TCCSĐT - Chiều 19-10-2015, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tổ chức HealthBridge Canada tổ chức buổi tọa đàm “Tác hại của rượu, bia và giải pháp” đồng thời phát động cuộc thi viết báo về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đại diện Hội nhà báo Việt Nam, đại diện tổ chức HealthBridge Canada, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng đông đảo phóng viên và những người quan tâm đến vấn đề này đã đến dự.
Tại buổi tọa đàm, bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đã chỉ ra hiện trạng, thách thức và những chính sách cần ưu tiên trong phòng chống lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam.

Dẫn Báo cáo của Bộ Y tế trình Thủ tướng ban hành chính sách quốc gia phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia, BS. Phạm Thị Hoàng Anh cho biết có 60% nam thanh niên, vị thành niên từng say rượu bia. Lượng rượu bia tiêu thụ đã tăng 2-3 lần, từ bình quân 1,6 lít rượu và 10,4 lít bia/một năm lên 4,1 lít rượu và 22 lít bia/một năm trong 10 năm qua. Tỉ lệ có sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên và thanh niên tăng nhanh sau 05 năm, hiện ở mức 79,9% với nam và 36,5% đối với nữ. Đáng chú ý, trên 60,5% nam và 22% nữ vị thành niên, thanh niên từng say rượu bia. Tại Việt Nam, theo thống kê hiện nay 60% vụ bạo lực gia đình, 6% vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, 15% số giường bệnh tại bệnh viện tâm thần dành cho bệnh nhân loạn thần do sử dụng nhiều rượu bia. Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết phí tổn do rượu bia gây ra chiếm 2-8% GDP, ước tính khoảng 16.000 tỉ đồng/năm và gấp rưỡi nguồn thu cho ngân sách do sản xuất rượu bia mang lại.

Với tham luận “Kiên trì vận động giảm lạm dụng rượu bia - Rất cần sự tham gia của toàn xã hội”, TS, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải tạo ra bước ngoặt trong tư duy và hành động của toàn xã hội, chung sức, chung lòng chấm dứt sự gia tăng liên tục tiêu thụ bia, rượu và bắt đầu giảm dần trong tương lai. Đặc biệt, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, giới trẻ hiện nay đang tiêu phí quá nhiều thời gian và tiền bạc vào “giao tiếp” qua bia, rượu. Lý do là nhiều người đang hiểu sai và đánh tráo giá trị, lấy việc uống nhiều và uống thật say là thước đo cho tình bạn, sự gắn bó cộng đồng. Theo TS. Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần quy định chặt chẽ việc dùng tiền ngân sách để chi cho chiêu đãi, rượu bia. Quốc hội nên quyết định tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt vào bia, rượu, tăng giá bán các mặt hàng loại này, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc nấu rượu thủ công. Các cấp, các ngành nên tổ chức vận động thanh niên, sinh viên giảm hẳn uống rượu, bia, giảm thời gian ngồi quán nhậu, tăng hoạt động thể dục, thể thao. TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, thay vì quá nhiều quảng cáo về bia, rượu trên truyền hình, nên chiếu nhiều hơn các phim cảnh báo về tác hại của các loại đồ uống này.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, theo thống kê của tổ chức này, có đến 5,9% tổng số tử vong trên thế giới và 4% người mắc bệnh tật liên quan đến rượu, bia. Đại diện của WHO cảnh báo: có tới trên 58 triệu người/năm sống với thương tật do rượu, bia trên toàn thế giới, gần xấp xỉ bằng thuốc lá. Tuy nhiên, mức độ nguy hại của rượu, bia còn lớn hơn so với thuốc lá nhiều vì nó gây ra sự rối loạn trật tự xã hội, tác hại với người xung quanh, tác hại kinh tế. Ở Việt Nam, sự xâm nhập của rượu bia vào giới trẻ tăng đáng kể. Độ tuổi trung bình bắt đầu uống rượu, bia ở Việt Nam là 24 tuổi. Đáng lo ngại là việc sử dụng nhiều của giới trẻ sẽ gây tổn thương phát triển của não, nguy cơ nghiện rượu cao. Cũng theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù rượu, bia là chất gây nghiện nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, mức tiêu thụ rượu bia sẽ giảm khi tăng giá mặt hàng này, đồng thời việc tăng giá, tăng thuế còn giúp cho việc tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các giải pháp như tăng cường vai trò của Nhà nước trong sản xuất và kinh doanh rượu bia; sớm đưa ra quy định về những điểm cấm/hạn chế bán bia rượu; giải quyết vấn đề về sử dụng rượu bia ngoài độ tuổi cho phép… cần được thực hiện một cách kiên quyết và đồng bộ.

Theo TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, mỗi ngày trên cả nước có khoảng 26 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó nhiều người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Việc lạm dụng rượu, bia trong đời sống hằng ngày đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người, gây mất trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung. Rượu, bia không chỉ là 01 trong 10 nguyên nhân gây tai nạn giao thông, gây tử vong mà còn là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm, nhiều vấn đề xã hội đáng báo động khác. TS. Trần Bá Dung cho rằng, đã đến lúc báo chí cần đi đầu trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cũng vì lý do này, thông qua buổi tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động cuộc thi viết báo về phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm mục đích tăng cường công tác truyền thông về lĩnh vực này, từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp chính quyền về phòng chống tác hại rượu bia, đồng thời ghi nhận, cổ vũ, động viên các cơ quan báo chí, nhà báo tham gia vào công tác tuyên truyền phòng chống tác hại rượu bia.

Theo Ban Tổ chức, tác phẩm tham dự thuộc hai loại hình báo in và báo điện tử đã được đăng trong thời gian kể từ ngày 20-10-2015 đén 20-12-2015, phản ánh thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của việc lạm dụng rượu bia và những giải pháp phòng chống; Các chính sách và việc thực thi chính sách về phòng chống tác hại rượu bia, bao gồm: các chính sách kiểm soát quảng cáo khuyến mại, tài trợ, chính sách kiểm soát tính sẵn có của rượu bia, chính sách phòng chống lái xe khi sử dụng rượu bia, chính sách thuế và giá rượu bia… Cơ cấu Giải thưởng của cuộc thi gồm: 01 giải A (trị giá 4.000.000đ/giải); 02 giải B (trị giá 2.500.000đ/giải); 02 giải C (trị giá 1.500.000đ/giải); 02 giải Khuyến khích (500.000đ/giải) và giấy chứng nhận kèm theo giải thưởng.

Thời gian nhận bài từ sau ngày phát động đến 17h ngày 20-12-2015. Bài dự thi được gửi về địa chỉ Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ - Hà Nội hoặc đại chỉ email: bannghiepvu.hnb@gmail.com. Thư điện tử kèm theo đường link bài báo, ghi tên báo, thời gian đăng tải, tên tác giả. Tiêu đề thư ghi rõ: Dự giải “Báo chí viết về phòng, chống tác hại rượu, bia”./.