Hội nghị G20 đổi màu vì cuộc chiến chống khủng bố
TCCSĐT - Vụ khủng bố kinh hoàng tại Pa-ri tối ngày 13-11-2015 đã chi phối mạnh mẽ chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 10, được khai mạc chỉ hai ngày sau đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho Hội nghị vốn vẫn thiên về nội dung kinh tế này trở thành nơi các lãnh đạo G20 thể hiện quyết tâm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố.
Giảm tông màu kinh tế
Từ trước tới nay, Hội nghị Thượng đỉnh G20, cuộc họp thường niên của lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, vẫn là nơi để các nhà lãnh đạo thảo luận về kinh tế và chính trị, trong đó trọng tâm là kinh tế. Với Hội nghị lần này, cộng đồng quốc tế trông đợi lãnh đạo của các nền kinh tế có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới đạt được những thỏa thuận bền vững nhằm hoàn thành sứ mệnh của G20 trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và mạnh mẽ trên khắp toàn cầu. Tuy nhiên, tính chất nghiêm trọng của các cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp trước khi diễn ra Hội nghị đã khiến những vấn đề liên quan đến chống khủng bố nhanh chóng được đưa vào chương trình nghị sự và trở thành nội dung trọng tâm trong các cuộc thảo luận. Các vấn đề được dự kiến trước đó, như duy trì tăng trưởng kinh tế, chống gian lận trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khủng hoảng tị nạn phần nào được đề cập ít hơn, nhường ưu tiên cho các thảo luận về hợp tác chống khủng bố.
Song, cũng không thể phủ nhận các nội dung quan trọng về kinh tế, tài chính thế giới mà Hội Nghị G20 đã thảo luận và thống nhất, đó là việc cam kết sử dụng mọi công cụ chính sách để thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế còn yếu hơn dự kiến và không đồng đều trên thế giới, cùng với đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém hơn mong đợi, bất chấp triển vọng tích cực tại một số nền kinh tế lớn. Các nguyên nhân khiến cho bức tranh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm được Hội nghị phân tích là do tăng trưởng không đồng đều. Trong khi Mỹ lên kế hoạch tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần một thập niên vào tháng tới thì hầu như các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đều đối mặt với tình trạng sa sút.
G20 nhận định nhu cầu yếu và các vấn đề trong cơ cấu vẫn là những nhân tố gây áp lực lên nhịp độ tăng trưởng hiện nay và tốc độ tăng trưởng tiềm năng, do đó, đề xuất giữ nguyên mục tiêu thúc đẩy GDP toàn nhóm tăng thêm 2% vào năm 2018. G20 cũng nhất trí đưa ra các quy định siết chặt luật thuế quốc tế hiện hành để giải quyết tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia, đồng thời nhấn mạnh, các nước cần chung tay chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra ở châu Âu. Trong dự thảo tuyên bố, các quốc gia G20 kêu gọi Mỹ đẩy mạnh tiến trình thông qua chương trình cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Khẩn cấp chống khủng bố
Diễn ra trong bối cảnh vừa xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại Pa-ri, nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, dựng hàng rào nghiêm ngặt suốt đoạn đường dẫn từ sân bay tới nơi diễn ra Hội nghị. Lực lượng cảnh sát nước này đã tiến hành nhiều cuộc đột kích với sự yểm trợ của máy bay trực thăng nhằm vào các địa điểm của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bắt giữ hàng chục đối tượng tình nghi.
Hội nghị G20 là nơi họp mặt hiếm hoi của hầu hết lãnh đạo các nước có tham gia hoặc can dự vào tình hình Xy-ri - sào huyệt của IS, do vậy, Hội nghị nhanh chóng trở thành cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp về chống chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng đã không dự được nhưng những gì vừa diễn ra ở Pháp lại trở thành tâm điểm quan trọng của Hội nghị.
Tại Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà T. Éc-đô-gan đã đề xuất một “diễn đàn giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu” trong bối cảnh hơn hai triệu người tị nạn Xy-ri vẫn đang có mặt ở khắp các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, ông T. Éc-đô-gan cũng cho rằng, những vấn đề liên quan đến chống khủng bố là nội dung ưu tiên tại hội nghị này. “Chúng ta biết rằng, cần phải có một thỏa thuận mang tầm quốc tế về việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và giờ chúng ta đang đứng lên sau một thất bại”, Tổng thống T. Éc-đô-gan nhấn mạnh.
Hội nghị cũng ra một tuyên bố riêng, kèm với thông cáo kết thúc thượng đỉnh thường niên, trong đó lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 cam kết sẽ chia sẻ các thông tin tình báo, tăng cường an ninh hàng không, kiểm soát biên giới để ngăn chặn sự di chuyển của quân thánh chiến ngoại quốc.
Xích lại trong khủng hoảng
Các nhà lãnh đạo G20 đã cùng thảo luận và đề ra các biện pháp với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các tổ chức hồi giáo cực đoan, cụ thể là IS, tổ chức tự nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công khủng bố tại Pa-ri.
Nga đang được cho là quốc gia có vai trò quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng ở Xy-ri thông qua các chiến dịch quân sự của Nga ở nước này. Đáng chú ý, tuyên bố của Tổng thống Nga V. Pu-tin tại Hội nghị khẳng định sự cần thiết phải liên kết các nước trong liên minh thống nhất chống khủng bố để đấu tranh với IS. Nga kiên quyết yêu cầu rằng, trong liên minh này cần gồm cả lực lượng của chính phủ Ba-sa Át-sát. Tuy nhiên phương Tây cho đến nay vẫn phản đối bất kỳ sự hợp tác nào với nhà lãnh đạo Xy-ri. Tổng thống V. Pu-tin cho biết, theo dữ liệu tình báo của Nga về vấn đề tài chính của IS, có dấu hiệu khẳng định nhóm IS được tài trợ từ 40 quốc gia, bao gồm cả một số nước thành viên G20. Tổng thống V. Pu-tin đang mở ra một cách tiếp cận khác đối với cuộc chiến chống IS mà theo đó, Nga kêu gọi các nước G20 nên thảo luận về sự cần thiết phải thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống tài trợ cho khủng bố.
Trong khi đó, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết khi đối mặt với mối đe dọa khủng bố, không đánh đồng khủng bố và người tị nạn, đồng thời chỉ trích quan điểm muốn áp dụng thanh lọc tôn giáo đối với người tị nạn sau những vụ tấn công gần đây. Ông B. Ô-ba-ma kêu gọi các nước không quay lưng lại với những người đang phải chạy trốn cuộc nội chiến và xung đột. Tuyên bố chung của G20 cũng hối thúc tất cả các quốc gia cùng đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn đang lan rộng khắp thế giới, kêu gọi tất cả các nước cùng đóng góp vào việc đối phó với cuộc khủng hoảng này và chia sẻ những gánh nặng liên quan đến vấn đề người tị nạn.
Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-run cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào để áp đặt một thỏa thuận chính trị ở Xy-ri từ bên ngoài sẽ không hiệu quả, bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng phải được người dân trong nước chấp nhận. Tân Thủ tướng Ca-na-đa, ông G. Tru-dô tuyên bố, nước này kiên quyết với cam kết của mình trong việc thu gọn lại vai trò của Ca-na-đa. Theo đó, phi cơ Ca-na-đa ngừng nhiệm vụ đánh bom, và thay vào đó là một vai trò khác của Ca-na-đa vẫn giữ phần quan trọng, nhưng nghiêng nhiều hơn về phía huấn luyện cho quân đội địa phương để chính họ có thể mang lại cuộc chiến trực tiếp chống IS.
Thủ tướng Ô-xtrây-li-a M. Tuốc-bun tuyên bố, “vụ tấn công tại Pa-ri là một vụ tấn công nhằm vào toàn thể nhân loại. Có thể nói, tất cả chúng ta đều có chung một lý tưởng, một mục tiêu là bảo vệ các giá trị và cuộc sống của mình, cũng như làm thất bại những kẻ khủng bố và những âm mưu tấn công của chúng nhằm vào chúng ta. Kết quả cuối cùng mà chúng tôi muốn là một giải pháp, một sự ổn định cho Xy-ri, một sự chuyển tiếp sang một chính phủ nhận được sự hỗ trợ rộng rãi, và hòa bình được phục hồi để trật tự quay trở lại, và tất nhiên để hàng triệu người tị nạn có thể trở về quê nhà”.
Trong cuộc điện đàm ngay sau khi kết thúc Hội nghị G20 trong ngày 17-11, Tổng thống Nga V. Pu-tin và Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa quân đội và tình báo hai nước nhằm chống lại “các nhóm khủng bố” ở Xy-ri. Tổng thống V. Pu-tin cũng ra lệnh cho tàu tuần tra Nga đang ở Địa Trung Hải phối hợp với nhóm tàu Pháp sắp đến để chống IS. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nga và Pháp đã hợp tác như “những đồng minh” để chống kẻ thù chung IS.
Rõ ràng giờ đây, mặc dù vẫn còn những bất đồng nhưng hơn bao giờ hết các nền kinh tế G20 cần nhanh chóng thiết lập sự hợp tác chặt chẽ để xây dựng một mặt trận chung chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố để nhân loại tránh được những thảm kịch đẫm máu như vừa diễn ra ở Pa-ri./.
Chống “chảy máu chất xám”, chống “lãng phí” nguồn trí tuệ Việt Nam  (03/12/2015)
Chống “chảy máu chất xám”, chống “lãng phí” nguồn trí tuệ Việt Nam  (03/12/2015)
Kỷ niệm 55 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba  (02/12/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và EU  (02/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển