Các hoạt động kinh tế, xã hội tháng 1 năm 2009 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; ảnh hưởng bất lợi của thời tiết như mưa lớn ở miền Trung và triều cường tại đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1 năm nay đã chứng kiến sự sụt giảm của:

- Giá trị sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50,6 nghìn tỉ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2008, và giảm 8,6% so với tháng 12 năm 2008; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 8,5%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước giảm 2,8% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,2%. Tính theo địa bàn, sản xuất công nghiệp tháng 1 tại nhiều địa phương cũng bị giảm sút mạnh, trong đó Vĩnh Phúc giảm mạnh nhất: 24,7%.

- Kim ngạch xuất khẩu. Trong tháng 1 năm 2009, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỉ USD, giảm 19% so với tháng 12 năm 2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 1,67 tỉ USD, giảm 7% so với tháng 12 năm 2008, và giảm 13,7% so với cùng năm 2008. Trong số 19 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu (chiếm gần 80% kim ngạch), kim ngạch xuất khẩu tháng 1 năm 2009 giảm so với tháng 1 năm 2008 là 1,14 tỉ USD. Trong đó giảm do yếu tố số lượng là 478 triệu USD, giảm do yếu tố giá là 661 triệu USD. Các mặt hàng giảm do giá là cà phê, dầu thô, cao su... Nguyên nhân của việc giảm sút trên là do giá cả các mặt hàng này trên thị trường thế giới đều giảm và việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

- Kim ngạch nhập khẩu. Trong tháng 1, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,1 tỉ USD, bằng 55,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1, lượng nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu đều giảm lượng so với cùng kỳ năm 2008. Trong số 23 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu (chiếm 75%), kim ngạch nhập khẩu tháng 1 năm 2009 giảm so với tháng 1 năm 2008 gần 2,8 tỉ USD, trong đó giảm do giá là 300 triệu USD, giảm do lượng là gần 2,5 tỉ USD. Các mặt hàng giảm lớn về lượng là xăng dầu, hóa chất, sản phẩm hóa chất. Bên cạnh yếu tố lượng thì sự giảm giá của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu cũng làm giảm đáng kể kim ngạch nhập khẩu và góp phần làm giảm chi phí đầu vào.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). So với cùng kỳ năm trước, trong tháng 1 năm 2009, FDI có xu hướng giảm, tổng vốn của các dự án được cấp giấy phép mới và vốn đăng ký tăng thêm ước đạt 185 triệu USD, bằng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm 2009 so với tháng 12 năm 2008 tăng 0,32% .

- Việc làm. Do tình hình sản xuất, kinh doanh ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương đã gặp nhiều khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm; nhiều mặt hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu không tiêu thụ được, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2008 có khoảng 30 nghìn người lao động bị mất việc làm. Xuất khẩu lao động cũng gặp nhiều khó khăn, do nhiều hợp đồng xuất khẩu đã kí kết phải đình hoãnh do bên nước tiếp nhận lao động cũng phải thu hẹp sản xuất.

- Hoạt động du lịch. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 ước đạt 370 nghìn lượt khách, tăng 3,3% so với tháng trước, nhưng giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Một số thị trường khách du lịch quốc tế của Việt Nam giảm mạnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ô-xtrây-lia...

Bên cạnh những chỉ tiêu giảm, cũng có một số lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng, chẳng hạn:

- Lĩnh vực dịch vụ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tháng 1 năm 2009 ước đạt gần 98,5 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 27,1% so với cùng kỳ năm 2008. Không khí chuẩn bị Tết diễn ra sôi động, rộng khắp trên cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Mạng lưới và dịch vụ bưu chính viễn thông. Trong tháng 1 năm 2009, phát triển mới 2,25 triệu thuê bao điện thoại, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đạt 84,5 triệu thuê bao, đạt mật độ 97,8 máy trên 100 dân. Phát triển mới 50 nghìn thuê bao internet băng rộng, nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng lên 2,05 triệu thuê bao. Số người sử dụng dịch vụ internet là 20,83 triệu người, đạt mật độ 24,1%.

Tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều ngày 4-2-2009, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo dự báo mới nhất của Qũy Tiền tệ quốc tế ngày 28-1-2009, năm 2009, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 0,5%, trong đó, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái, chẳng hạn như Mỹ, Nhật... Châu Âu chỉ tăng trưởng 2%; Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,5%; các nước ASEAN: trên 2%. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo được đưa ra vào tháng 11-2008. Nhiều nhà kinh tế lớn trên thế giới cho rằng, cuộc khủng hoảng này vẫn chưa chạm đáy và cũng chưa có điểm dừng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, thông qua phương án sử dụng khoản kích cầu đầu tư 17.000 tỉ đồng trong năm 2009, chủ yếu bằng bù lãi suất, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý, tạo động lực cho hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động huy động vốn và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Hy vọng rằng, các biện pháp kích cầu sau một thời gian triển khai trong thực tế sẽ phát huy tác dụng tích cực để có thể ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, bảo đảm các cân đối vĩ mô và an sinh xã hội./.