Dấu mốc quan trọng của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (trong hai ngày 05 và 06-11-2015).
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Ấn tượng từ các con số
Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18-01-1950. Hơn 65 năm qua, mặc dù có những bước thăng trầm, nhưng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nhìn chung không ngừng được củng cố, phát triển. Đặc biệt, từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đến nay, hai nước đã ký nhiều Hiệp định cấp Chính phủ và các văn kiện hợp tác khác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Tháng 10-2015, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành phiên họp lần thứ 9 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Trước đó, tháng 5-2015, Việt Nam cũng đã khai trương Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam đầu tiên tại Trùng Khánh.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2014, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN (chỉ sau Ma-lai-xi-a). Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 58,87 tỷ USD, tăng 17,16% so với năm 2013. Trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 49,16 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2014. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, trong quan hệ thương mại song phương hai nước, Việt Nam đang nhập siêu mạnh từ Trung Quốc.
Quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước có bước phát triển mới. Tính đến tháng 9-2015, Trung Quốc có 1.177 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hai bên đã tiến hành cuộc họp lần thứ nhất Nhóm Công tác hợp tác về kết cấu hạ tầng (tháng 6-2015, tại Bắc Kinh); Phiên họp lần thứ nhất cấp Bộ trưởng Nhóm Công tác hợp tác về kết cấu hạ tầng (tại Bắc Kinh, tháng 10-2015) và cuộc họp lần thứ nhất Nhóm công tác hợp tác về tài chính tiền tệ (tháng 7-2015, tại Hà Nội).
Bên cạnh đó, quan hệ trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao cũng được đẩy mạnh. Hằng năm, Trung Quốc cung cấp 130 học bổng dài hạn và 10 học bổng thực tập sinh ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng và có khoảng 4.000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ (học tiếng Việt), du lịch và kinh doanh. Hai bên đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2013 - 2015” đã đạt được trong Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; tích cực thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực di sản văn hóa, nguồn nhân lực,...
Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn của Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2015 có hơn 1,26 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam. Mặc dù có giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Phát triển ổn định và bền vững
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần này có thể nói là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đây không chỉ là chuyến thăm nhằm đáp lại chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 4 - 2015, mà còn nhân dịp hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam kể từ khi lên cầm quyền, và là lần đầu tiên một Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam trong suốt 10 năm qua (chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào diễn ra vào năm 2005).
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều bất đồng trong vấn đề Biển Đông, nhưng hai nước luôn tìm cách tìm ra những điểm tương đồng từ sự khác biệt. Hai bên luôn duy trì các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2015), Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp tục tăng cường thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Chương trình làm việc trao đổi tất cả các nội dung lớn trong quan hệ hai nước mang tầm chiến lược, phát triển quan hệ về kinh tế, văn hóa, thương mại giữa hai nước.
Việt Nam tiếp tục khẳng định trên cơ sở kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam trước sau như một, hết sức coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào thực chất, hiệu quả; đặc biệt cần tăng cường tin cậy chính trị; duy trì tiếp xúc cấp cao; đẩy mạnh giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.
Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, phát triển tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; cho rằng, việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với Việt Nam và sẽ cùng với Đảng, Nhà nước Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển; nhất trí lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tăng cường quan tâm, chỉ đạo, duy trì quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định; chỉ đạo thực hiện tốt các nhận thức chung nhằm khôi phục và phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước mà lãnh đạo hai bên đã cùng nhau thống nhất thời gian qua.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay, hơn bao giờ hết, hai bên càng cần tăng cường hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để tập trung xây dựng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2015, hai nước Việt Nam - Trung Quốc kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đang làm hết sức mình để duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hướng tới phát triển ổn định, bền vững.
Trong tương lai, tin tưởng rằng, lãnh đạo hai nước sẽ quan tâm chỉ đạo, đôn đốc hơn nữa các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; ra sức thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiến triển thực chất theo nguyên tắc tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi, góp phần làm sâu sắc tình hữu nghị, hiểu biết và tin cậy Việt Nam - Trung Quốc./.
Lào sẽ hợp tác chặt với Việt Nam thực hiện các thỏa thuận cấp cao  (04/11/2015)
Việt Nam - Lào ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư  (04/11/2015)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Đoàn Nghị viện châu Âu  (04/11/2015)
Iceland thúc đẩy hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định Việt Nam - EFTA  (04/11/2015)
Phát triển sâu rộng, đa lĩnh vực quan hệ hợp tác Việt Nam - Iceland  (04/11/2015)
Việt Nam mong hợp tác với Iceland ứng phó biến đổi khí hậu  (04/11/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên