Quảng Ninh đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
TCCSĐT - Trên cơ sở xác định, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong giai đoạn 2010 - 2013, Quảng Ninh đã ban hành các văn bản và thực hiện nhiều giải pháp để triển khai công tác xây dựng xã hội học tập. Theo đó, việc xây dựng xã hội học tập cần dựa trên nền tảng phát triển của cộng đồng, đồng thời gắn kết, liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Những chỉ đạo sát thực
Ngay sau khi có Nghị quyết số 01-NQ/TV, ngày 12-11-2010, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020, các tổ chức Đảng, cơ quan các sở, ban, ngành đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền phổ biến nội dung của Nghị quyết đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị; tổ chức xây dựng các kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện các tiêu chí về xây dựng xã hội học tập trong mỗi đơn vị và địa phương. Đáng chú ý là Chỉ thị số 23/CT-TU, ngày 21-11-2002, của Tỉnh ủy về tăng cường công tác khuyến học và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND, ngày 09-12-2011, của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, học sinh đạt điểm giỏi trong kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học và giáo viên đào tạo học sinh giỏi; Quyết định số 3810/QĐ-UBND, ngày 17-12-2010, về bổ sung nhiệm vụ dạy nghề cho các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên; Quyết định số 24/QĐ-UBND, ngày 06-01-2011, phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Quyết định số 3430/QĐ-UBND, ngày 02-11-2011, về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch số 2734/KH-UBND, ngày 03-6-2013, về việc triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh, thực hiện theo Quyết định phê duyệt Đề án 89 của Chính phủ…
Với vai trò là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo cấp tỉnh về xây dựng xã hội học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chỉ đạo toàn bộ hệ thống giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ các nội dung của nghị quyết. Cụ thể là: ban hành nhiều văn bản về tăng cường tổ chức và hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương. Phòng giáo dục và đào tạo được giao nhiệm vụ thường trực phối hợp với các phòng, ban, tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động như đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường cán bộ quản lý các trung tâm học tập cộng đồng… Công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của các trung tâm học tập cộng đồng được quan tâm. Một số địa phương tổ chức các đoàn cán bộ cấp huyện, xã đi nghiên cứu, học tập các đơn vị điển hình tiên tiến. Nhiều xã có trụ sở riêng cho trung tâm học tập cộng đồng, các đơn vị còn lại tận dụng cơ sở vật chất của địa phương như hội trường xã và nhà sinh hoạt thôn, khu để tổ chức hoạt động, tạo điều kiện cho người dân được tham gia và thụ hưởng các cơ hội học tập ngay tại cộng đồng.
Hệ thống giáo dục chính quy được phát triển với nhiều loại hình trường, lớp từ mầm non đến đại học. Quy mô trường, lớp, số người đi học ở các cấp học, ngành học đều tăng. Việc huy động đến trường đối với trẻ em ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gái và trẻ em khuyết tật được quan tâm đặc biệt. Đối với giáo dục mầm non: hiện có 207 trường (tăng 14 trường so với năm 2010), gồm 2.562 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo, đã huy động được 26,6% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 89,1% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp. Tính đến tháng 7-2013, tổng số 13/14 huyện đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi; 170/186 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đối với giáo dục tiểu học: có 182 trường (tăng 4 trường so với năm 2010) với 91.071 học sinh; có 136 trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với giáo dục trung học: cấp trung học cơ sở có 196 trường (tăng 3 trường so với năm 2010); có 90 trường đạt chuẩn quốc gia; cấp trung học phổ thông có 57 trường (tăng 2 trường so với năm 2010) với 39.908 học sinh; có 24 trường đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, có gần 50% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển vào học các trường cao đẳng, đại học hệ chính quy, số còn lại vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Đối với giáo dục chuyên nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở dạy nghề, 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, 6 trường cao đẳng, 1 trường đại học (Đại học Công nghiệp Quảng Ninh) và 2 cơ sở đại học (Đại học Ngoại thương và Đại học Mỏ - Địa chất). Đặc biệt, sáng 20-12-2014, Quảng Ninh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập trường Đại học Hạ Long - trường đại học đa ngành của tỉnh.
Phong trào “Khuyến học, khuyến tài”, phong trào xây dựng “Dòng họ hiếu học” “Gia đình hiếu học”, “Khu phố văn hóa hiếu học” đang phát triển mạnh mẽ. Đến nay đã có 35,27% số gia đình, 45% số đơn vị đạt danh hiệu hiếu học. Hội Khuyến học các cấp phát triển với 1.835 hội và chi hội, 414 ban khuyến học và 259.207 hội viên, là hạt nhân của công tác xây dựng xã hội học tập ở khắp các địa phương. Phong trào “Ba đỡ đầu” được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm hưởng ứng, tạo cơ hội học tập cho các học sinh nghèo, học sinh khuyết tật; động viên, khích lệ học sinh giỏi phát huy tài năng và sức sáng tạo. Nhiều đơn vị gắn việc xây dựng xã hội học tập với triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện các nghị quyết, tuyên truyền pháp luật và bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên của cơ quan.Trong giai đoạn 2010 - 2013, các trung tâm học tập cộng đồng trên toàn tỉnh mở được 5.004 lớp tập huấn, bồi dưỡng. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 đạt 99,8%; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 trở lên đạt 97,5%. Tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh được bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học ngoại ngữ đạt 100%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, khả năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống đạt 89,8%.
Hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề được thực hiện đúng quy định (15.000đ/ngày thực học). Thông qua các lớp dạy nghề, người học được trang bị kiến thức về khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Hệ thống cơ sở đào tạo bồi dưỡng của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội phát triển nhanh về quy mô và năng lực, chất lượng đào tạo.
Những hạn chế cần khắc phục
Tuy nhiên, công tác xây dựng xã hội học tập vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa thực sự quan tâm thường xuyên đến công tác xây dựng xã hội học tập. Sự phối kết hợp của các đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội ở cơ sở để tổ chức các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để tạo phong trào tự giác học tập tại một số địa phương chưa được chú trọng. Các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin dành cho người dân tại các xã, phường, thị trấn còn ít và chưa hiệu quả. Chưa đầu tư xây dựng được trường dành riêng cho trẻ khuyết tật; cơ sở vật chất, thiết bị tại hầu hết cơ sở phục vụ học tập thường xuyên trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Số cán bộ quản lý, giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao và uy tín lớn, có thể đảm nhiệm vai trò nòng cốt để xây dựng các cơ sở giáo dục - đào tạo chất lượng cao ở Quảng Ninh chưa nhiều. Việc thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thiếu đội ngũ công nhân lành nghề làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề năm thứ nhất và học trung học chuyên nghiệp năm thứ nhất chỉ đạt 8,1% (bao gồm cả học sinh học nghề kết hợp học bổ túc trung học phổ thông).
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác xây dựng xã hội học tập với nội dung “giáo dục cho mọi người và mọi người cho giáo dục”, “học tập thường xuyên, đào tạo suốt đời” chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực tài chính để đầu tư hạ tầng cơ sở, thiết bị thích ứng với yêu cầu xây dựng xã hội học tập còn hạn chế. Cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý cho các hoạt động xây dựng xã hội học tập chưa đầy đủ và còn chậm được ban hành. Sự phối kết hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức cơ quan, đoàn thể xã hội để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập ở nhiều địa phương chưa thường xuyên. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch biệt phái giáo viên sang làm việc toàn phần hoặc bán phần tại các trung tâm học tập cộng đồng...
Giải pháp cho giai đoạn tiếp theo
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh chú trọng một số giải pháp sau:
- Các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xã hội học tập và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại đơn vị. Xây dựng chuyên mục “Xã hội học tập” và thường xuyên tuyên truyền về chủ chương xây dựng xã hội học tập trong trên báo, đài phát thanh - truyền hình, các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, qua các hội nghị, hội thảo, mạng in-tơ-nét, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ,… về việc thực hiện các chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức dịch vụ và các lĩnh vực khác về xã hội học tập.
- Củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng điển hình để nhân rộng; phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu, bản để tổ chức các hoạt động có hiệu quả. Bồi dưỡng kiến thức, tuyên truyền pháp luật, chuyển giao công nghệ, dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường biển đảo và các loại hình dịch vụ khác, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao,… phù hợp với nhu cầu nhân dân. Đa dạng hóa nội dung, hình thức học tập với thời gian phù hợp, tạo điều kiện để đông đảo người dân tham gia học tập trong các trung tâm học tập cộng đồng.
- Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phòng học, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên. Đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, đội ngũ cán bộ quản lý của các trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ dạy nghề kết hợp với dạy văn hóa, giáo dục hướng nghiệp và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị đã được cấp cho các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên. Phối hợp chặt chẽ với các trung tâm học tập cộng đồng để hỗ trợ về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao công nghệ cho người dân. Từng bước phấn đấu xây dựng các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên thành cơ sở bồi dưỡng giáo viên cho cấp huyện.
- Đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng in-tơ-nét, học trực tuyến. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (E-learning); xây dựng các phòng học ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập suốt đời cho mọi người. Các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng củng cố và phát huy hiệu quả của đơn vị để phục vụ tốt nội dung giáo dục cho cộng đồng.
- Triển khai các biện pháp hỗ trợ người học, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời. Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội tại các địa phương phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng tuyên truyền, định hướng, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của người dân để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn triển khai các chương trình hỗ trợ kiến thức, dịch vụ, chuyển giao công nghệ cho người dân. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, phụ nữ… Đưa công tác xây dựng xã hội học tập là nội dung bắt buộc trong chương trình, kế hoạch hoạt động, thi đua hằng năm và từng giai đoạn.
- Bồi dưỡng nhân tài, tôn vinh các gương sáng hiếu học và điển hình vượt khó vươn lên trong học tập. Các đơn vị xây dựng quy chế để tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình, tiên tiến, có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập; các gương sáng vượt khó vươn lên trong học tập; xét tặng danh hiệu “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Đơn vị hiếu học”, “Khu dân cư hiếu học” tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Tích cực thu hút mọi lực lượng tham gia xây dựng xã hội học tập; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tổ chức các chương trình học tập bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người lao động; thu hút sự ủng hộ về tài chính của mọi cá nhân, tổ chức cho trung tâm học tập cộng đồng. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác, cá nhân và tập thể ở nước ngoài về xây dựng xã hội học tập; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tổ chức nghiên cứu, học tập tại một số nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này./.
Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn các đại biểu  (18/11/2015)
Kỷ niệm 97 năm ngày độc lập Cộng hòa Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh  (18/11/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Nga Medvedev  (18/11/2015)
Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Thụy Sĩ  (18/11/2015)
Việt Nam tích cực đề xuất tăng hợp tác ASEAN với các đối tác  (18/11/2015)
Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech thăm tỉnh Quảng Nam  (18/11/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm