TCCSĐT - Ngày 05-11-2015, tại thành phố Cần Thơ, trường Đại học Cần Thơ phối hợp với trường Đại học RMIT (Úc) tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu đại diện cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ, các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, trường đại học vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, PGS,TS. Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng, nhận diện những nhu cầu, qua đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị cho việc phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển, quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015”, đến nay chất lượng giáo dục và đào tạo của vùng đã được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiều địa phương ngày càng chú trọng công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, quy hoạch nguồn nhân lực. Đến nay, toàn vùng có 13 trường đại học, 26 trường cao đẳng, 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; chất lượng đào tạo một số ngành nghề từng bước được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện còn nhiều bất cập, yếu kém so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng. Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, toàn vùng hiện có tỷ lệ bình quân 85 sinh viên/1 vạn dân, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước; tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo chỉ đạt 10,4%, thấp nhất so với các vùng miền trong nước; tiền lương của một lao động ở mức 3,32 triệu đồng/tháng (thấp nhất cả nước). Những năm gần đây, nhiều lao động ở đồng bằng sông Cửu Long đã qua đào tạo có xu hướng chuyển dịch đến các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để tìm việc làm có thu nhập cao hơn; trong khi đó, những lao động không có kỹ năng, trình độ học vấn thấp khó tìm được việc làm tại địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn,…

Nguyên nhân của những bất cập, yếu kém trên được xác định là do: đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sử dụng lao động đã qua đào tạo không nhiều; hệ thống các trường dạy nghề còn thiếu, phân bổ chưa hợp lý, cơ sở vật chất nghèo nàn, phương tiện dạy học vừa thiếu, vừa lạc hậu, không đồng bộ; nhiều người học chưa chú trọng học những kỹ năng mềm để tăng cơ hội tìm việc làm; thu nhập của người dân, nhất là khu vực nông thôn, còn thấp nên không đủ khả năng chi trả cho con em đi học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; thiếu liên kết vùng trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực;…

Một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới đã được đề xuất tại hội thảo gồm:

- Sớm xây dựng Quy hoạch và chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở Quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn vùng.

- Chính phủ sớm xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề; đầu tư nâng cấp trường Đại học Cần Thơ xứng tầm với các trường trong khu vực ASEAN và thế giới, thật sự là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho toàn vùng.

- Tăng cường đầu tư mở rộng quy mô đào tạo của trường Đại học Y Dược Cần Thơ; đồng thời có chủ trương, cơ chế khuyến khích các trường đại học trọng điểm quốc gia mở các phân hiệu, cơ sở đào tạo tại các địa phương trong vùng, nhất là tại thành phố Cần Thơ, trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Các địa phương trong vùng cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về công tác đào tạo nghề giai đoạn 2016-2020; trong đó gắn đào tạo nghề với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và giảm nghèo bền vững.

- Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông song song với việc xây dựng cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành mũi nhọc của từng tỉnh, thành.

- Tập trung đầu tư củng cố, nâng chất, tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo nghề. Tăng cường liên kết vùng trong giáo dục - đào tạo, gắn với đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo trong vùng và xã hội hóa đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

- Gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trên địa bàn; mở rộng các hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo, đặt hàng giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề; chú trọng phát triển, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp thực tiễn và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương./.