Đổi mới nhận thức và nâng cao trình độ cho nông dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền Đại học Luật Hà Nội
09:53, ngày 03-11-2015
TCCSĐT - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và đang giữ vai trò hết sức to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mặc dù có sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn coi lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống nông dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” đã đưa ra đánh giá toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta trong quá trình đổi mới; đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chính phủ, các ngành, các cấp đã ban hành nhiều chương trình, dự án tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông, thủy lợi, điện khí hóa nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn,… đã được triển khai trên diện rộng. Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp, Nhà nước còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân như khuyến khích liên kết bốn nhà; hỗ trợ lãi suất vay vốn trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao khoa học, kỹ thuật và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cũng như vào địa bàn nông thôn. Những nỗ lực to lớn đó của Đảng, Nhà nước đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và cải thiện đáng kể đời sống của một bộ phận cư dân nông thôn.

Tuy nhiên, đến nay, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta vẫn là lĩnh vực chậm phát triển. Sản xuất còn theo phương thức lạc hậu, manh mún, chất lượng sản phẩm không cao. Hơn nữa, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp còn thấp và chịu tác động trực tiếp của thị trường. Tài nguyên đất đai chưa được khai thác một cách hiệu quả; nguồn nhân lực ở nông thôn chất lượng còn thấp, phần nhiều chưa qua đào tạo; ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng. Sản phẩm của người nông dân làm ra còn chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Trong rất nhiều nguyên nhân của tình trạng trên có nguyên nhân từ việc chưa phát huy đầy đủ vai trò chủ thể tích cực của nông dân. Do nhận thức hạn chế cũng như do năng lực, trình độ có hạn, nông dân vẫn đang bị động trong cơ chế thị trường, từ việc tổ chức sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm và tổ chức đời sống. Vì vậy, cần đổi mới nhận thức về nông dân và nhận thức của nông dân, đồng thời, nâng cao trình độ, tay nghề cho nông dân để nông dân có thể phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Đổi mới nhận thức về nông dân và nhận thức của nông dân

Về cách nghĩ, không được phép cho rằng nông dân, nông nghiệp, nông thôn là “gánh nặng” của đất nước trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; từ đó nảy sinh ý tưởng “chia sẻ”, “giúp đỡ”, “ban ơn” cho nông dân. Thực tế cho thấy, nông dân Việt Nam có thể phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, có thể làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước, nhằm thúc đẩy và đạt được sự phát triển bền vững kể cả trong điều kiện có sự biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhưng tư duy của một bộ phận nông dân, nhất là nông dân ở những vùng chưa phát triển sản xuất hàng hoá, vẫn quen sống tự cấp tự túc, nên việc tiếp nhận cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng “tập trung hoá, chuyên môn hoá, hiện đại hoá, công nghệ xanh” là rất khó khăn. Vì thế, phải nâng cao trình độ nhận thức, đổi mới tư duy của họ để tự họ thấy rằng, muốn giàu lên thì phải cơ cấu lại lao động và ruộng đất, giảm số lượng nông dân, tích tụ ruộng đất cho người làm nông nghiệp giỏi để số người dôi ra làm giàu bằng nghề khác, đôi bên đều có lợi.

Có thể thấy 3 tiền đề cơ bản cho việc đổi mới tư duy của nông dân là:

- Ban hành các chính sách tích tụ đất đai thuận lợi và các chính sách mở mang các ngành nghề phi nông nghiệp. Trước mắt, bên cạnh việc mở ngành nghề dựa vào doanh nghiệp nông thôn trong nước phải đồng thời tạo mọi điều kiện để người nông dân xuất khẩu lao động để giảm bớt sức ép tức thời về việc làm.

- Hỗ trợ nông dân đào tạo các loại nghề để chuyển sang nghề phi nông nghiệp. Với những nông dân làm chủ nông trại, họ cần phải được đào tạo có bài bản, đảm bảo các chủ trang trại phải có chứng chỉ hành nghề về quản trị trang trại, bước đầu có thể là trình độ trung cấp, sau đó nâng lên cao đẳng, tới sau năm 2030 trở đi bắt buộc phải có trình độ đại học quản trị kinh doanh.Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích mở các loại trường riêng để đào tạo về lĩnh vực này cho nông dân; ban hành các chính sách cho phép các trường này được hưởng những ưu đãi tối đa của Nhà nước.

- Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn, nhất là tại các vùng khó khăn. Tập trung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược về tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo. Đặc biệt quan tâm tới vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các vùng hải đảo, vùng bãi ngang và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số, giảm tỷ lệ sinh ở nông thôn. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng các hương ước theo hướng phát huy truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn.

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn theo hướng tiếp tục thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, chế độ cứu trợ đối với hộ thiếu đói, vùng khó khăn, cấp học bổng cho học sinh nghèo, cận nghèo; thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn. Đồng thời, rà soát, giảm thiểu các khoản đóng góp có tính chất bắt buộc đối với nông dân.

Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở phù hợp với Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (năm 2007). Trên cơ sở và thông qua đó đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện của nhân dân, không để gây thành những điểm nóng; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, năng lực và vị thế của phụ nữ ở nông thôn.

Nâng cao trình độ cho nông dân

- Đối với những nông dân có tuổi đời tương đối cao, trình độ học vấn thấp

Về nội dung, cần trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp như hướng dẫn những kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, canh tác mới nhất, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như VAC, RVAC,... Bồi dưỡng cho nông dân những kiến thức trong kinh doanh như kiến thức về tiếp cận thị trường và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nó; kiến thức về maketing, giới thiệu sản phẩm; những kiến thức về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký cho thương hiệu nông sản hàng hoá,... Tuyên truyền và bồi dưỡng cho nông dân những hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; những kiến thức luật pháp liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân.

Về phương pháp, do đặc thù của nhóm đối tượng nông dân này là trình độ học vấn thấp, hạn chế trong nhận thức nên phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hỗ trợ, tư vấn,... Trong đó, cần chú trọng phương pháp giáo dục bằng hình ảnh trực quan đơn giản nhưng sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Về hình thức, phải linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng, phong phú, chủ yếu dựa vào cộng đồng là chính: tiếp xúc cử tri, họp tổ nhân dân tự quản, tiến hành toạ đàm, hội thảo đầu bờ, tham quan thực tế các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi,...

- Đối với đối tượng là thanh thiếu niên con em của nông dân

Cần xây dựng chiến lược giáo dục - đào tạo có tính căn cơ, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay và nhất là trong những năm tiếp theo. Đối với nhóm này cần tập trung vào hai vấn đề lớn:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cho tất cả các bậc học, trong đó chú trọng đến công tác xoá mù chữ và tái mù, phổ cập giáo dục, nhất là cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa.

Hai là, nâng cao hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho đội ngũ lao động trẻ ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại, vừa chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho những năm tiếp theo. Tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm chương trình dạy nghề cho lao đông nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp cả về cơ chế, chính sách, công tác phối hợp và hoạt động triển khai trong thực tế để nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho việc nâng cao trình độ, nhận thức, tay nghề cho lao động nông thôn./.