các nguyên nhân dẫn tới thảm họa nhân đạo.
Để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn các cuộc xung đột bùng phát cũng như hướng đến những cam kết thực chất cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo, với vai trò là người sáng kiến thành lập Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, thế giới cần thay đổi nhận thức về các cuộc khủng hoảng và hướng tới “một tương lai khác biệt” và đây không phải là “một nhiệm vụ dễ dàng” để hiện thực hóa, đòi hỏi một sự quyết tâm chính trị trên quy mô lớn.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo S. O'Brien cảnh báo nếu lãnh đạo các quốc gia không sớm hành động, tương lai toàn thế giới sẽ có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, hiện có khoảng 1,5 tỷ người đang sống tại các quốc gia liên tục chìm trong xung đột bạo lực. Vấn đề này gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu khoảng 14,3 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương 13% GDP toàn cầu. Ngoài ra, hơn 60 triệu người trên thế giới đã và đang phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực, khủng bố. Đây là con số cao kỷ lục kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Vì vậy, ông O'Brien nhấn mạnh, Hội nghị là một cơ hội chưa từng có trong việc tìm cách tiếp cận mới đối với các cuộc khủng hoảng, hướng tới xây dựng một chương trình nghị sự nhằm thay đổi cách thức ngăn không để xảy ra nỗi đau cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, trong đó cần tìm cách xóa bỏ các nguyên nhân gốc rễ gây xung đột thay vì chỉ giải quyết những hậu quả do xung đột gây ra. Ông O'Brien cũng khẳng định hội nghị này hoàn toàn khác so với các sự kiện tương tự trước đó, bởi nó không nhằm mục đích đưa ra các cam kết về tài chính mà để tìm ra một chiến lược toàn diện giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc J. Eliasson nhận định, hội nghị lần này cần đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ đối với việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế vốn đang bị suy giảm nghiêm trọng do các vụ tấn công trường học và nhiều bệnh viện trong các cuộc xung đột ở Syria, Afghanistan và Yemen. Bên cạnh đó, ông J. Eliasson cũng hoan nghênh việc hàng chục quốc gia tham dự hội nghị ra một tuyên bố chung ủng hộ những mục đích cao cả của sự kiện này và cam kết nỗ lực nhiều hơn nữa để tháo gỡ các nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột.
Từng bị chỉ trích trước những động thái đối với người tị nạn Syria tại quốc gia mình, Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan đã nêu bật những đóng góp của nước này khi tiếp nhận 3 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột tại Syria và Iraq. Theo ông T. Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 10 tỷ USD để tiếp nhận người tị nạn Syria, trong khi con số đóng góp của cộng đồng quốc tế chỉ 450 triệu USD. Do vậy, ông kêu gọi các nước trên thế giới ngay từ bây giờ cần có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng giải quyết các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Đức A. Merkel cảnh báo thế giới hiện nay không tồn tại một hệ thống nhân đạo nào “phù hợp với tương lai”. Bà A. Merkel kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần chấm dứt những lời hứa hay cam kết viện trợ sáo rỗng, mà thay vào đó phải triển khai những hành động cụ thể và thực chất, trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo toàn cầu đang ngày một tăng cao và rất cần đến những khoản viện trợ lớn từ các quốc gia.
Các tổ chức nhân đạo trên thế giới lên tiếng kêu gọi thành lập một hệ thống phân phối cứu trợ nhân đạo thường trực toàn cầu. Thiên tai, xung đột và các trường hợp khẩn cấp khác đe dọa tính mạng và sức khỏe của hàng triệu người mỗi năm. Khi khủng hoảng như vậy xảy ra, hàng ngàn nhân viên cứu trợ nhân đạo cố gắng, nỗ lực chăm sóc các nạn nhân và hỗ trợ chính quyền địa phương sở tại. Song, theo ông Salil Shetty thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế nói: “Chúng ta không thể nào có sự đáp ứng không ngừng thay đổi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Chúng ta cần một hệ thống phân phối thường trực, căn cứ trên việc chia sẻ trách nhiệm trên thế giới. Tôi nghĩ đây là lời kêu gọi của chúng ta đối với các chính phủ. Đây là lời kêu gọi của mọi người đối với các chính phủ và họ phải lắng nghe.”
Sau những những thảo luận thực chất cũng như nhìn nhận của lãnh đạo các nước về tầm quan trọng của công tác cứu trợ nhân đạo nhằm tìm đến giải pháp tăng cường hiệu quả, Hội nghị hướng tới đạt được những mục tiêu sau:
Một là, ngăn chặn và chấm dứt xung đột. Lãnh đạo các nước, bao gồm cả những thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần đặt tính nhân đạo và can đảm lên hàng đầu khi đưa ra những quyết định chung nhằm ngăn chặn và chấm dứt xung đột, đem lại những thay đổi khả quan cho những người đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng.
Hai là, tôn trọng luật nhân đạo. Theo đó, thúc đẩy các nước tôn trọng những điều luật về quyền con người và các vấn đề nhân đạo quốc tế trong chiến tranh.
Ba là, không bỏ mặc những người dễ bị tổn thương. Với những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới - khi buộc phải di dời để chạy trốn chiến tranh, rời bỏ nhà cửa do hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, các nước cần hành động để bảo đảm rằng, không ai trong số họ bị bỏ mặc và các nước nghèo nhất thế giới sẽ là mục tiêu của các chương trình phát triển.
Bốn là, có sự chuẩn bị trước khủng hoảng. Thiên tai có thể ập xuống bất ngờ, nhưng có nhiều cuộc khủng hoảng vẫn có thể dự đoán được để phản ứng. Bởi vậy cần làm việc với các cộng đồng có nguy cơ cao để giúp họ chuẩn bị cách ứng phó, giảm thiểu rủi ro và những tổn thương ở quy mô toàn cầu.
Năm là, đầu tư cho các vấn đề nhân đạo. Các nước cần đầu tư cả về chính trị và tài chính để thực hiện trách nhiệm với những người dễ bị tổn thương. Điều đó có nghĩa là không chỉ tăng kinh phí để đáp ứng nhu cầu, mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng nếu cuộc xung đột kéo dài cũng như nỗ lực để xây dựng lại hòa bình.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia và đại biểu đều hối thúc cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hợp tác nhằm tăng quỹ tài trợ giáo dục cho trẻ em lên 10% trong tổng quỹ tài trợ nhân đạo thế giới, trong bối cảnh hiện có khoảng 12 triệu trẻ em không được đến trường, 168 triệu em đang phải làm những công việc cực nhọc và 1,2 triệu em bị buôn bán mỗi năm. Với mục đích đầu tư giáo dục cho những trẻ em và thanh niên chịu ảnh hưởng của tình trạng nhân đạo khẩn cấp và khủng hoảng kéo dài, tại Hội nghị, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã phát động chiến dịch gây quỹ mới mang tên quỹ “Giáo dục không thể chờ đợi”. Quỹ huy động 3,85 tỷ USD để thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục với thời gian là 5 năm, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận nền giáo dục có chất lượng./.
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2016  (03/06/2016)
Thủ tướng: Đặt mục tiêu 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế  (03/06/2016)
Việt Nam - Thụy Điển tăng cường quan hệ hợp tác song phương  (03/06/2016)
Chất lượng hải sản xuất khẩu không bị ảnh hưởng vì hiện tượng cá chết  (03/06/2016)
Đoàn Đảng Cộng sản Việt Nam dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp  (03/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên