Ngày 02-6, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một kế hoạch tăng cường các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội nhằm đối phó với tình trạng dân số già. Tuy nhiên, các biện pháp bảo đảm nguồn lực tài chính vẫn chưa rõ ràng, nhất là sau khi hoãn kế hoạch tăng thuế bán lẻ.

Theo chính sách kinh tế và thuế nói trên, chính phủ sẽ sử dụng “các thành quả của chính sách kinh tế Abenomics” để cải thiện các điều kiện làm việc cho lao động, và sẽ kiên trì tư tưởng nền tảng là “chính sách tài chính không thể lành mạnh nếu kinh tế không phục hồi”, tức là chú trọng tăng trưởng kinh tế hơn là thắt chặt chi tiêu.

Phát biểu tại một cuộc họp chung giữa Hội đồng chính sách kinh tế và thuế với Hội đồng cạnh tranh công nghiệp, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ giải quyết trực tiếp các vấn đề cơ cấu để tối ưu hóa các thành quả của Abenomics.

Một trong các mục tiêu chính sách chủ chốt của ông Abe là tăng cường các biện pháp an sinh xã hội, gắn với thực hiện các mục tiêu như mở rộng quy mô nền kinh tế Nhật Bản thêm 20% vào năm 2020, từ mức 600.000 tỷ yen (5.500 tỷ USD) hiện nay, và tăng tỷ lệ sinh từ 1,4 lên 1,8 vào năm 2025. Để có nguồn lực tài chính thực thi mục tiêu trên, chính phủ sẽ tiết kiệm bằng cách cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực, cộng với tăng thu thuế khi nền kinh tế phục hồi.

Kế hoạch trên được thông qua trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện ngày 10-7 tới, và chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Abe thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng, đặt ra thách thức lớn đối với đất nước đang phải gánh nợ công khổng lồ này. Chính phủ cũng thúc đẩy việc mở rộng tuyến đường sắt từ trường Osaka - Tokyo, tăng hỗ trợ tài chính cho chủ thầu là Tập đoàn Đường sắt trung tâm Nhật Bản nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện tuyến đường này đúng kế hoạch vào năm 2045.

Theo chính sách tăng trưởng kinh tế của Nội các, Chính phủ Nhật Bản sẽ tập trung cho các công ty tối ưu hóa công nghệ tiên tiến, trong đó có robot và phát triển phần mềm, nhằm bù đắp tình trạng thiếu lao động do dân số già. Bất chấp việc hoãn tăng thuế tiêu dùng tới tháng 10-2019 thay vì áp dụng từ tháng 4-2017, chính phủ kiên trì mục tiêu đạt thặng dư trước tài khóa 2020 dù chưa có kế hoạch cụ thể nào nhằm giảm nợ công đang gia tăng./.