Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 14 đến ngày 20-12-2015
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử, ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng, 62% thủ tục hải quan thực hiện trực tuyến mức độ cao nhất, Đà Nẵng sử dụng Zalo trong giao tiếp với người dân và doanh nghiệp, Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch thanh tra năm 2016, đối thoại trực tuyến về cải cách hành chính trong bảo hiểm xã hội ở Hải Phòng, là những tin chủ yếu tuần qua.
Thực hiện thanh toán điện tử, GDP quốc gia sẽ tăng ngay 1%
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) với chủ đề “Kết nối và hợp tác” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo điện tử VnExpress tổ chức diễn ra sáng 16-12 tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ Chính phủ, bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế.
Với mục đích thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam, thay thế thanh toán tiền mặt, diễn đàn VEPF 2015 tập trung thảo luận hai nội dung chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công và doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, hiện nay người dân đang có rất nhiều giao dịch, có những giao dịch trực tiếp với Nhà nước, có những giao dịch thông qua những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công như điện, nước, khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm…
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần một quốc gia chuyển thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng lượng thanh toán, không cần làm gì khác, thu nhập bình quân (GDP) đã tăng ngay lên 1%.
Tại Việt Nam, với trên 40 triệu người sử dụng dịch vụ 3G, trong đó phần lớn là những người trẻ tiếp cận rất nhiều ứng dụng. Các giải pháp công nghệ đều có thể đáp ứng yêu cầu của người sử dụng cả về độ thuận tiện cũng như mức độ chi phí. Chính phủ cũng mong muốn và đã xúc tiến thanh toán điện tử bằng hàng loạt các nghị định, quyết định, nghị quyết phê duyệt các đề án về chính phủ điện tử, về dịch vụ công trực tuyến, cải thiện môi trường kinh doanh, chương trình phát triển thương mại điện tử…
Phó Thủ tướng cho rằng, thói quen thanh toán bằng tiền mặt ảnh hướng rất lớn đến quốc tế dân sinh, nếu chúng ta thay đổi thói quen này thì đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, không chỉ về GDP mà còn góp phần làm minh bạch hóa để phòng và chống tham nhũng, lãng phí.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thanh toán điện tử còn là thước đo để nước ngoài nhìn vào Việt Nam là một đất nước thật sự đang đi theo khẩu hiệu, mục đích dân chủ, công bằng và văn minh. “Nếu tất cả các bên cùng chung tay để làm cho thanh toán điện tử trở nên quen thuộc và thuận tiện với mọi người dân thì chắc chắn đất nước sẽ phát triển tốt hơn, văn minh giao dịch của nước ta chắc chắn sẽ được nhìn nhận đúng hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 11-2015
Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 11-2015, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 12 Nghị định của Chính phủ và 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03-11-2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định cụ thể về nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng và chuyển giao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển thị trường; trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; đối tượng và thủ tục xác nhận ưu đãi; chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Ngày 09-11-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nghị định quy định cụ thể về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội...
Ngày 12-11-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Nghị định quy định cụ thể về thực hiện quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát và công bố điều kiện đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; ưu đãi đầu tư; hỗ trợ đầu tư đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; thực hiện hoạt động đầu tư; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư;...
Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13-11-2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định cụ thể về nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; điều kiện triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; số tiền bảo hiểm tối thiểu, nguyên tắc xác định mức phí bảo hiểm; quản lý nhà nước về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14-11-2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Ngày 15-11-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, nhằm triển khai thi hành Luật Hộ tịch; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền đăng ký hộ tịch, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, phù hợp với yêu cầu thực tế.
Ngày 19-11-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của phương pháp đo lường nghèo bằng thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu kinh tế - xã hội thay đổi, đô thị hóa và di cư tăng nhanh hiện nay đang tạo ra một bộ phận lớn người dân thuộc nhóm cận nghèo thu nhập hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịnh vụ xã hội cơ bản, đang đối mặt với nhiều rủi ro khiến họ có thể rơi vào tình trạng nghèo đói.
Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch thanh tra năm 2016
Theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức; bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; quản lý biên chế; cải cách hành chính; cải cách chế độ công vụ, công chức và công tác phòng, chống tham nhũng... tại nhiều bộ, ngành và UBND các tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2016 Bộ Nội vụ sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó, nâng ngạch, tiêu chuẩn ngạch công chức; chế độ tiền lương và quản lý hồ sơ công chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và Đài Truyền hình Việt Nam.
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức, nâng ngạch công chức; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước; bổ nhiệm và quản lý hồ sơ công chức của UBND tỉnh Hà Giang, Bạc Liêu, An Giang, Kon Tum, Bến Tre, Hải Dương, Tây Ninh.
Hoạt động thanh tra lần này, nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật: phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
62% thủ tục hải quan thực hiện trực tuyến mức độ cao nhất
102 trong tổng số 164 thủ tục hành chính của Tổng cục Hải quan đang được thực hiện ở mức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4- mức độ cao nhất hiện nay ở nước ta.
Theo Tổng cục Hải quan, với các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 nên trên, cơ quan Hải quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí; thủ tục với phương tiện vận tải đường biển bằng phương thức điện tử (qua mạng internet).
Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn) đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, ví dụ tra cứu biểu thuế, mã số HS; tư vấn, hỗ trợ chính sách pháp luật Hải quan...
Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử các Cục Hải quan địa phương được kết nối với Cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố góp phần tích cực vào công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn.
Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, với số lượng nêu trên, Tổng cục Hải quan là một trong những bộ, ngành có số lượng thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 nhiều nhất hiện nay.
Đà Nẵng không còn “hành là chính” nhờ ứng dụng Zalo
Zalo đang được Đà Nẵng sử dụng như một kênh thông tin giúp rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền thành phố với người dân và doanh nghiệp. Người dân được cung cấp và hỗ trợ tra cứu thông tin tối đa, giảm nhiều thủ tục phiền phức, tốn thời gian.
Không chỉ dừng lại ở mức đăng tải thông tin lên Internet, Đà Nẵng còn đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với dân. Một trong số đó phải kể đến đề án sử dụng Zalo để hỗ trợ và xây dựng mô hình Chính quyền điện tử.
Tổng đài Zalo đã trở thành kênh thông tin giao dịch, liên lạc giữa chính quyền và người dân, cũng như khối doanh nghiệp. Thay đổi này góp phần cải cách hành chính, nhờ đó tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức cho người dân.
Hiện tại, cổng thông tin mới cho phép tra cứu tình hình xử lý hồ sơ đã nộp tại các cơ quan của Đà Nẵng. Người dân không phải tới tận nơi để hỏi, tốn thời gian đi lại. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chúc còn có thể xem các tuyến xe buýt gần vị trí của mình nhất. Ứng dụng dễ dùng, hệ thống xử lý nhanh để trả về kết quả cho người dùng.
Dự kiến, tổng đài Zalo của thành phố Đà Nẵng sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích khác trong thời gian tới, như tình hình bão lũ, lịch trình tiếp dân hoặc cắt điện nước, chính sách mới của thành phố, điểm thi tốt nghiệp…
Đối thoại trực tuyến về cải cách hành chính trong bảo hiểm xã hội
“Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới bảo hiểm toàn dân” là chủ đề cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng được tổ chức sáng 15-12.
Cuộc đối thoại diễn ra khá sôi động với sự tham dự của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng, Bảo hiểm xã hội các quận, huyện đã trả lời, giải đáp trực tiếp hàng chục câu hỏi, ý kiến vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố Cảng gửi về qua Cổng thông tin điện tử về các vấn đề liên quan đến: lộ trình tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân; thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội... cùng nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình thực hiện các chính sách, quy định về Bảo hiểm xã hội...
Buổi đối thoại cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cơ quan báo chí và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chính sách Bảo hiểm xã hội …
Hiện, TP. Hải Phòng có 6.350 doanh nghiệp, đơn vị, sử dụng hơn 288 nghìn lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế bắt buộc và 1,4 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, chiếm 73,4% dân số toàn thành phố. Công tác thu nộp bảo hiểm năm 2015 đạt xấp xỉ năm nghìn tỷ đồng vượt kế hoạch giao; thực hiện chi trả gần tám nghìn tỷ đồng, trong đó có 147.252 người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng; hơn hai triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền trên một nghìn tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội thực hiện giao dịch điện tử với hơn năm nghìn đơn vị và 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phần mềm giám định Bảo hiểm y tế tập trung, trực tuyến.../.
Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thu hút 150 nhà toán học quốc tế  (20/12/2015)
Ngày làm việc thứ 7 Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng  (20/12/2015)
Thế giới thiệt hại 85 tỷ USD do thiên tai trong năm 2015  (20/12/2015)
TP. Hồ Chí Minh họp mặt tướng lĩnh, cán bộ cao cấp quân đội đã nghỉ hưu  (20/12/2015)
Khai trương Trung tâm Thương mại Hà Nội-Moskva tại Liên bang Nga  (20/12/2015)
Gặp gỡ chào mừng kết nghĩa giữa Đà Nẵng và Toluca của Mexico  (20/12/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm