Năm 2016 hứa hẹn là một năm không mấy thú vị đối với các nhà đầu tư khi các thị trường vẫn còn nhiều biến động, trong khi những biện pháp của ngân hàng trung ương các nước có thể tiếp tục gây ra nhiều mối quan ngại.
Nhận định này được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trong bối cảnh xuất hiện tình trạng căng thẳng trên các thị trường tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa thế giới chỉ trong tuần đầu tiên của Năm mới 2016.

Sự mất giá bất ngờ của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hoặc sự thất vọng về gói biện pháp được Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra hồi tháng 12 có thể gây ra những phản ứng rất dữ dội ở các thị trường.

Lạm phát sẽ ở mức độ vừa phải, giúp các ngân hàng trung ương duy trì hỗ trợ cho thị trường thế giới.

Tuy nhiên, năm 2016 sẽ là lần đầu tiên có sự chia rẽ giữa chính sách của các khối kinh tế lớn với việc bình thường hóa chính sách tiền tệ tại Mỹ và Anh, trong khi các quốc gia phát triển sẽ tiếp tục làm đầy thị trường thanh khoản.

Trong bối cảnh này, tăng trưởng toàn cầu sẽ vào khoảng 3%, có sự suy giảm nhẹ so với năm 2015.

Theo các nhà chiến lược, trong những tháng tới, đồng USD có thể sánh ngang với đồng euro, nhưng tình trạng này không được duy trì dài hạn. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu vẫn là sự lựa chọn mặc định.

Theo chuyên gia Guy Wagner thuộc Ngân hàng Luxembourg, nên ưu tiên cho cổ phiếu của các công ty chất lượng với bảng cân đối mạnh và lợi thế cạnh tranh cho phép biên độ lợi nhuận cao.

Một số nhà chiến lược cho rằng nếu trái phiếu chính phủ của các quốc gia phát triển có nguy cơ không phải là hạng mục đầu tư tập trung trong những tháng tới, thì cơ hội chỉ là đầu tư vào nợ chính phủ.

Cuối cùng, dầu lửa vẫn có thể duy trì mức giá khoảng từ 40-60 USD trong 2 hoặc 3 năm tới, trừ khi nếu các quốc gia sản xuất quyết định thắt chặt van, hoặc khi có một sự kiện địa chính trị gây căng thẳng.

Theo ông Philippe Gijsels thuộc ngân hàng BNP Paribas Fortis, ở mức dưới 40 USD/thùng dầu, một số nhà sản xuất vẫn có thể duy trì sản xuất.

Và trên mức 60 USD, ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ sẽ tiếp tục sản xuất đầy đủ. Tình trạng này sẽ mất 2 năm để đảo ngược.

Trong khi đó, phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Sri Lanka ngày 7-1, tỷ phú tài chính Mỹ George Soros cảnh báo giới đầu tư nên thận trọng do các thị trường trên thế giới có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới.

Ông Soros cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới và sự mất giá của đồng nhân dân tệ sẽ gây tác động tới hàng loạt quốc gia trên thế giới, trong đó tất cả các nước đang phát triển nhiều khả năng phải đối diện với sự trở lại của lãi suất dương.

Mối lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc cũng ngày càng tăng khi đồng nhân dân tệ suy yếu và thị trường chứng khoán của nước này ngừng giao dịch, do các chỉ số đồng loạt “lao dốc”.

Dựa trên việc phân tích tình hình tài chính, tỷ phú Soros nhấn mạnh “những vấn đề nghiêm trọng” trong tình hình hiện nay gợi cho ông nhớ tới cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, đồng thời cho rằng những vấn đề này là “một phần của cuộc khủng hoảng”./.