Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 25-4 đến 1-5-2016)

Nhân Hòa (Tổng hợp theo TTXVN, TCCSĐT)
00:22, ngày 04-05-2016
TCCSĐT - Cùng với Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII; Hoạt động kỷ niệm 30-4 và 1-5; Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo chống tham nhũng… Những hoạt động xung quanh sự cố cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung ở ta là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Kết luận ban đầu vụ cá chết: Có thể do độc tố có độc lực mạnh

Chiều 25-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại cuộc họp về hiện tượng hải sản chết bất thường tại ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Theo đó, hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện vào ngày 06-4 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Kết quả phân tích ban đầu của Viên Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác.

Giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 làm đầu mối tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nhanh chóng phân tích mẫu vật để xác định nguyên nhân, tổng hợp và báo cáo kết quả về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương quan trắc, giám sát môi trường nước vùng ven biển.

Khánh thành bệnh viện chuyên khoa Nhi lớn và hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long

Sau gần 3 năm thi công, ngày 25-4-2016, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - Bệnh viện chuyên khoa nhi lớn và hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ có quy mô 500 giường, được xây dựng trên diện tích đất 13.982 m2, gồm 2 khối nhà: một khối cao 9 tầng và một khối cao 4 tầng, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ngoài khu vực chính bố trí cho các khoa khám, điều trị bệnh cho trẻ em, bệnh viện còn có các công trình phụ trợ như: nhà kho, nhà xe, công viên vui chơi cho trẻ, hệ thống kỹ thuật liên lạc, ca-mê-ra quan sát, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Tổng mức đầu tư xây dựng bệnh viện trên 861 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và nguồn vốn địa phương. Hiện nay, ngoài Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, Bệnh viện Sản - Nhi Sóc Trăng đang được xây dựng thì Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa Nhi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long thực hiện khám chữa bệnh cho trẻ em trong vùng. Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận từ 50% - 60% bệnh nhi ngoài thành phố đến điều trị.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ: Đây là bệnh viện Nhi đầu tiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ phục vụ cho trẻ em trong thành phố Cần Thơ mà trở thành tuyến trên của khoa Nhi thuộc các bệnh viện tỉnh trong vùng. Vì thế, thời gian tới, ngành y tế thành phố Cần Thơ cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; triển khai các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện; từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện chăm sóc liên tục và toàn diện cho người bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm; xây dựng chương trình bảo đảm và cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; kiện toàn cơ chế xử lý, phản hồi ý kiến, bảo vệ quyền lợi của người bệnh; từng bước áp dụng chuẩn khu vực và quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh.

Khai mạc phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 25-4, tại Hà Nội, đã khai mạc phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; Thứ hai, cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân; Thứ ba, cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối; Thứ tư, cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước; Thứ năm, cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.

Bế mạc Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sau một ngày rưỡi làm việc, sáng 26-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bế mạc phiên họp thứ 47. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian để xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV và báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua 5 nội dung quan trọng đã được Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tại phiên khai mạc; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết về phân loại đô thị.

Bộ Giao thông vận tải quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Ngày 26-4-2016, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Nội dung Văn kiện Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, có sự kế thừa, bổ sung và phát triển nội dung Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, của các Hội nghị Trung ương và đường lối, quan điểm của Đảng trong các nhiệm kỳ trước đây.

Xác định Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên dự Hội nghị trong quá trình học tập Nghị quyết cần bám sát vào các mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đã nêu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Trung ương. Trong đó, tập trung nghiên cứu, nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XII; so sánh với những nội dung của Đại hội XI và các đại hội Đảng trước đây để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy, lý luận của Đảng trên các phương diện lớn và các lĩnh vực cụ thể, cũng như trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Đảng.

Formosa họp báo xin lỗi về phát ngôn liên quan vụ cá chết ở miền Trung

Ngày 26-4, lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng nghiệp Formosa (FHS) Hà Tĩnh tổ chức họp báo, chính thức xin lỗi về việc ông Chu Xuân Phàm phát biểu gây bức xúc trong dư luận xã hội về vụ việc cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Ông Trương Phục Ninh, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Formosa, đã gửi lời xin lỗi Chính phủ Việt Nam, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh về việc ông Chu Xuân Phàm phát biểu gây bức xúc trong dư luận rằng, “việc đánh bắt cá, tôm và phát triển ngành công nghiệp gang thép hiện đại chỉ có thể chọn một trong hai”.

Giải thích về việc ông Chu Xuân Phàm đã có phát ngôn trên, ông Trương Phục Ninh cho biết ngày 25-4, ông Khâu Nhân Kiệt có lịch trả lời phóng viên nên ngày 24-4, ông Phàm vào Hà Tĩnh hỗ trợ phiên dịch cho ông Kiệt về các vấn đề liên quan đến xử lý nước thải và xả thải. Khi kết thúc buổi phỏng vấn ông Phàm có trao đổi ý kiến với phóng viên và đã có phát biểu không đúng đắn.

Công ty Formosa khẳng định những lời phát biểu của ông Chu Xuân Phàm không đại diện cho lập trường của Công ty Formosa. Phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm đã gây bức xúc trong dư luận Việt Nam và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh công ty. Ông Phàm đã nghiêm khắc kiểm điểm và gửi lời xin lỗi chân thành đến người dân Việt Nam.

Ông Trương Phục Ninh cho biết lập trường nhất quán của Formosa là toàn lực thúc đẩy nền công nghiệp và kinh tế Việt Nam phát triển, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, làm tốt việc bảo vệ môi trường. Hiện nay công ty đã đầu tư 45 triệu USD xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải phát sinh đều qua xử lý, được tiến hành đo kiểm phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam mới được xả thải.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về vấn đề nhập khẩu hóa chất và thau rửa hệ thống xả thải của công ty, ông Trương Phục Ninh khẳng định tất cả hóa chất nhập khẩu đều được công ty cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng và được phép nhập khẩu. Công ty không sử dụng hóa chất để súc rửa, thau chùi hệ thống xả thải, chỉ sử dụng hóa chất làm mát trong quá trình sản xuất.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng

Ngày 26-4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về nội dung kỳ họp thứ 2 và 3 của Ủy ban như sau: Ngày 23-2 và trong hai ngày 21 và 22-4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII đã họp kỳ thứ 2 và thứ 3. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thảo luận và thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Chương trình công tác toàn khóa và năm 2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; xem xét kết luận một số vụ việc theo thẩm quyền.

1. Theo Chương trình công tác toàn khóa và Chương trình hành động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", tự chuyển hóa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

2. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng.

3. Xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng: Đối với năm đảng viên có khiếu nại, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật "khiển trách" đối với hai trường hợp; quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật "khai trừ ra khỏi Đảng" đối với hai trường hợp; giảm hình thức kỷ luật từ "khai trừ ra khỏi Đảng" xuống hình thức kỷ luật "cảnh cáo" đối với một trường hợp.

4. Về việc tham gia ý kiến với các Đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật của Ban Bí thư, Bộ Chính trị: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư giữ nguyên hình thức kỷ luật “cảnh cáo” đối với một trường hợp; đề nghị Bộ Chính trị giữ nguyên hình thức kỷ luật "khai trừ ra khỏi Đảng" đối với một trường hợp./.

Ban Chỉ đạo chống tham nhũng thông qua kế hoạch khởi tố năm 2016

Sáng 27-4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 10. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã kiểm điểm việc thực hiện Kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo; đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố các Quyết định của Bộ Chính trị về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo cho ý kiến về Kế hoạch triển khai Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty Vinashinline vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí với đa số ý kiến của các thành viên, đánh giá cao việc chuẩn bị của Ban Nội chính Trung ương về những nội dung, vấn đề xin ý kiến Ban Chỉ đạo; đề nghị Ban Nội chính nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, đề án. Việc phân công trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản được các ý kiến tán thành, tuy nhiên cần rà soát, bổ sung một số trường hợp cho phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng thành viên, chú ý những địa bàn lớn, quan trọng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị, các ý kiến đều nhất trí, việc triển khai thực hiện Chỉ thị quan trọng này là rất cần thiết.

Về chỉ đạo các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Tổng Bí thư lưu ý không nên chạy theo số lượng mà cần tập trung đôn đốc, làm quyết liệt, rõ đến đâu, xử đến đấy; không buông xuôi, nể nang, ngoài nhiệm vụ được giao, cần chủ động đề xuất, đoàn kết thống nhất, làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, trước hết là giữa các thành viên Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng

Ngày 29-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác Trung ương đã về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi làm việc sáng 29-4 với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà thành phố Đà Nẵng đạt được trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016. Kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực, đời sống người dân được cải thiện, có 10/11 xã của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Hòa Vang đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều công trình trọng điểm được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới về văn minh đô thị theo hướng hiện đại.

Cho ý kiến về những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của thành phố trong giai đoạn 2015-2020 mà Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đã đề ra, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ Đà Nẵng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ tịch nước cũng lưu ý Đà Nẵng tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sát dân, huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng nền hành chính trong sạch, hiện đại. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị trên lĩnh vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thành phố trở thành khu vực phòng thủ vững chắc; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với mở rộng quan hệ đối ngoại.

Cũng trong sáng 29-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm, kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Cung văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Trọng tại phường Hải Châu I, quận Hải Châu; thăm và tặng quà một số gia đình lão thành cách mạng tại thành phố Đà Nẵng.

Khai mạc Festival Huế 2016

Tối 29-4-2016, tại Quảng Trường Ngọ Môn, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra Lễ Khai mạc Festival Huế lần thứ 9-2016. Tham dự Lễ có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc Festival Huế 2016, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế”, Festival Huế 2016 được tổ chức từ ngày 29-4 đến hết ngày 04-5-2016 nhằm mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế, là nơi gặp gỡ, giao lưu các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam với các nền văn hóa thế giới, qua đó tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như những giá trị đích thực của văn hóa đương đại, đồng thời một lần nữa khẳng định văn hóa thực sự là cầu nối giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ, xóa nhòa mọi ranh giới, rào cản để xây dựng một thế giới hòa bình, tự do, bình đẳng và bác ái.

