Mô hình kết hợp quân dân y trong bảo đảm y tế vùng biển đảo
Bảo đảm y tế cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo là nhiệm vụ quan trọng thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho bảo đảm y tế vùng biển đảo còn hạn hẹp thì mô hình y tế quân dân y kết hợp là giải pháp hiệu quả trong việc phối hợp nguồn lực để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo.
Nhằm phát huy các tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09-02-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó về khía cạnh xã hội, Nghị quyết xác định nhiệm vụ giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và các chế độ ưu đãi, trong đó phải kể đến các chính sách về y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe người dân; tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng mô hình quân dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biển đảo; bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc tại vùng biển, đảo có các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
Ngày 29-6-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/2004/CT-TTg về tăng cường công tác kết hợp quân dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới. Ngày 30-5-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317) với mục tiêu: “Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Các văn bản nêu trên đều xác nhận tầm quan trọng của công tác kết hợp quân dân y nói chung và trên vùng biển đảo nói riêng.
Mô hình y tế quân dân y kết hợp tại các vùng biển đảo vừa phát huy được tay nghề của đội ngũ các y bác sĩ quân đội, vừa tạo điều kiện về cơ sở vật chất để đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế tại chỗ và tận dụng tối đa nguồn vật tư y tế của cả quân đội và nhân dân, phù hợp với điều kiện thiếu thốn, xa đất liền của các đảo. Hoạt động có hiệu quả của các trung tâm quân dân y còn góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, tạo niềm tin vào sự ưu việt của chế độ cho người dân trên các đảo. Qua kiểm nghiệm thực tiễn, mô hình y tế quân dân y kết hợp là hướng đi phù hợp trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biển đảo khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho y tế vùng biển đảo còn hạn hẹp. Mô hình này thể hiện sự lồng ghép nhuần nhuyễn giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc.
Bệnh viện quân dân y kết hợp huyện đảo Lý Sơn.
Do đặc thù nghề nghiệp, phong tục tập quán, thói quen cùng với mức sống chưa cao nên công tác chăm sóc sức khỏe cho đa phần người dân ở các vùng biển đảo còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nguồn lực có hạn song trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới y tế ở các đảo lớn như Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, trang thiết bị tại các cơ sở y tế chưa đồng bộ, cán bộ chuyên môn còn thiếu, điều kiện đi lại khó khăn, hơn nữa, điều kiện khí hậu biển làm cho kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế nhanh xuống cấp,... Suất đầu tư hạ tầng, trang thiết bị và cán bộ y tế cho một đơn vị dân số cao hơn nhiều lần so với trong đất liền. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân chủ yếu vẫn phải dựa vào lực lượng quân y. Việc xây dựng và nâng cấp các trạm quân y và các trung tâm y tế quân dân y kết hợp góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên các đảo và vùng biển phụ cận... Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các lực lượng quân đội, mô hình lồng ghép trạm xá quân y và dân y thành trung tâm y tế quân dân y đã đi vào nề nếp và phát huy được nội lực của y tế quân dân y, tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về nhân lực y tế lẫn vật tư y tế. Nhân lực y tế và vật tư y tế của quân đội và của các địa phương vùng biển đảo được sử dụng một cách hiệu quả, kịp thời thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giải quyết tốt các nhiệm vụ y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh. Tại huyện đảo Vân Đồn, bệnh viện đa khoa Vân Đồn đã được đầu tư tăng cường cơ sở vật chất hiện đại với 100 giường bệnh đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biển, đảo. Nhiều trạm y tế của huyện đảo đạt chuẩn quốc gia. Ở miền Trung và vùng biển Tây Nam, mô hình y tế quân dân y đang được triển khai đều đem lại kết quả tốt trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bộ đội trên đảo và vùng biển phụ cận. Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, với diện tích hơn 10km2, dân số trên 22.000 người, có trung tâm y tế quân dân y kết hợp quy mô 60 giường bệnh và 13 bác sĩ, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 40% đến 50%. Ngoài ra, huyện đảo còn có 2 trạm y tế cấp xã. Các cơ sở y tế quân dân y kết hợp trên huyện đảo không chỉ làm tốt công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân huyện đảo mà còn đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của khách du lịch, góp phần phát triển du lịch của huyện đảo. Công tác truyền thông dân số cũng luôn được chú trọng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2015 chỉ còn 0,95%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 20,9%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 13,6%; tỷ số giới tính khi sinh là 115 bé trai/100 bé gái.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi về công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên đảo Lý Sơn, tháng 7-2015.
Huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận có diện tích tự nhiên trên 17,8 km2, dân số trên 27.600 người. Trung tâm y tế quân dân y của huyện được đầu tư xây dựng khang trang với quy mô 70 giường bệnh, đội ngũ cán bộ y tế có trình độ. Trung tâm hoạt động ổn định, đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo với chất lượng ngày càng tăng. Huyện đảo còn có 03 trạm y tế xã, mỗi trạm đều có bác sĩ làm việc. Trung tâm y tế quân dân y cùng với các trạm y tế xã và ngành y tế huyện triển khai tích cực các nhiệm vụ y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Xã đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Diện tích khá lớn (21km2) nhưng dân số chỉ khoảng 2.000 người. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, bệnh xá quân y và trạm y tế quân dân y của đảo được bố trí trong cùng khu vực để tiện phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác khám chữa bệnh…
Bệnh xá quân dân y xã đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Mô hình y tế quân dân kết hợp thể hiện vai trò chủ động của lực lượng quân y trong phối hợp với y tế các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trên tuyến biển đảo của Tổ quốc, nhất là các đảo xa đất liền và ở trong những vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mô hình này đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các vùng biển đảo, tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động cũng đã bộc lộ những bất cập do thiếu cơ chế liên kết các lực lượng y tế (đội điều trị, bệnh xá quân dân y, bệnh xá quân y, các tổ quân y), chính sách xã hội, chính sách về tài chính - đầu tư chưa phù hợp với tốc độ phát triển quy mô dân số, kinh tế biển… Trang thiết bị y tế của nhiều trung tâm y tế quân dân y kết hợp còn chưa đầy đủ, hơn nữa, điều kiện khí hậu biển đảo tác động làm cho trang thiết bị, vật dụng y tế nhanh xuống cấp, hư hỏng. Việc thu hút cán bộ y tế, nhất là những bác sĩ có trình độ, tay nghề ra phục vụ tại vùng biển đảo còn khó khăn do chế độ khuyến khích, động viên chưa đủ mạnh. Công tác nghiên cứu khoa học biển, nhất là nghiên cứu về các loại bệnh đặc thù vùng biển đảo chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Những khó khăn, bất cập nêu trên cần có các giải pháp đồng bộ, phù hợp và nỗ lực cả từ phía chính quyền các cấp cũng như các lực lượng quân y đóng quân trên địa bàn để giải quyết.
Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các vùng biển đảo, trong thời gian tới cần tăng cường đầu tư nâng cấp, đổi mới trang thiết bị y tế cho các trung tâm y tế quân dân y kết hợp tại các vùng biển đảo; tăng cường đội ngũ cán bộ y tế (bao gồm cả đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân y); nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển, đảo; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho các trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng quân y và ngành y tế các địa phương vùng biển đảo trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, trang thiết bị và thuốc chữa bệnh, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh về cấp cứu, khám chữa bệnh cũng như y tế dự phòng vùng biển đảo./.
Quốc hội nhất trí thông qua dự thảo Luật khí tượng, thủy văn  (23/11/2015)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng quà giúp Lào phát triển giáo dục  (23/11/2015)
Đồng chí Lê Hồng Anh gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam  (23/11/2015)
Đồng chí Lê Hồng Anh gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam  (23/11/2015)
Lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020  (23/11/2015)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay