Triển vọng kinh tế tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2016 khá phức tạp trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chững lại. Nhiều chuyên gia kêu gọi các nước trong khu vực tích cực đa dạng hóa nền kinh tế và tăng giá trị ngành xuất khẩu.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thuộc Liên hợp quốc (ECLAC), sản lượng kinh tế trung bình của khu vực trong năm 2015 đã giảm 0,4% và có thể sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm 2016.

Tổng Thư ký ECLAC Alicia Barcena nói: “Năm 2015 là một năm đầy khó khăn của Mỹ Latinh. Mặc dù năm 2016 được dự đoán là có triển vọng tích cực hơn, song điều đó không đồng nghĩa với một tiến trình phục hồi mạnh mẽ. Tình hình năm 2016 sẽ sáng sủa hơn năm 2015 và tạo tiền đề tốt đẹp cho năm 2017.”

Cũng theo báo cáo của ECLAC, tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới trong năm 2016 được dự đoán sẽ đạt mức trung bình 2,9%. Cụ thể, các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng khoảng 4,3%, trong khi các nước phát triển sẽ tăng trưởng 2,2%.

ECLAC cho rằng tỷ lệ tăng trưởng thấp tại các nước Mỹ Latinh phản ánh dấu chấm hết của “siêu chu kỳ hàng hóa” và giảm sản lượng xuất khẩu.

Trong khi đó, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) dự báo các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe tăng trưởng khá chậm chạp trong năm 2016 sau khi đã giảm trung bình 0,9% trong năm 2015.

Trong báo cáo được công bố hồi đầu tuần này, WB dự báo các nền kinh tế khu vực khó có thể khôi phục tốc độ tăng trưởng cho tới năm 2017 và hầu hết các nền kinh tế Mỹ Latinh có thể tăng trưởng với tốc độ âm trong năm 2016.

Giám đốc Ủy ban Quan hệ Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Chile Andres Rebolledo cho rằng việc Trung Quốc áp dụng cơ chế “bình thường mới” thông qua các biện pháp tái cơ cấu, cùng thực tế đà tăng trưởng chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tác động đáng kể tới các nước Mỹ Latinh.

Ngoài ra, Mỹ Latinh cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) hồi tháng 12/2015. Nhiều người dự đoán, FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2016. Quyết định của FED sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ các nước trên thế giới bởi nó đòi hỏi các chính phủ phải có biện pháp thúc đẩy dòng tiền tệ và củng cố nền kinh tế nội địa.

Các ngân hàng trung ương tại Mexico và Chile đều đã tăng lãi suất ngay sau quyết định của FED. Giới chuyên gia dự đoán một số nước khác cũng làm như vậy, hoặc đối mặt với nguy cơ thoái vốn.

Trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay và trong tương lai, các chính phủ có thể phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát chi tiêu công, điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy nền kinh tế và kiềm chế lạm phát./.