Với hơn 50 hoạt động diễn ra trên khắp các địa bàn tỉnh, Festival Huế 2016 không chỉ tiếp tục hướng đến việc quảng bá hình ảnh của một Cố đô Huế đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc mà còn thể hiện cho bạn bè và du khách có cái nhìn đa chiều hơn về văn hóa Huế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Thừa Thiên Huế và các địa phương trong vùng phát triển ngày một mạnh mẽ, bền vững hơn.

Chương trình khai mạc Festival Huế 2016 diễn ra hoành tráng, sinh động đem đến cho người xem một bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc, đậm chất Huế. Chương trình được khép lại với tiết mục hát múa “Huế Festival” do các đơn vị tham gia Festival Huế 2016 trình diễn cùng với cảnh sắc tưng bừng của pháo hoa nghệ thuật và pháo hoa tầm cao.

Vụ cá chết hàng loạt: Không có việc đánh đổi môi trường lấy dự án

Chiều 29-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về những nội dung ở Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra sáng cùng ngày.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, chủ trì cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi có hay không về mối liên hệ giữa Formosa với vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng cho đến nay, cá nhân ông chưa nhận được thông tin chính thức về nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển khu vực miền Trung nên không thể khẳng định có liên quan đến Formosa hay không. Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định không có chủ trương đánh đổi môi trường để lấy dự án.

Chủ tịch nước thăm, tặng quà đối tượng chính sách tỉnh Quảng Nam

Trong không khí những ngày tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30-4-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đang được phụng dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng-Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam.

Được thành lập năm 1976, đến nay Trung tâm Nuôi dưỡng-Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam đã điều dưỡng, điều trị phục hồi chức năng và đưa về ổn định ở gia đình gần 1.200 thương binh, bệnh binh nặng; qua 16 năm tổ chức phục vụ điều dưỡng 43.000 lượt người có công với cách mạng.

Trung tâm hiện đang phụng dưỡng 35 Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người có công; đồng thời đón tiếp, chăm sóc cho gần 4.000 lượt người có công trong tỉnh Quảng Nam, 500 lượt người có công tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến điều dưỡng mỗi năm.

Nói chuyện với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người có công với cách mạng đang được phụng dưỡng, điều dưỡng tại trung tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, tri ân sâu sắc đến các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước; vui mừng thấy các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công được hưởng điều kiện phụng dưỡng, điều dưỡng tốt tại trung tâm, nhiều người sức khỏe được cải thiện rõ rệt.

Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực vượt bậc của trung tâm trong công tác phụng dưỡng, điều dưỡng các đối tượng chính sách; đánh giá cao sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Nam trong việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn biết ơn và ghi nhớ công ơn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành nền độc lập cho Tổ quốc; nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn coi việc chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là bổn phận và trách nhiệm cao cả, để báo đáp những hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng làm việc với các địa phương về tình trạng hải sản chết bất thường

Ngày 01-5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Theo báo cáo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho đến nay Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có 8 văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ, trong đó có 17 đầu việc chính tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Xác minh, làm rõ nguyên nhân; hỗ trợ, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; khôi phục, ổn định sản xuất; giữ gìn trật tự an ninh xã hội và công tác bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các Bộ trưởng đã công bố một số kết quả kiểm tra, giám sát.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đến nay, Bộ đã đặt các công cụ quan trắc tại Vũng Áng và hoàn toàn có thể kiểm soát mức độ ô nhiễm của vùng biển này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, chất lượng môi trường nước biển ở các tỉnh miền Trung hoàn toàn an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin: “Tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như: tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau để phân tích thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người. Thông tin rất quan trọng là hải sản tươi sống đều an toàn. Riêng các mẫu hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày mai (02-5) sẽ có kết quả”.

Trả lời câu hỏi đối với các vùng nuôi trồng thuỷ, hải sản có lấy nước biển vào nuôi được không, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, qua phân tích cho thấy những chỉ tiêu cơ bản thì bảo đảm an toàn, tuy nhiên cũng cần chú ý theo dõi chặt để đề phòng các diễn biến bất thường.

Về vấn đề ngư dân quan tâm là có thể đánh bắt hải sản ở khu vực nào, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước hết là vùng biển khơi, cách bờ từ 20-30 hải lý trở lên.

Về xác định nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Bộ đã huy động các nhà khoa học hàng đầu trên cả nước để cùng vào cuộc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Các nhà khoa học cần được tạo điều kiện thực sự khách quan, công tâm, không bị sức ép nào về tiến độ, để có thể đưa ra những kết luận chính xác, khách quan nhất. Bộ cũng đã thành lập các tổ công tác thường trực tại địa phương.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ven biển. Tuy nhiên, đến nay, nhờ sự chỉ đạo toàn diện, liên tục, chúng ta cơ bản giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, biển đã an toàn hơn.

Thời gian tới, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các ngành chức năng, kể cả mời các nhà khoa học nước ngoài để kết luận, làm rõ nguyên nhân. “Xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Công an khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.

Thủ tướng cũng nhắc nhở, các ngành chức năng, các địa phương cần cảnh giác, đảm bảo an ninh an toàn, không để xảy ra mất an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ./.