Tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực cho đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Bên cạnh những hạn chế, yếu kém kéo dài trong liên kết vùng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài thì một trong những yếu kém được xem như “điểm nghẽn” lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua chính là chất lượng nguồn nhân lực. “Điểm nghẽn” này đang cần được sớm tháo gỡ để vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Từng bước phát triển nguồn nhân lực
Xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đến cuối năm 2015, các tỉnh, thành trong vùng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu theo Quyết định số 1033/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015”.
Cụ thể: Tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi tăng dần qua các năm, đến năm học 2015 - 2016 đạt 99%; tỷ lệ học sinh dân tộc nội trú chiếm khoảng 10,5% số học sinh dân tộc thiểu số ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; số sinh viên đạt tỷ lệ 190 sinh viên/1 vạn dân; toàn vùng có 73 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, tăng 11 cơ sở so với năm học 2010 - 2011; có 364 cơ sở dạy nghề, riêng cấp huyện có 119 huyện/131 huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn; giai đoạn 2011 - 2015, có gần 1,24 triệu lao động tham gia học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề (trong đó có hơn 64% là lao động nông thôn).
Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, nguồn nhân lực được nhiều địa phương chú trọng, làm cơ sở cho việc thực hiện các kế hoạch giáo dục - đào tạo hằng năm. Tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng đã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng của vùng giai đoạn 2006 - 2020 theo Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg, ngày 26-3-2013, của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, toàn vùng có 13 trường đại học, 26 trường cao đẳng, 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; chất lượng giáo dục được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chất lượng đào tạo một số ngành nghề được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, Trường Đại học Cần Thơ và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp thực hiện Chương trình Mekong 1000 (đào tạo khoảng 1.000 thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng). Đến nay, Chương trình này đã thu hút được 552 ứng viên đào tạo ở nước ngoài, góp phần đáng kể trong việc cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao, giỏi ngoại ngữ cho nhiều địa phương.
Những năm gần đây, kinh tế đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch dần sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhưng tốc độ chuyển dịch chậm hơn so với các vùng khác trong nước. Thực tế cho thấy, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của vùng tuy có giảm trong những năm qua nhưng vẫn còn cao; hiện tại lao động nông nghiệp vẫn còn chiếm khoảng 50%, riêng một số tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, tỷ lệ này lên tới 65% - 70%. Kế hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long, theo Chương trình hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan năm 2013, xác định trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lợi thế so sánh và cạnh tranh của đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều thập kỷ tới là phát triển kinh doanh nông nghiệp để tạo ra những dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đồng bằng sông Cửu Long cần phải sớm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Nổi lên là tình trạng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, nhất là về giao thông; quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng; chất lượng nhiều loại hàng hóa - nhất là nông sản chủ lực, như lúa gạo, thủy sản, trái cây - còn thấp, khả năng cạnh tranh kém. Thêm vào đó, các tác động bất lợi ngày càng rõ nét do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều công trình liên quan đến tài nguyên nước được xây dựng ở các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công khiến cho vùng đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội.
Nhận diện “điểm nghẽn”
Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, một vấn đề bức thiết đã được đặt ra nhiều năm qua là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cả lực lượng lao động phổ thông và lao động trình độ cao) của toàn vùng nhằm tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, đây vẫn đang là một “điểm nghẽn” lớn trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 là 18 triệu người, chiếm gần 20% dân số cả nước. Trong đó, lực lượng lao động chiếm khoảng 10,5 triệu người (58% dân số). Xét về số lượng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng khá dồi dào về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, xét về chất lượng, đây lại là “vùng trũng” của cả nước.
Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ) và Trường Quản lý, Đại học RMIT (Ô-xtrây-li-a) cho thấy, chất lượng lao động ở đồng bằng sông Cửu Long hiện rất thấp so với tất cả các vùng khác trong nước, xét về mặt trình độ học vấn, chuyên môn đào tạo. Toàn vùng hiện có tỷ lệ bình quân 85 sinh viên/1 vạn dân, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo chỉ đạt 10,4%, thấp nhất so với các vùng miền trong nước (mức bình quân chung cả nước là 19,9%); riêng lao động đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng 6%, trong đó số lao động có trình độ cao đẳng chỉ chiếm khoảng 3%. Tiền lương của một lao động ở mức 3,32 triệu đồng/tháng, thấp nhất cả nước (mức bình quân chung cả nước là 4,44 triệu đồng). Nếu xem thu nhập của người lao động là một biểu hiện năng suất lao động thì năng suất lao động của đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức rất thấp so với cả nước. Từ năm 2005 - 2013, số học sinh phổ thông trong toàn vùng giảm trung bình mỗi năm khoảng 1%. Điều này cũng cho thấy, lực lượng lao động trong vùng không chỉ có chất lượng thấp mà đang có dấu hiệu “già” đi, đòi hỏi không chỉ quan tâm đến đào tạo nghề mà còn phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng giáo dục.
Chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất so với mặt bằng chung cả nước (trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực của cả nước đang rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và thế giới). Nguồn nhân lực hiện tại của vùng, nhìn chung, chưa đáp ứng được cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Số lao động chuyên nghiệp chỉ mới đáp ứng cho một số ngành nghề truyền thống, sử dụng công nghệ trung bình; còn lại đa số lao động không đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động trong những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ mới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Song, theo nhận định của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do những hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của vùng kéo dài nhiều năm qua. Cụ thể là:
- Hệ thống các trường dạy nghề còn thiếu, phân bổ chưa hợp lý, cơ sở vật chất nghèo nàn, phương tiện dạy học vừa thiếu, vừa lạc hậu, không đồng bộ. Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp của vùng vừa thiếu tính định hướng, vừa mất cân đối giữa các hệ đào tạo cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật. Từ đó dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, làm cho nguồn nhân lực, đặc biệt là trong ngành công nghiệp, thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là những ngành kỹ thuật sử dụng công nghệ cao.
- Nhiều người chưa quan tâm đến việc học nên chưa quan tâm khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện cho con em học hành. Nhiều người học đại học, cao đẳng, học nghề vẫn còn mang tâm lý trọng bằng cấp, chưa chú trọng học những kỹ năng mềm để tăng cơ hội tìm việc làm. Vì thế, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo dài hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp.
- Do chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trình độ cao, kèm theo đó là hệ thống kết cấu hạ tầng ở nhiều nơi còn yếu kém nên nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp ngại đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại trong vùng. Nhiều năm qua, đồng bằng sông Cửu Long luôn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp so với nhiều vùng, miền trong nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sử dụng lao động đã qua đào tạo không nhiều. Điều đó càng hạn chế khả năng thu hút đầu tư đào tạo nguồn nhân lực của vùng.
- Thu nhập của người dân, nhất là khu vực nông thôn, còn thấp nên nhiều gia đình không đủ khả năng chi trả cho con em đi học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Hệ quả là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lao động chưa qua đào tạo, có trình độ học vấn và chuyên môn thấp, kéo theo năng suất lao động ở khu vực này ngày càng thấp. Đồng bằng sông Cửu Long đang bị kẹt trong cái bẫy lợi thế so sánh.
- Thiếu liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong quy hoạch giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong khi đó, Nhà nước và các thành phần kinh tế chưa đầu tư hiệu quả cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hoặc liên kết với các địa phương phát triển nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long.
- Thiếu những cơ chế, chính sách hợp lý, đủ mạnh để thực hiện tốt việc phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học nghề. Trong khi đó, chất lượng giáo viên, chất lượng chương trình đào tạo còn nhiều yếu kém: nhiều giáo viên còn giảng dạy theo kinh nghiệm, thiếu đầu tư phát triển kỹ năng nghề nghiệp, thiếu nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy; phần lớn các chương trình đào tạo nghề nặng lý thuyết, thiếu tính thực hành; thiếu tính ứng dụng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tạo bước ngoặt mới trong phát triển nguồn nhân lực
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, một trong những yêu cầu bức thiết đang đặt ra trong đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là phải nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, thế mạnh lớn nhất của vùng. Để làm được điều đó, vấn đề hàng đầu là phải chuyển đổi trọng tâm phát triển đào tạo nguồn nhân lực của vùng từ phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng và hiệu quả, đào tạo theo nhu cầu của thị trường và xã hội; từng bước đáp ứng yêu cầu đổi căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới công tác dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, nhằm tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, cần có một sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành Trung ương với cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, các tỉnh, thành trong vùng cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về công tác đào tạo nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; trong đó gắn đào tạo nghề nghiệp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của đào tạo nghề nghiệp đối với vấn đề tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của toàn vùng và cả nước.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách về giáo dục, đào tạo và tăng cường năng lực tổ chức thực hiện chính sách của cơ quan quản lý các cấp. Trong đó, chú trọng cân bằng giữa các hình thức đào tạo chính quy, không chính quy trên cơ sở thành lập cơ quan dự báo, đánh giá về cung - cầu của thị trường lao động; phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng các kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ba là, xây dựng cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của các tỉnh, thành. Xây dựng, tổ chức và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo theo từng năm, từng giai đoạn bảo đảm đúng chất lượng, tiến độ và lộ trình theo kế hoạch; chú trọng việc cung cấp thông tin kịp thời, dễ dàng về đào tạo, nhu cầu tuyển dụng, việc làm; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến việc làm cho sinh viên; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục trình độ cao cho vùng.
Bốn là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trên cơ sở hoạch định các chính sách phát triển nguồn nhân lực này theo hướng liên thông, liên kết vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long trong từng giai đoạn nhất định. Trong quá trình thực thi chính sách phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, cần tránh tư tưởng địa phương, cục bộ từng tỉnh, thành; đồng thời cũng phải chú trọng tính đặc thù của những nhóm đối tượng, vùng, miền; chú trọng dân chủ hóa trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, tránh tình trạng áp đặt, mệnh lệnh, chạy đua theo phong trào, thành tích.
Năm là, tăng cường đầu tư các dự án nâng cấp cơ sở vật chất của Trường Đại học Cần Thơ để trường có điều kiện phát triển ngang tầm với các trường đại học trong khu vực ASEAN và thế giới, lấy Trường đại học Cần Thơ làm hạt nhân gắn kết các viện, trường trong vùng và trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho toàn vùng. Song song đó, tăng cường liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng trong vùng với nhau và giữa các trường đại học, cao đẳng trong vùng với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước để tăng năng lực đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ hội nhập quốc tế.
Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề; khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo ngoài công lập, tham gia đào tạo nghề. Đầu tư cơ sở đào tạo nghề công lập nên theo hướng đầu tư tập trung, chuẩn hóa, hiện đại, tránh dàn đều để có thể nâng cao chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường mở trong xu thế hội nhập. Thường xuyên tiến hành điều tra, cập nhật biến động cung - cầu lao động, thống kê kịp thời nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm hàng năm trên địa bàn các tỉnh/thành phố, huyện/quận, xã/phường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát hợp với nhu cầu người lao động và doanh nghiệp.
Bảy là, các địa phương cần tạo điều kiện gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư trong vùng; chú trọng các hình thức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng phù hợp với từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số./.
Chính thức phát điện Tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Lai Châu  (25/12/2015)
Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc  (25/12/2015)
Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp  (24/12/2015)
Kết nối chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam - Trung Quốc  (24/12/2015)
Công an Việt - Lào phối hợp làm thất bại mọi âm mưu thù địch  (24/12/2015)
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc  (24/12/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam