Những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu
Nữ bác sĩ tận tụy với sự nghiệp cứu người
Trong số 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu được trao Giải thưởng “Đặng Thùy Trâm” năm 2016 có một gương mặt nữ bác sĩ duy nhất là Tiến sĩ, bác sĩ chuyên ngành Ung thư Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Nói về nghề nghiệp, bác sĩ Phương tâm sự, âu cũng là cái duyên khiến chị đến với công việc này. Mẹ chị là dược sĩ, từng học Trường Đại học Dược Hà Nội, sau đó về công tác tại bệnh viện huyện Hoài Đức, Hà Nội. Bố đi làm xa, mẹ chị phải chăm sóc cho hai anh em. Từ bé chị đã theo mẹ đến bệnh viện trong những ca trực đêm. Hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng thầm lặng tận tình chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân dần khắc sâu vào tâm trí chị. Chẳng biết từ bao giờ, chị ước mơ được tiếp bước theo con đường của mẹ, của những y bác sĩ trong màu áo trắng để cứu chữa cho bệnh nhân.
Chị xúc động chia sẻ, để có được thành công như ngày nay, chị đã được sự giúp đỡ, dạy bảo tận tình của các thầy cô của trường Đại học Y và Bệnh viện K, những người đã tạo điều kiện cho chị trau dồi chuyên môn cũng như khả năng giao tiếp, chăm sóc cho bệnh nhân. Chị vô cùng biết ơn những người đã giúp cho ước mơ được làm bác sĩ của chị thành hiện thực.
Lựa chọn theo đuổi chuyên ngành Ung thư bắt nguồn từ một kí ức buồn của chị. Khi đang là sinh viên năm thứ 4, mẹ chị không may mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu thời điểm hiện nay với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, mẹ chị đã có thể sống lâu hơn. Nhưng sau 6 tháng, căn bệnh ung thư đã cướp đi người mẹ yêu quý khiến chị quyết tâm đi theo chuyên ngành Ung thư để làm sao tìm cách phát hiện sớm ung thư, giúp người bệnh như mẹ mình vượt qua nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Công tác tại bệnh viện Bạch Mai từ năm 2006, đến nay đã được 10 năm. Được sự giúp đỡ của PGS. TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai và GS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, cùng sự giúp đỡ của các anh chị em đồng nghiệp của bệnh viện, bác sĩ Phương đã từng bước khẳng định được năng lực của mình trong công việc. Gia đình là hậu phương vững chắc, luôn ủng hộ chị phấn đấu đi lên từng ngày. Không chỉ là một bác sĩ giỏi chuyên môn, chị còn hăng hái nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn, hoạt động từ thiện, khám chữa bệnh tình nguyện, hiến máu nhân đạo,...
Bác sĩ Phương đã phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội tổ chức khám sàng lọc ung thứ vú cho phụ nữ tại các huyện khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh lân cận và ngay tại cơ sở bệnh viện Bạch Mai. Trong hơn 1.600 trường hợp đã được thăm khám, phát hiện 5 bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn sớm, đây là tín hiệu vui mừng cho người bệnh rằng họ có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Cùng là người phụ nữ, chị thương yêu và đồng cảm với những bệnh nhân nữ mắc căn bệnh ung thư vú. Họ có thể phải cắt bỏ vùng ngực, chịu đựng nhiều nỗi đau khi xạ trị, xạ phẫu và ít nhiều thiên chức làm mẹ, làm vợ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đó là nỗi đau đớn khó có thể gọi tên mà phải những người hằng ngày làm việc trong môi trường mà sự sống và cái chết vô cùng mong manh như chị cùng đội ngũ y bác sĩ mới có thể thấu hiểu.
Là một thành viên tham gia vào quá trình ứng dụng và triển khai thành công kỹ thuật: “Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90” tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Phương đã nhận được bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác. Chị cho biết, hiện nay bệnh viện Bạch Mai đang ngày càng ứng dụng nhanh, nhiều các kĩ thuật mới, sử dụng máy móc công nghệ cao vào công tác điều trị như: Áp dụng phương pháp xạ phẫu bằng dao Gamma quay trong điều trị u não và bệnh lý sọ não; ứng dụng kĩ thuật PET/CT trong chẩn đoán và mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư, phương pháp cấy hạt phóng xạ I-125 trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt... tạo điều kiện cho công tác cứu chữa bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời và có kết quả tốt.
Đối với bác sĩ Phương, mỗi người bệnh đều có một hoàn cảnh khác nhau, họ đều là những người đáng thương cần được giúp đỡ. Đặc biệt là những em bé còn nhỏ tuổi nhưng đã mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Các em vốn rất hiếu động, đáng yêu nhưng nay lại phải nằm yên một chỗ để xạ trị, chụp chiếu, phải đối mặt với những liệu trình chữa trị vất vả, mệt mỏi. “Bác sĩ ơi, bao giờ con lại được về đi học cùng các bạn?” là một câu hỏi gây nhức nhối đối với bác sĩ Phương và tập thể y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai. Họ đã lấy điều này làm động lực để cố gắng phấn đấu hơn nữa trong công tác điều trị để có thể giúp các em sớm khỏi bệnh, trở về cuộc sống đời thường.
Bác sỹ Phương đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Đại học Y Hà Nội, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai... Năm 2016, bác sỹ Phạm Cẩm Phương là một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu của Thủ đô được nhận Giải thưởng “Đặng Thùy Trâm”. Bác sĩ Phương cười chia sẻ rằng bản thân chị rất vui và xúc động khi nhận được giải thưởng này. Niềm tự hào cũng là một động lực để chị cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu mang tên anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Người bác sĩ Quân y hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân
Thượng úy - bác sĩ đa khoa Lê Xuân Thắng hiện đang công tác tại khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103. Ra trường từ năm 2008 và công tác liên tục ở bệnh viện từ năm 2009 đến nay, anh đã cùng các đồng nghiệp cấp cứu kịp thời và thành công nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo. Thống kê sơ bộ gần 7 năm công tác, bác sĩ Lê Xuân Thắng đã tham gia cứu giúp hơn 200 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, lấy dị vật dạ dày cho 18 bệnh nhân, lấy 13 con giun đũa trong đường mật ra ngoài, lấy sỏi qua nội soi mật tụy ngược dòng cho hơn 90 bệnh nhân…
Tham gia nghiên cứu khoa học từ năm 2006 khi còn đang là sinh viên của Học viện Quân y, bác sĩ Thắng đã nghiên cứu rất nhiều đề tài y học, đưa ra những phương án chữa bệnh mới, cứu được nhiều bệnh nhân. Điển hình là đề tài “Tiêm xơ tĩnh mạch phình vị ở những bệnh nhân chảy máu tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch phình vị trên bệnh nhân xơ gan”. Anh Thắng cho biết: “Những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch phình vị có nguy cơ vỡ rất nguy hiểm, bệnh nhân lại nôn ra máu nhiều nên có thể tử vong bất cứ lúc nào, đòi hỏi phải cấp cứu, xử lý kịp thời. Phương pháp tiêm xơ búi giãn tĩnh mạch phình vị là một phương pháp mới, giúp bệnh nhân nhanh chóng cầm máu, tránh vỡ tĩnh mạch”. Để hoàn thành được đề tài này, ngoài việc tự nghiên cứu, tìm hiểu trên sách vở, anh Thắng còn nhận được sự chỉ bảo, hướng dẫn trực tiếp của thầy chủ nhiệm bộ môn, giáo sư Trần Việt Tú cùng với những anh em tham gia kíp làm đã giúp đỡ anh. Hiện nay, chỉ có anh Thắng và một bác sĩ nữa được Chủ nhiệm Khoa đồng ý cho tiêm xơ qua nội soi điều trị vỡ tĩnh mạch phình vị vì liên quan đến máy móc, trang thiết bị, chỉ một chút sơ sảy là hỏng mất dây soi khoảng tầm vài tỷ đồng. Đề tài này được báo cáo tại hội nghị tiêu hóa toàn quốc năm 2013 và được nhiều đơn vị, cơ sở y tế học hỏi kinh nghiệm.
Là bác sĩ trẻ, lại là Bí thư Đoàn cơ sở khối Nội, Bệnh viện Quân y 103, Ủy viên Ban chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội nên anh Thắng còn thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đặc biệt là tới khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Ánh mắt rưng rưng, xúc động, anh Thắng tâm sự: “Ở vùng sâu vùng xa, y tế rất thiếu thốn. Có những người họ đi ba ngày mới đến được điểm khám của mình. Có những ca bệnh rất nặng, cả một đời người không được tiếp xúc với y tế một chút nào. Y tế ở đó nghèo nàn, khó khăn, khổ lắm. Họ không được hưởng trang thiết bị như ở thành phố. Vì vậy, tôi rất thích những chuyến đi vùng sâu vùng xa, mong rằng mình có thể cứu chữa thêm cho nhiều người bệnh”.
Hiện tại, ngoài công tác thăm khám, điều trị bệnh nhân, bác sĩ Thắng vẫn tiếp tục nghiên cứu thêm những đề tài mới, hướng dẫn các lớp chuyên khoa đào tạo về kĩ thuật nội soi, kĩ thuật nội soi can thiệp về chuyên ngành đường tiêu hóa cho các học viên của các bệnh viện bên ngoài đến học. Trong kíp trực, anh còn hướng dẫn cho sinh viên tham gia cấp cứu cùng…
Anh Thắng tâm sự: “Nghề y mang lại cho tôi niềm đam mê, nhưng không ít những trăn trở, nhọc nhằn. Có những ngày thức thâu đêm trực cấp cứu, sáng mai lại làm việc bình thường nhưng cứu sống được nhiều bệnh nhân là động lực để tôi tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Còn trẻ là còn phải cống hiến và phấn đấu, góp sức nhỏ để chăm sóc sức khỏe bảo vệ nhân dân”.
Với những thành tích, cố gắng nỗ lực vượt bậc, Thượng úy - bác sĩ đa khoa Lê Xuân Thắng đã vinh dự là một trong 10 thầy thuốc trẻ nhận Giải thưởng “Đặng Thùy Trâm” năm 2016.
Thầy thuốc ưu tú say mê nghiên cứu khoa học
Gần 30 năm công tác, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Chính Chuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã mang lại sức khỏe và tiếng cười cho hàng nghìn bệnh nhân. Không ngừng nỗ lực, bác sĩ Lê Chính Chuyên còn nghiên cứu, có nhiều sáng kiến, đề tài áp dụng hiệu quả trong khám, điều trị cho người bệnh.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, anh luôn là người tiên phong trong phát triển chuyên môn kỹ thuật. Cuối năm 2007, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình triển khai phẫu thuật sọ não cho bệnh nhân. Nhận thấy, gây mê cho phẫu thuật sọ não đã khó nhưng hồi sức cho bệnh nhân sau mổ còn khó hơn nhiều lần vì nhiều bệnh nhân phải thở máy dài ngày nên vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc, theo dõi rất phức tạp. Bác sỹ Chuyên đã lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong việc gây mê hồi sức trong và sau phẫu thuật sọ não. Nhờ đó, bác sỹ Chuyên và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thành công các ca phẫu thuật lấy máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng và lấy máu tụ trong não. Phẫu thuật sọ não thành công không chỉ giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương mà còn giúp bệnh nhân được phẫu thuật sớm, tránh các tai biến, giảm chi phí cho gia đình bệnh nhân. Đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phẫu thuật sọ não cho từ 80 đến 115 ca/năm.
Ngoài kỹ thuật gây mê hồi sức chấn thương sọ não, bác sỹ Chuyên cùng với y bác sỹ khoa Gây mê hồi sức còn triển khai nhiều kỹ thuật mới khác như gây mê hồi sức cho bệnh nhân đa chấn thương, triển khai đơn vị giảm đau sau mổ,... Năm 2010 số ca phẫu thuật thành công tại khoa gây mê hồi sức từ 2.752 ca đến nay đã tăng lên gần 6.000 ca, góp phần quan trọng trong việc giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến Trung ương.
Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sỹ Chuyên còn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến, đề tài áp dụng hiệu quả trong khám, điều trị cho người bệnh. Năm 2011, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân, bác sỹ Chuyên nhận thấy tăng huyết áp là bệnh phổ biến, rất nhiều bệnh nhân vào viện cấp cứu vì biến chứng của tăng huyết áp do không được phát hiện bệnh hoặc không được theo dõi điều trị. Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch quốc gia năm 2008, cứ 4 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp. Bệnh có tỷ lệ gây tử vong và tàn phế cao. Xuất phát từ thực tiễn đó, bác sỹ Chuyên đã triển khai mô hình quản lý điều trị bệnh nhân tăng huyết áp giúp người bệnh theo dõi được tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp tránh gây biến chứng nguy hiểm. Sau 3 năm triển khai mô hình đã có hơn 1.000 bệnh nhân trong tỉnh Ninh Bình đã kiểm soát được huyết áp làm giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra. Mô hình này có thể áp dụng rộng rãi tại các tuyến cơ sở.
Từ năm 2001 đến nay, bác sĩ Chuyên đã tham gia 11 đề tài nghiên cứu. Nổi bật có sáng kiến: “Gây tê tủy sống liều thấp trong phẫu thuật nội soi u xơ tiền liệt tuyến ở người cao tuổi” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Đề tài này được coi là đã đặt nền móng cho việc triển khai gây mê cho phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đó cũng là kết quả của quá trình miệt mài, say mê nghiên cứu khoa học của bác sỹ Chuyên. Ngoài ra, đề tài "Quản lý điều trị bệnh nhân tăng huyết áp tại khoa khám bệnh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình"của bác sỹ Chuyên.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, bác sĩ Lê Chính Chuyên được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh. Năm 2012, bác sỹ Chuyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2015, bác sỹ Chuyên vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và là một trong những đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc./.
"Y tế Việt Nam - đổi mới phục vụ hội nhập và phát triển"  (28/02/2016)
Ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động  (28/02/2016)
Sôi nổi các hoạt động vì cộng đồng trong Tháng Thanh niên 2016  (28/02/2016)
Bộ Y tế khẳng định chưa phát hiện virus Zika tại Việt Nam  (27/02/2016)
Hoàn thiện chính sách phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (27/02/2016)
Các Ngoại trưởng ASEAN quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông  (27/02/2016)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay