Ủy ban Tài nguyên Quốc tế thuộc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) ngày 15-5 công bố một báo cáo cho biết, khối lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác trên thế giới có thể giảm tới 28% vào năm 2050 nhờ việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và hành động toàn cầu chống biến đối khí hậu. Báo cáo nhấn mạnh điều này còn có thể góp phần giúp kinh tế tăng trưởng.

Theo báo cáo, nhu cầu về tài nguyên trong đó có quặng kim loại, khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch ước tính tăng mạnh do dân số thế giới dự đoán tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng này, lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác có thể tăng từ 85 tỷ tấn/năm lên tới 186 tỷ tấn/năm vào năm 2050. Ủy ban Tài nguyên Quốc tế cảnh báo việc này có thể hủy hoại môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên trên Trái Đất.

Tuy nhiên, nếu các nước ban hành các chính sách và sáng kiến nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, thì lượng tài nguyên khai thác có thể giảm tới 28%/năm trên thế giới và giảm đến 31% trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào năm 2050. Các phân tích cho thấy, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn gắn liền với chính sách sử dụng tài nguyên hiệu quả còn giúp giảm 60% lượng khí thải trên thế giới và tăng 1% sản lượng kinh tế trong G7 và trên thế giới vào năm 2050.

Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner nhấn mạnh nếu không có sự thay đổi căn bản trong sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thì sẽ không thể đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, như đã đề ra trong thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris (Pháp) hồi tháng 12-2015. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Tamayo Marukawa cũng nhấn mạnh lợi ích của việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên - một vấn đề đến nay vẫn chưa được cộng đồng quốc tế nhận thức đầy đủ. Theo ông T. Marukawa, sử dụng tài nguyên hiệu quả không những có thể góp phần bảo vệ môi trường mà còn có tác động tích cực đến kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh, tạo việc làm, và có thể là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo trên được công bố tại hội nghị bộ trưởng môi trường G7 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản) diễn ra từ ngày 15 đến ngày 16-5-2016 tại thành phố Toyama, Nhật Bản./.