Khẳng định ngành Giao thông Vận tải đã nỗ lực đạt được nhiều thành tích trong năm 2015, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, ngành vẫn cố gắng rất lớn để khắc phục những tồn tại, thiếu sót và vẫn đang quyết liệt thực hiện những lời đã hứa trước cử tri cả nước.

Nhân dịp bước sang năm 2016, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trao đổi với báo chí về nhiệm kỳ 5 năm của mình trên cương vị người đứng đầu ngành giao thông.

Khuyến khích ý tưởng dám làm, dám chịu

- Khi được giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông đã phát biểu: "Là tư lệnh, phải cho tôi toàn quyền quyết định. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi". Đến nay, Bộ trưởng đánh giá về nhiệm kỳ 5 năm của mình như thế nào?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cho đến hết năm 2015, tức là sau 5 năm, ngành Giao thông Vận tải đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hơn 300 công trình giao thông có quy mô lớn, hiện đại, đáng kể nhất là khoảng 4.400 km đường bộ, nhiều công trình hoàn thành sớm hơn so với thời gian đề ra như nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 18 tháng; hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 12 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Lúc khởi công các công trình trên, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến điều đó. Làm được như vậy, ngoài nỗ lực chung của toàn ngành, còn nhờ ở sự hậu thuẫn mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các địa phương.

Đối với hệ thống đường sắt, Bộ Giao thông đã triển khai xây dựng mới một số nhà ga, đồng thời nâng cấp, đầu tư kết nối một số tuyến đường sắt... qua đó nâng cao an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu trên các tuyến, nhất là trục Bắc-Nam…

Về hệ thống đường sắt đô thị, Bộ Giao thông đã chủ động phối hợp với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai 6 dự án đường sắt đô thị quy mô lớn, trong đó tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ đưa vào khai thác trong năm 2016. Dự kiến đến năm 2018, sẽ có 2 tuyến metro được đưa vào vận hành, chắc chắn sẽ góp phần cải thiện đáng kể năng lực giao thông đô thị tại 2 thành phố đông dân nhất cả nước.

Lĩnh vực hàng không hoàn thành đầu tư và đưa khai thác các cảng, sân bay, nhà ga… đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ mức 42 triệu hành khách năm 2010, lên mức khoảng 70 triệu hành khách trong năm 2015. Đối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo khẩn trương lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án theo đúng chủ trương đã được Quốc hội thông qua.

Về hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ Giao thông đã triển khai đầu tư hiện đại các cảng cửa ngõ quốc tế, đầu tư các dự án nâng cấp các tuyến đường thủy chính đồng thời đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong những năm tới.

Trong 5 năm qua, ngành đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436 km đường giao thông nông thôn; mở mới 61.400 km đường thôn xóm…

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, Bộ Giao thông đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng rất mạnh mẽ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2011-2015, số vốn ngoài ngân sách kêu gọi cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ lên tới mức kỷ lục 186.660 tỷ đồng (chiếm 92,15% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay); lĩnh vực hàng hải thu hút 121.453 tỷ đồng (bằng 77% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay). Bên cạnh đó, Bộ đã rà soát 68 dự án và tiết giảm được một lượng lớn vốn đầu tư lên đến 57.242 tỷ đồng so với tổng mức vốn đầu tư dự kiến ban đầu.

- Bộ trưởng có thể chia sẻ việc kêu gọi, huy động nguồn vốn của ngành giao thông vận tải để thực hiện các dự án này trong điều kiện vốn ngân sách còn gặp nhiều khó khăn?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn là vấn đề khó khăn. Rất nhiều công trình chậm triển khai, triển khai rồi phải bỏ dở, tiến độ ì ạch... là do thiếu tiền. Phải nói thẳng ra rằng, chưa khi nào ngân sách cho đầu tư cho giao thông lại không gặp khó khăn. Chính phủ thường xuyên cố gắng ở mức cao nhất nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Vì thế, tình trạng thiếu vốn cho đầu tư giao thông, lĩnh vực luôn hút những nguồn lực rất khổng lồ, năm nào cũng xảy ra. Đó là một thực tế khắc nghiệt phải đối mặt.

Chúng ta đã tiến một bước rất xa về mặt cơ chế, để từ chỗ một công trình giao thông nào đó chỉ trông chờ vào một nguồn cung là ngân sách, đến chỗ có thể huy động nhiều nguồn lực khác, chủ yếu là vốn tư nhân từ các doanh nghiệp, các cá nhân và sắp tới là các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên nguyên tắc lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế, vấn đề là làm thế nào để huy động được các nguồn lực ấy vẫn rất nan giải. Có khá nhiều rào cản, cả tâm lý lẫn sự lạc hậu của một số chính sách khiến nhiều nhà đầu tư ngại bỏ tiền ra đầu tư vào giao thông. Trong khi đó, các yếu tố hỗ trợ như môi trường đầu tư chung, thủ tục cấp phép, thủ tục thẩm định năng lực, tốc độ tăng trưởng của vận tải... chưa thật tối ưu, đều ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn. Nhà đầu tư nào thì cũng phải cân nhắc tất cả những điều đó trước khi quyết định bỏ tiền ra.

Xác định rõ bản chất của vấn đề như vậy, Bộ Giao thông tìm cách tiến hành tháo gỡ từng khâu. Khâu nào trong thẩm quyền thì chủ động làm, khuyến khích các bộ phận đưa ra giải pháp tốt nhất. Khâu nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội thì Bộ nhanh chóng tham mưu, trình đề xuất các ý kiến bằng nhiều cách để xin quyết định hoặc chủ trương.

Điều cần thiết nhất là sự minh bạch, chân thành, thẳng thắn trong đối thoại, đề cao các nguyên tắc pháp luật. Để tháo gỡ về cơ chế thì cần một tư duy đột phá, phân cấp trách nhiệm, khuyến khích những ý tưởng táo bạo, dám làm, dám chịu. Những thủ tục phiền hà, thì dù lớn hay nhỏ, đều phải bị xóa bỏ.

Nếu áp lực để tôi cố gắng thì đó là… may mắn!

- Nhiều người cho rằng, Bộ trưởng là một người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong một thế hệ Bộ trưởng mới. Bộ trưởng có nhận thấy mình xứng đáng với những lời khen tặng đó không?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bạn thử tìm xem có vị Bộ trưởng, người phụ trách ngành nào lại không nỗ lực hết mình, không dấn thân hết mình trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Đơn giản vì đó là đòi hỏi hàng ngày của công việc.

Những gì bạn (và có thể cả một bộ phận dư luận) phong cho tôi, coi như một phẩm chất, năng lực lãnh đạo, một thứ danh hiệu, thực ra là những yêu cầu mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với mỗi thành viên. Chúng tôi đều phải thể hiện, ở những mức độ và hình thức khác nhau, khi thi hành nhiệm vụ.

Dù sao tôi cũng cảm ơn bạn và những ai nghĩ tốt về tôi. Điều đó khiến tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều để không phụ lòng tin yêu của mọi người.

- Vậy còn điều gì mà Bộ trưởng chưa thực hiện được lời hứa nào với nhân dân?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang phải nỗ lực rất lớn, tiến độ các công trình hầu hết đạt và vượt nhưng chất lượng thì chưa thật đồng đều, biểu hiện như sự xuống cấp tại một số điểm của một số công trình đường bộ mới hoàn thành, đường bị hằn lún, bong tróc nhưng chưa thực sự tìm ra giải pháp tốt nhất, gây hoang mang và hiểu lầm trong dư luận.

Ngoài ra, vấn đề ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn, trên những Quốc lộ vẫn rất phức tạp, thậm chí đã xảy ra cả ùn ứ trên đường cao tốc. Mặc dù, chúng tôi đang đưa ra những giải pháp mạnh mẽ cùng với toàn xã hội chung tay giải quyết vấn đề hóc búa này nhưng khả năng thành công hoàn toàn trong ngắn hạn là rất khó.

Bên cạnh đó, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông còn ở mức cao cũng phải được xem là một điều đáng tiếc. Giảm 3.000 người chết mỗi năm so với năm cao nhất, nhưng vẫn còn tới 9.000 người thiệt mạng trong thời bình khi ra đường. Đó đương nhiên là nhiệm vụ chưa thể nói là thành công.

Việc kiểm soát tải trọng cũng chưa được thực hiện đồng bộ, triệt để, vẫn còn xe quá tải, quá khổ tàn phá mặt đường và góp phần gia tăng tai nạn giao thông. Ngay cả thứ hạng về năng lực hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam mới chỉ ở vị trí 67 thế giới, nói thật, cũng chưa phải là thứ hạng mà chúng tôi mong muốn.

Tôi vẫn đang quyết liệt thực hiện những lời đã hứa trước cử tri cả nước. Bạn có thể tin vào điều đó.

- Giả sử trong trường hợp Bộ trưởng không làm tiếp nhiệm kỳ tới ở ngành giao thông, nhiều người cũng cho rằng, vị Bộ trưởng kế nhiệm sẽ phải chịu “cái bóng” hiện hữu quá lớn về guồng quay công việc với những gì ông đã làm được cho ngành giao thông. Bộ trưởng chia sẻ như thế nào về quan điểm này?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi rất tự hào được phục vụ trong ngành Giao thông Vận tải vào thời kỳ đất nước đang tràn đầy cảm hứng thay đổi để phát triển. Tôi tự hào còn vì phía sau tôi là 70 năm truyền thống vẻ vang của ngành, trong đó có biết bao kinh nghiệm quý báu của những người đi trước.

Sự nghiệp Giao thông Vận tải là của toàn Đảng, toàn dân, chứ không của bất cứ cá nhân nào. Suốt chặng đường 70 năm ra đời và trưởng thành, Giao thông Vận tải là ngành có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong từng thời kỳ, với những yêu cầu khác nhau của nhiệm vụ cách mạng, ngành luôn có những con người biết dấn thân cho sự nghiệp, để lại dấu ấn riêng với lịch sử của ngành.

Tôi luôn biết ơn họ đã nhận phần khó khăn nhất trong việc tạo ra con đường mà chúng tôi đang đi tiếp. Nếu đó là áp lực để tôi phải cố gắng thì là may mắn lớn cho tôi.

Tôi tin rằng, mỗi thế hệ kế cận sau này cũng đều có thể thừa kế kho kinh nghiệm đó, biết cách tận dụng những thuận lợi, khắc phục khó khăn để hoàn thành và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện./.