Đại biểu Quốc hội gợi ý nhiều giải pháp cân đối thu chi ngân sách
Trong cả buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về 3 nội dung lớn, bao gồm kết quả thực hiện NSNN năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; chủ trương đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận. Tổng cộng đã có 22 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, trong đó có đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu lại. Đã có một thành viên Chính phủ phát biểu làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.
Giảm chi thường xuyên
Phát biểu về tình hình thực hiện NSNN năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là ngành thuế trong việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ khó khăn của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc đảm bảo cân đối ngân sách trong bối cảnh hiện nay.
Trên cơ sở xây dựng, nhiều đại biểu Quốc hội đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết để khắc phục tình trạng bội chi, khó cân đối của ngân sách.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết phải làm sao để giảm tỉ trọng chi thường xuyên trong cơ cấu chi, để dành phần lớn hơn cho trả nợ và đầu tư. Theo đó, đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên con số tổng chi thường xuyên năm 2015 trong năm 2016 và một vài năm tiếp theo. Nếu NSNN tăng tổng thu, sẽ sử dụng khoản tăng này để trả nợ và đầu tư, như vậy tỉ trọng chi thường xuyên sẽ giảm.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nên khống chế khoản chi cho bộ máy hành chính, muốn tăng lương thì phải giảm số lượng biên chế.
Cùng với đó, phải dứt khoát cắt giảm những khoản chi lãng phí, không cần thiết, hay như đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch ví von là các khoản chi theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, phải xác định khoản xây trụ sở, sắm phương tiện không phải là chi xây dựng cơ bản mà là chi tiêu dùng. Bởi nếu ghép chi tiêu dùng vào xây dựng cơ bản và đầu tư sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “vung tay”.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, trước mắt cần tích cực giải quyết nợ đọng thuế, thu đúng, thu đủ khoản thuế đang bị doanh nghiệp chây ì lên tới trên 30.000 tỉ đồng.
Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần có các quy định để đảm bảo không thất thu, chống chuyển giá trong khu vực doanh nghiệp FDI.
Giải pháp tiết kiệm triệt để cũng được nhiều đại biểu đề cập. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần dành riêng một phiên họp để thảo luật cụ thể tình hình thực hiện cũng như các giải pháp để tiết kiệm hiệu quả hơn nữa.
Những giải pháp đại biểu Quốc hội nêu, đặc biệt giải pháp khống chế con số chi thường xuyên, chi cho bộ máy hành chính của năm 2015 cho các năm tiếp theo để “buộc” phải tiết kiệm, cắt giảm biên chế được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí cao.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt nêu trên, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị về lâu dài, cần thay đổi một số nguyên tắc vẫn được áp dụng lâu nay.
Chẳng hạn, phải thay đổi cơ cấu thu, theo hướng giảm gián thu, tăng các khoản trực thu. Cơ cấu, phương thức chi NSNN cũng cần được thay đổi theo hướng xác định rõ các địa phương được sử dụng khoản thu nào, phải nộp lại Trung ương khoản nào, tỉ lệ bao nhiêu. Việc xác định này sẽ khắc phục tình trạng “hòa” chung vào một, rồi từ đó phân bổ không đồng đều như hiện nay.
Đối với khoản chi thường xuyên cho giáo dục, y tế, đại biểu Quốc hội đề nghị, tiến tới Nhà nước chỉ bao cấp y tế dự phòng và trợ cấp đầu ra thông qua bảo hiểm. Còn các bệnh viện sẽ chuyển thành định chế công phi lợi nhuận và tính đúng tính đủ, để người trả tiền trả đúng trả đủ, không bao cấp. Người nghèo, các đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ thông qua thẻ bảo hiểm.
Phát hành trái phiếu quốc tế là phù hợp
Cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là hành động cần thiết, có lợi cho đất nước. Những năm qua, uy tín tín dụng của Việt Nam tăng lên, phát hành trái phiếu Chính phủ ra thế giới có lãi suất thấp hơn lãi suất đi vay, do vậy hoàn toàn có lợi cho việc phát hành trái phiếu để trả những khoản vay trước đó với lãi suất cao hơn.
“Tôi đồng tình với đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ công, vừa cơ cấu được nợ già, vừa có nguồn ngoại hối nhanh”, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói.
ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Trần Hoàng Ngân thì cho rằng, thời điểm này phát hành trái phiếu quốc tế là “hoàn toàn bình thường, hoàn toàn có lợi”.
Các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dưới 5 năm, thay vì chỉ phát hành kỳ hạn 5 năm như quy định hiện hành. Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu Quốc hội lưu ý Chính phủ nên có tỉ lệ phù hợp, với kỳ hạn dài chiếm đa số.
Về đề xuất của Chính phủ sử dụng khoản tiết kiệm khi đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc sâu sát, chỉ đạo, kịp thời khắc phục khó khăn để rút ngắn tiến độ, tiết kiệm NSNN.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đầu tư hai dự án hơn 60.000 tỉ đồng, nhưng đã tiết kiệm hơn 14.000 tỉ đồng là “không dễ gì làm được”. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ hơn tiết kiệm ở những khâu nào, được bao nhiêu. Đáp ứng yêu cầu này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phát biểu làm rõ và nhận được đồng tình của đại biểu Quốc hội.
Về quan điểm sử dụng khoản tiết kiệm này như thế nào, đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ sử dụng cho những dự án thực sự cấp bách, gắn với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên đầu tư những dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và toàn vùng./.
Họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt-Lào lần thứ hai  (03/11/2015)
Mức dư nợ vốn huy động cho đầu tư TP. Hà Nội không vượt quá 150%  (03/11/2015)
Liên kết vùng để tạo sức bật phát triển kinh tế  (03/11/2015)
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa đón đồng bào từ 05-11  (03/11/2015)
Giao lưu Văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản tại Cần Thơ  (03/11/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên