Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Nằm giữa lòng châu Âu, Cộng hòa Liên bang Đức có khoảng 81,1 triệu dân số, là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đứng thứ tư sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về GDP. Các ngành công nghiệp chủ yếu là chế tạo xe hơi, máy móc, thiết bị, công nghiệp hóa chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử. Đức có nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới, tuy nhiên, xương sống của kinh tế Đức lại là các công ty có quy mô vừa và nhỏ. Khu vực kinh tế này thu hút khoảng 20 triệu lao động.
Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 9 năm 1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10 năm 2011, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác. Hai nước đã hợp tác tích cực trên các diễn đàn đa phương và quốc tế như: Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - Liên minh châu Âu (ASEAN-EU).
Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đang trên đà phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, thành lập và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Đoàn Việt Nam thăm Đức có: Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (9-2012); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3-2013); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10-2014); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (6-2015). Đoàn Đức thăm Việt Nam có: Thủ tướng Angela Merkel (10-2011); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế P.Roesler (9-2012); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Sigmar Gabriel (11-2014); Chủ tịch Quốc hội Đức Nobert Lammert tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội (3-2015).
Về hợp tác kinh tế, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu, bằng cả Anh và Pháp cộng lại. Đức là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 giữa hai nước đạt 7,9 tỷ USD, tăng nhẹ so với 7,7 tỷ USD vào năm 2013; chín tháng đầu năm 2015 đạt 6,66 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức là: điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… Việt Nam nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, ô tô, hóa chất, dược phẩm.
Đức ủng hộ Liên minh châu Âu sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Tính đến tháng 9 năm nay, Đức có 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,413 tỷ USD, đứng thứ 22/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án của Đức tập trung vào nhiều lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí nước; bán buôn, bán lẻ; nông, lâm nghiệp, thủy sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ…
Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt trên 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực gồm: tài chính-ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại… Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính…
Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề, đã hỗ trợ Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội xây dựng chiến lược dạy nghề quốc gia, soạn thảo Luật Dạy nghề cũng như hỗ trợ xây dựng các trường dạy nghề kiểu mẫu ở một số địa phương theo mô hình đào tạo nghề song hành rất thành công của Đức.
Trong khuôn khổ chương trình “Make it in Germany” về hợp tác lao động quốc tế của Đức, giai đoạn 2013-2015, Việt Nam đã triển khai thí điểm đưa 200 điều dưỡng viên sang Đức đào tạo và làm việc (hợp đồng 3 năm sau khi tốt nghiệp đào tạo tại Đức).
Trong hợp tác giáo dục và đào tạo, hằng năm, Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 4.600 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai Chương trình đào tạo 85 nghiên cứu sinh mỗi năm tại bang Hessen của Đức. Dự án “hải đăng” của hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là Trường đại học Việt - Đức, được thành lập từ tháng 9 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình của đại học Đức, với sự hỗ trợ tích cực của bang Hessen (Đức) và Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD). Trường đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt xây dựng thành trường đại học tiêu biểu xuất sắc có trụ sở tại huyện Bến Cát, Bình Dương với nguồn vốn vay trị giá khoảng 200 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Vừa chuẩn bị tích cực cho việc hoàn thành, tính đến năm 2015, Trường đại học Việt-Đức đã đào tạo được gần 1.500 sinh viên; trong đó năm học mới 2015-2016 đào tạo trên 1.100 sinh viên. Đến nay, tỷ lệ sinh viên, học viên ra trường có việc làm đạt 91%. Với mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, Trường đại học Việt- Đức tiếp nhận và triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các trường đại học đối tác Đức. Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, trong quá trình học tập sinh viên cũng được học tiếng Đức song song. Sinh viên tốt nghiệp nhận bằng của Cộng hòa liên bang Đức và bằng của Trường đại học Việt - Đức, mở ra cho các sinh viên tốt nghiệp của trường nhiều cơ hội việc làm, cũng như tiếp tục đào tạo và nghiên cứu lên bậc cao hơn.
Cùng với hợp tác giáo dục - đào tạo, lao động, lĩnh vực hợp tác khoa học - công nghệ giữa hai nước cũng phát triển tích cực. Đức hiện là đối tác lớn và hiệu quả nhất của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học - công nghệ... Bên cạnh quan hệ với Việt Nam ở cấp chính phủ, các bang ở Đức rất chủ động tăng cường hợp tác với Việt Nam; trong đó có thể kể đến các bang như: Brandenburg, Bayern, Mechlenburg - Vorpommern, Baden -Wurttemberg, Sachsen, Hessen, Berlin. Đặc biệt, nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 10 năm 2012 của Thủ hiến bang Hessen, hai bên đã ký bản ghi nhớ về hợp tác ưu tiên, tạo khuôn khổ hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và bang Hessen và là hình mẫu cho hợp tác giữa Việt Nam với các địa phương của Đức.
Cộng đồng người Việt Nam ở Đức hiện có khoảng 125.000 người, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức (với hơn 50% học sinh đỗ trung học hạng ưu, nhiều em là thành viên các đội tuyển học sinh xuất sắc của Đức như: toán, võ thuật, thơ, văn, nhạc...).
Chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. Đây cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới nước Đức thống nhất (1990) và đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước(1975-2015)./.
Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh yêu cầu duy trì hợp tác ASEAN+3  (22/11/2015)
Hà Nội sẽ đưa miễn phí hơn 20.000 công nhân về quê đón Tết  (22/11/2015)
Hà Nội sẽ đưa miễn phí hơn 20.000 công nhân về quê đón Tết  (22/11/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Liên bang Nga và lãnh đạo một số nước  (22/11/2015)
Dấu mốc lịch sử của ASEAN  (22/11/2015)
Lễ ký Tuyên bố về "Thành lập Cộng đồng ASEAN"  (22/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển