Một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Hòa An
TCCSĐT - Là 1 trong 30 xã được chọn điểm của tỉnh, 1 trong 3 xã được Chủ tịch nước chọn bảo trợ của cả nước trong xây dựng nông thôn mới, xã Hòa An thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có xuất phát điểm thấp chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Sau 3 năm xây dựng, Hòa An đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Chỉ đạo, điều hành sát sao, mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào
Ngay khi được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và Ủy ban Nhân dân xã ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện cho từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia ở giai đoạn 2011 - 2015. Thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban với 19 thành viên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân làm Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban quản lý, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc làm Phó ban phụ trách công tác tuyên truyền vận động, trưởng các ngành đoàn thể xã và bí thư chi bộ của 6 ấp làm thành viên. Ban chỉ đạo đã tham mưu với Đảng ủy phân công Ủy ban Nhân dân xây dựng kế hoạch, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể thực hiện từng tiêu chí; đồng thời phân công từng cấp ủy viên phụ trách từng ấp để giám sát việc thực hiện. Ở ấp, thành lập Ban Phát triển do Trưởng ấp làm Trưởng ban, các thành viên là chi hội trưởng của các tổ chức đoàn thể... Theo định kỳ hằng quý và tháng Ban chỉ đạo đều có họp đánh giá kết quả thực hiện cũng như đề ra chương trình công tác cho thời gian tới.
Xác định công tác triển khai, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tuyên truyền cho dân hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình để chung sức với Đảng, chính quyền xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định đến việc thành công Chương trình, nên ngay sau khi quy hoạch, đề án được phê duyệt Ban chỉ đạo đã tham mưu cho Đảng ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai vận động nhân dân thực hiện từng phần việc trong Bộ tiêu chí. Quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức trên 250 cuộc họp trong dân với nhiều nội dung triển khai Chương trình và hầu hết được đồng tình rất cao, thể hiện bằng những việc làm cụ thể như hiến đất, hoa màu và cây ăn quả, tham gia đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong tuyên truyền, đã vận dụng phương thức “đi từng ngõ, từng nhà”, phát sổ đăng ký “Chung sức xây dựng nông thôn mới” để các hộ tự nguyện đăng ký, kết quả có 98,7% hộ dân đồng tình. Nhờ vậy, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mình để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho bản thân. Thực hiện tuyên truyền trong hệ thống chính trị được lồng ghép vào các cuộc họp với dân, kiểm điểm gia đình văn hóa hằng quý, hằng năm qua 128 buổi sinh hoạt với 3.873 lượt người tham dự. Nhiều điểm trong xã được lắp đặt các panô với nhiều nội dung phong phú về Chương trình.
Từ vận động, tuyên truyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã xây dựng được nhiều phong trào, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch triển khai, vận động lồng ghép thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hóa hằng năm; Hội Nông dân áp dụng các mô hình sản xuất tập trung có ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, liên kết tiêu thụ sản phẩm và nhân rộng mô hình vận động hội viên tham gia tổ góp vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho hội viên góp phần nâng cao tỷ lệ nhà kiên cố của xã; Hội Phụ nữ xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình 5 không 3 sạch(1) và xây nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh theo dự án Choba, nhân rộng mô hình 3 trong 1(2) , vận động đăng ký và đóng phí vệ sinh thu gom rác được hơn 90% hộ dân; Đoàn thanh niên có phong trào “Chung sức bảo vệ môi trường, vận động người dân cải tạo cảnh đường - vườn - nhà”, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên lập thân, lập nghiệp; Hội Cựu chiến binh phối kết hợp với Công an và Quân sự xã xây dựng kế hoạch giữ vững và nâng chất tiêu chí về an ninh trật tự; Công đoàn cơ sở có kế hoạch vận động cán bộ công chức cùng gia đình thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới.
Đầu tư nhanh, vững chắc nên đã về đích sớm
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, Xã đã xây dựng được 8/8 tuyến đường và 8 công trình cầu bê tông, trong đó có 3 tuyến đường thực hiện theo phương thức người dân tự thi công đường bê tông. Vận động nhân dân đóng góp mắc 10 tuyến điện thắp sáng đường nông thôn và nhiều công trình hạ tầng nông nghiệp, nổi bật là người dân đã tham gia đóng góp cùng Nhà nước để có 15,709 tỷ đồng nâng cấp hệ thống đê bao, cống đập bảo đảm ổn định 60% diện tích đất nông nghiệp sản xuất không bị ngập trong mùa nước nổi hằng năm; toàn xã đã có trên 98% hộ sử dụng điện và sử dụng nước sạch; đầu tư xây dựng 3/4 điểm trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành và đưa vào sử dụng khu Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng xã và 4/6 ấp có nhà văn hóa hoạt động thường xuyên.
Từ xác định phải ưu tiên phát triển sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị thì người dân nông thôn mới có thể nâng cao được thu nhập nên xã đã vận động người dân đầu tư xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả cao như: mô hình trồng lúa giống OM4218 đã mang lại lợi nhuận hơn lúa IR504; mô hình trồng hoa cảnh có sản phẩm dự thi đạt giải tại các hội chợ nông nghiệp; mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu hơn 200 ha, trong đó cây ớt chiếm diện tích lớn nhất với lợi nhuận trên 700 triệu đồng/ha lúc trúng mùa. Trong chăn nuôi, triển khai các mô hình: nuôi bồ câu thịt, gà ác lấy trứng, cá sấu lấy da, nuôi lợn trên đệm lót sinh học… Ngoài ra, còn phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ như may gia công, gia công đồ gỗ, đan lục bình… Thành công lớn của Hòa An trong thời gian qua là vận động nông dân chuyển đổi 185 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên trồng xoài, qua đó đã thành lập được 8 tổ hợp tác, có 4 tổ ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại lợi nhuận cao gấp hơn 7 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác.
Trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xã đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức được 26 buổi tư vấn việc làm để giới thiệu cho 3.120 lao động, chủ yếu là thành viên của hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh đứng chân trên địa bàn xã phát triển như Công ty may Nguyên Phụng Tình đã đón nhận hàng trăm lao động của xã vào làm việc. Đồng thời, xã đã đưa được 8 lao động đi hợp tác ở nước ngoài có chuyên môn theo chủ trương của tỉnh.
Với quyết tâm không để hộ nghèo, cận nghèo và hộ chính sách khó khăn về nhà ở, từ năm 2011 đến nay đã xây dựng được 23 căn nhà tình nghĩa trị giá 1,6 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của người dân chiếm khoảng 0,85 tỷ đồng; xây mới 37 căn nhà tình thương trị giá 1,8 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của người dân có 0,7 tỷ đồng. Riêng trong năm 2013, Hội Nông dân phát động phong trào góp vốn xoay vòng giúp xây nhà cho hội viên, đến nay đã xây được 22 căn nhà với kinh phí 0,96 tỷ đồng; tiếp nhận nguồn vốn 2,5 tỷ đồng của Chủ tịch nước bảo trợ, hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo mượn vốn nuôi bò, đã tổ chức cấp cho 72 hộ với 143 con.
Từ chỗ thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 11,7 triệu đồng/người/năm; có 371 hộ nghèo và 207 hộ cận nghèo, đến cuối năm 2014 trở thành xã nông thôn mới thì thu nhập bình quân đầu người của người dân An Hòa đã nâng lên đạt tới 29,731 triệu đồng/người/năm, còn 90 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,48% và 119 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,2%; Tỷ lệ hộ dân mua bảo hiểm y tế đạt 72,16%, thành viên hộ cận nghèo đã mua bảo hiểm đạt 100%.
Hòa An đã đầu tư 137,341 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn của Trung ương là 4,290 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 36,372 tỷ đồng, vốn của thành phố Cao Lãnh là 27,995 tỷ đồng, vốn từ ngân sách xã là 0,246 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ 11,538 tỷ đồng và đặc biệt cộng đồng dân cư đã đóng góp được 54,796 tỷ đồng.
Dưới sự bảo trợ của Chủ tịch nước, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt nhận được sự ủng hộ, đóng góp tự nguyện của người dân nên diện mạo nông thôn ngày nay đã thay da đổi thịt, đời sống của người dân được nâng lên. Cuối năm 2014, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch thời gian trước 1 năm, được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Bài học kinh nghiệm
Trước hết, cấp ủy và chính quyền địa phương phải nghiên cứu nắm vững mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng kế hoạch thực hiện tuyên truyền, tổ chức triển khai có hiệu quả. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đó cũng là thời cơ thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thứ hai, tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành; nêu cao vai trò của các chi bộ, tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, các tổ chức xã hội làm đơn vị hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới. Cùng với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động tối đa sự tham gia đóng góp của cộng đồng cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực.
Thứ ba, phải biết triển khai lồng ghép các phong trào ở địa phương, hình thành những mô hình phát triển kinh tế - xã hội điển hình để phát huy được các nguồn lực và sự đồng thuận của nhân dân. Điều đó đem lại hiệu quả cao trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, lãnh đạo Đảng và chính quyền phải gắn bó, sâu sát với dân nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ. Từ đó tạo được cảm xúc, khích lệ họ tự giác chung sức cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới nói chung, phấn đấu lao động sản xuất giỏi để nâng cao thu nhập cho bản thân nói riêng.
Thứ năm, trong thực hiện Chương trình cần chi tiết công tác xây dựng kế hoạch, có lộ trình thích hợp và sắp xếp việc nào làm trước việc nào làm sau đối với từng tiêu chí, có phân công trách nhiệm rõ ràng sẽ thực hiện các tiêu chí đạt vững chắc. Công tác tham mưu, thông tin báo cáo và tổng hợp cần thực hiện đúng quy định để Ban chỉ đạo, Ban quản lý nắm rõ diễn biến, kết quả thực hiện của các bộ phận chuyên môn mà đề ra những giải pháp cụ thể, sát hợp cho từng lĩnh vực. Công tác tổ chức sơ, tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện kịp thời để rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, khắc phục thiếu sót, chấn chỉnh yếu kém.
Thứ sáu, làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Đặc biệt là thi đua trong cộng đồng dân cư, khen thưởng cá nhân tiêu biểu sẽ tạo được sự khích lệ kịp thời, người dân sẽ phấn khởi nâng cao tính tự giác tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Làm thế nào để duy trì danh hiệu trong thời gian tới?
Phát huy tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị, tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai vận động nhân dân tham gia giữ vững các tiêu chí nông thôn mới trong thời gian tới, Hòa An sẽ duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới bằng những chương trình hành động thiết thực, chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức trong dân để họ cùng chung sức tham gia giữ vững, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới. Trước hết, nội bộ hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ với phương châm: “Dân là chủ thể và dựa vào dân để phát huy vai trò chủ thể của dân trong việc giữ vững 19 tiêu chí nông thôn mới”.
Hai là, đối với các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới mà xã đã đạt hoàn chỉnh cần có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để giữ vững trước mắt và lâu dài, song cần chú trọng đến việc triển khai có hiệu quả để từng bước nâng cao chất lượng đối với các tiêu chí này. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới sẽ phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện.
Ba là, đối với các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tuy đã đạt nhưng chưa hoàn chỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới sẽ phân công cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị xây dựng kế hoạch thực hiện hoàn chỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong ngắn và dài hạn. Định kỳ 6 tháng và 1 năm các tổ chức, cá nhân trên lập báo cáo gửi về Ban chỉ đạo nông thôn mới của xã để kịp thời xử lý./.
--------------------------------------------
(1) 5 không: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thừ ba trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học. 3 sạch: sạch ngõ, sạch nhà, sạch bếp.
(2) 3 trong 1: 3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo để xóa đói giảm nghèo bền vững.
Nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,5% trong năm nay  (27/11/2015)
Phương pháp tiếp cận và lý luận nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa  (27/11/2015)
Quan hệ Việt Nam - Bulgaria sẽ đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực  (27/11/2015)
Chủ tịch nước: Cần lên án hành động gia tăng căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương  (26/11/2015)
Tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp lại hệ thống báo chí  (26/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển