TCCSĐT - Từ ngày 22 đến ngày 24-02-2016, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao về quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị là sáng kiến của Chính phủ Hà Lan nhằm hỗ trợ Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Catharina Nienke Trooster đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có khoảng 60 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia cao cấp của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; các chuyên gia Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan; lãnh đạo cấp tỉnh và cấp sở của 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, nhấn mạnh: Là vùng trọng điểm sản xuất và xuất khẩu gạo của quốc gia, cung cấp gạo cho hàng triệu người ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới nhưng đồng bằng sông Cửu Long đang là nơi chịu tác động kép của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng do các hoạt động xây đập, hồ chứa và khai thác, sử dụng nước không bình thường ở thượng nguồn sông Mê Kông. Nhiều nơi trong vùng đã và đang chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng tới 700.000 ha trong tổng số 1,7 triệu ha đất nông nghiệp toàn vùng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp thì đến cuối thế kỷ 21 sẽ có khoảng 40% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị ngập và ảnh hưởng trực tiếp tới gần 55% dân số trong vùng.

Trong những năm qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được bổ sung, điều chỉnh gắn với các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo định hướng cơ bản của Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng trong khuôn khổ Đối tác chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hà Lan. Hà Lan là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì thế, việc học hỏi kinh nghiệm mang tầm thế giới của Hà Lan về quy hoạch phát triển vùng đồng bằng ven biển dựa trên phương pháp quản lý tổng hợp với sự hợp tác và phối hợp cao giữa các ngành, các lĩnh vực và các địa phương trong vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đề xuất, khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam về việc quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững.

Bà Catharina Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, nhấn mạnh: Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của Việt Nam. Vì thế, việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch trung hạn và dài hạn để vùng châu thổ này ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn được hệ sinh thái vốn có, bảo đảm phát triển sản xuất và điều kiện sinh sống của người dân là một yêu cầu cấp thiết. Điều đó đòi hỏi ngoài nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền và người dân Việt Nam cần phải có sự hợp tác quốc tế để giúp Việt Nam đủ sức ứng phó với những tác động do biến đổi khí hậu khó lường trong tương lai. Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Hà Lan đã có mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Hội nghị này hướng đến mục tiêu chủ yếu là giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện tốt Bản Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (MDP) do Hà Lan và Việt Nam phối hợp xây dựng, giúp đồng bằng sông Cửu Long - mà chủ yếu là người dân - tăng khả năng thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho toàn vùng phát triển bền vững.

Tại hội nghị, các chuyên gia Hà Lan đã giới thiệu về các phương pháp thích ứng dài hạn với biến đổi khí hậu và cách tiếp cận theo chương trình; nghiên cứu, trao đổi về Bản Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long; đưa ra các khuyến nghị tổng thể và khuyến nghị cho từng địa phương trong vùng trên cơ sở kết quả nghiên cứu Bản Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với việc phân tích, đánh giá mọi khía cạnh và điều kiện thực tế của vùng. Hội nghị cũng tập trung nghiên cứu các bài học kinh nghiệm đã đạt được từ các cơ quan nghiên cứu của Hà Lan để đúc kết, thảo luận cách thức áp dụng trong điều kiện cụ thể của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong xây dựng và thực hiện quy hoạch cho đồng bằng sông Cửu Long, khuyến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức đối với các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; các yêu cầu cải cách thể chế để phát huy các nguồn lực và vai trò của người dân, cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước trong các hoạt động phối hợp ứng phó với biến đổi khí hậu,… Trên cơ sở đó, hội nghị đưa ra một báo cáo tổng thể những khuyến nghị về những vấn đề liên quan đến việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển bền vững trình Chính phủ Việt Nam xem xét./.