Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07-12 đến ngày 13-12-2015)
Liên hợp quốc hối thúc Brazil xử lý cuộc khủng hoảng nước sạch sau vụ vỡ đập
Vụ tai nạn vỡ 2 đập chứa chất thải độc hại được xem là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil. Ảnh: uol.com/TTXVN
Trong một thông cáo báo chí ngày 08-12-2015, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc, ông Léo Heller đã hối thúc Chính phủ Brazil khẩn trương xử lý hậu quả vụ tai nạn vỡ đập nước chắn bùn chứa chất thải độc hại tại bang Minas Gerais, miền Đông Nam Brazil ngày 05-11. Ông L. Heller nhấn mạnh Chính phủ Brazil cần hành động ngay và bảo đảm đủ nước sạch và hệ thống vệ sinh thay thế cho người dân khu vực này. Theo ông, việc phân phối nước thiếu sự tổ chức, cũng như không có đủ nước sạch cung cấp đã khiến người dân phải đợi hàng giờ mới nhận được một chút nước sạch, không đủ để dùng. Các nhóm người dễ bị tổn thương cũng không nhận được sự ưu tiên nào. Ông L. Heller cũng yêu cầu Chính phủ Brazil cần tăng cường giám sát cả nguồn nước tự nhiên và nước đã qua xử lý, cải thiện kỹ thuật xử lý nước, công bố thông tin cụ thể tới người dân nhằm bảo vệ quyền được uống nước sạch và tiếp cận hệ thống vệ sinh sạch của người dân.
Vụ tai nạn vỡ 2 đập chứa chất thải độc hại của công ty khoáng sản Samarco khiến 10 người chết và 15 người bị mất tích được cho là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Nam Mỹ này. Các chuyên gia cho rằng chi phí để giải quyết thiệt hại lên tới 1 tỷ USD. Các nhà bảo vệ môi trường nhận định phải mất một thế kỷ mới có thể xử lý xong những tác hại đối với môi trường. Ước tính có 64 triệu m³ bùn đất cùng nước có chứa chất thải độc hại đã tràn ra, gây ô nhiễm 500km sông Rio Doce ở phía Đông Nam Minas Gerais và bang Espirito Santo, làm hư hại rau màu, ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản và giết chết nhiều sinh vật khác.
Kinh tế toàn cầu tăng trưởng vừa phải trong hai năm tới
Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 2,9% trong năm 2016. Ảnh: WB
Ngày 10-12-2015, trong báo cáo với tựa đề Toàn cảnh và tình hình kinh tế thế giới 2016 của Liên hợp quốc, các chuyên gia nhận định bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2015 không mấy khả quan với mức tăng trưởng được dự báo là 2,4%. Con số này dự báo là 2,9% trong năm 2016 và tăng lên thành 3,2% trong năm 2017. Hoạt động đầu tư chững lại và thiếu sự liên kết chặt chẽ trong hoạt động bất động sản và tài chính cũng ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế toàn cầu. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình kinh tế không khởi sắc tại các nước đang phát triển và những nước đang trong thời kỳ chuyển tiếp trong năm 2015. Theo đó, các nước đang phát triển và các nước thuộc Liên Xô trước đây ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá dầu thô thế giới giảm gần 60% kèm theo giá hàng hóa tụt 20% trong 18 tháng qua là một trong những nguyên nhân kìm hãm tốc độ tăng trưởng tại những khu vực này. Tuy nhiên, trong hai năm tới, các chuyên gia dự báo tình hình kinh tế tại những khu vực này sẽ thoát đáy và dần hồi phục. Mức tăng trưởng dự báo của những nước này trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 4,3% và 4,8%.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề về kinh tế và xã hội, Lenni Montiel khuyến nghị chính phủ các nước cần có chính sách đồng đều và mạnh mẽ hơn để bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững, toàn diện và vững chắc. Đây cũng chính là yếu tố quyết định để các nước đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Hội nghị các nghị viện châu Á ra Tuyên bố Phnom Penh
Hội nghị toàn thể lần thứ tám các nghị viện châu Á (APA) đã nhất trí ra Tuyên bố Phnom Penh. Ảnh: VOV
Chiều 11-12-2015, tại Phnom Penh, Hội nghị toàn thể lần thứ tám các nghị viện châu Á (APA) đã nhất trí ra Tuyên bố Phnom Penh. Tuyên bố nêu rõ chủ nghĩa bạo lực cực đoan, có thể biến tướng thành khủng bố, không thể đồng hành với một nền văn hóa, văn minh, tôn giáo hoặc sắc tộc nào, cũng như không thể được dung thứ hay bỏ qua. Tuyên bố Phnom Penh khẳng định cam kết đối với các xã hội dựa trên nguyên tắc luật pháp với việc các nghị viện châu Á không chỉ đại diện cho nhân dân châu Á và giám sát các chính phủ châu Á, mà còn ban hành luật pháp và tăng cường đối thoại, hòa giải và một văn hóa hòa bình. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; sự cần thiết của việc tăng cường hòa bình, hòa giải và đối thoại ở châu Á, gắn liền với việc tăng cường dân chủ, vai trò của luật pháp và vai trò của các nghị viện nhằm xây dựng một nghị định thư có thể sử dụng như một công cụ luật pháp cho việc thực hiện và bảo vệ trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự khủng hoảng nào ở tiểu khu vực, khu vực hoặc quốc tế.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin nhấn mạnh Hội nghị APA lần này là một sự kiện có tính lịch sử tạo ra các cơ hội có giá trị và các ý tưởng cho Campuchia, các thành viên APA cũng như các quan sát viên cùng nhau cụ thể hóa tầm nhìn chung dài hạn đại diện cho một tiếng nói chung đối với tất cả các quốc gia châu Á.
Cuba đạt thỏa thuận nợ với Câu lạc bộ Paris
Cuba đã đạt được thỏa thuận lịch sử với Câu lạc bộ Paris về các khoản nợ nước ngoài trong vòng 25 năm qua. Ảnh: Mirror
Ngày 12-12-2015, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thông báo Cuba đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris, theo đó La Habana sẽ không phải trả phí chậm thanh toán 4 tỷ USD và đảo quốc Caribe này sẽ chỉ phải trả khoản nợ là 2,6 tỷ USD trong vòng 18 năm. Bộ trưởng M. Sapin cho rằng thỏa thuận này mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Cuba và cộng đồng tài chính quốc tế. Theo ông M. Sapin, trong khoản nợ 470 triệu USD mà Cuba nợ Pháp, La Habana sẽ trả cho Paris 240 triệu USD, trong khi phần còn lại sẽ được chuyển đổi thành các dự án phát triển cho Cuba.
Việc đạt được thỏa thuận trên của Cuba với các chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris được xem là một thành công quốc tế mới của La Habana kể từ khi nước này đề ra ưu tiên phục hồi tính khả tín tài chính trên trường quốc tế từ năm 2008 với những bước đi cụ thể như cải thiện cán cân thương mại, dành ngân quỹ kỷ lục để trả nợ và hoàn thành những nghĩa vụ tài chính quốc tế, cắt giảm trợ cấp sản xuất, cố gắng đưa chi tiêu công vào trật tự. Từ đó cho tới này, Cuba cũng đã thành công trong cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ với Mexico (cắt giảm 70%), Nga (cắt giảm 90% hay 27 tỷ USD), Trung Quốc (cắt giảm khoảng 6 tỷ USD theo thống kê không chính thức) và những chủ nợ tư nhân chủ chốt ở Nhật Bản.
Cần hàng chục nghìn tỷ USD để hiện thực hóa Thỏa thuận Paris
Hội nghị COP21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái đất. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 12-12-2015, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã chính thức thông qua thỏa thuận lịch sử - Thỏa thuận Paris - nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái đất. Ngày 13-12-2015, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố nghiên cứu cho rằng thế giới sẽ cần phải chi 16,5 nghìn tỷ USD trong vòng 15 năm tới để thực hiện thành công các mục tiêu khổng lồ của thỏa thuận này. Nghiên cứu của IEA cho thấy phần lớn số tiền trong 16,5 nghìn tỷ này là để thay thế các nhà máy điện sử dụng than đá và khí đốt bằng các nguồn năng lượng không phát thải CO2, như gió, mặt trời và hạt nhân. Một phần chi phí lớn khác để cải thiện hiệu quả năng lượng nhằm giảm tổng lượng điện sử dụng trong các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu.
Bên cạnh cam kết giảm lượng khí thải CO2 từ hơn 175 nước trên thế giới, Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu còn bao gồm các mục tiêu khá khó khăn, là hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2°C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5°C, đồng thời loại trừ khí thải CO2 một cách hiệu quả trong nửa sau của thế kỷ XXI. Các mục tiêu này đòi hỏi bất kỳ lượng khí CO2 nào phát thải ra sẽ phải được thu hồi và tiêu hủy hoặc phải được hấp thụ nhờ một lượng lớn cây xanh trồng mới. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng việc chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu phát thải thấp khí carbon trên quy mô lớn là vô cùng cần thiết để thế giới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu tham vọng đề ra ở COP21./.
Ngành thanh tra đã phát hiện trên 200.000 tỷ đồng vi phạm  (13/12/2015)
Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II  (13/12/2015)
Huy động lòng yêu nước, sáng kiến của mọi người dân Việt Nam  (13/12/2015)
Diễn đàn: “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015”  (13/12/2015)
Việt Nam hoan nghênh việc nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris  (13/12/2015)
Hạ thủy giàn khoan tự nâng lớn nhất từ trước đến nay  (13/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển