Liên kết phát triển sản phẩm du lịch xanh “Thế giới sông nước Mê Kông”
TCCSĐT - Một trong những nội dung trọng tâm trong Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt theo Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL, ngày 23-01-2015, là xác định sản phẩm du lịch xanh đặc thù “Thế giới sông nước Mê Kông” gắn với giá trị cảnh quan, văn hóa bản địa, đa dạng và phong phú ở vùng “Đất Chín Rồng”.
Để “Thế giới sông nước Mê Kông” với yêu cầu của du lịch xanh thật sự hấp dẫn, tạo ra nhiều giá trị độc đáo thì liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị du lịch và điều phối vùng đang là yêu cầu bức thiết.
Liên kết phát triển du lịch xanh - từ lý luận đến thực tiễn
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gần 40 nghìn km2, dân số khoảng 18 triệu người, có hơn 340km đường biên giới trên bộ giáp Cam-pu-chia. Đây là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp Biển Đông và Biển Tây, với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước; hơn 360 ngàn km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam. Với vị trí này, đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện giao thương với các nước Đông Nam Á và đường hàng hải quốc tế, là vùng đất giàu tiềm năng du lịch.
Trước khi phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”, ngày 09-3-2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”. Đề án này xác định: “Phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng khu vực, từng địa bàn trong vùng, tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo điểm đến đặc trưng khu vực”. Trên cơ sở đó, Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” đã xác định hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và cấp quốc gia. “Thế giới sông nước Mê Kông” (Mekong Water World) của du lịch đồng bằng sông Cửu Long gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian bảo tàng lúa nước, bảo tàng ẩm thực đặc sắc Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo.
“Thế giới sông nước Mê Kông” là sự thể hiện những giá trị cốt lõi của du lịch đồng bằng sông Cửu Long với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước, biển đảo Đông - Tây Nam, là kết tinh của quá trình lịch sử lao động sáng tạo của bao thế hệ người đồng bằng, giàu bản sắc văn hóa Nam Bộ, thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hóa lịch sử, tạo ra nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị. “Thế giới sông nước Mê Kông” là một biểu hiện cụ thể của du lịch xanh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch xanh là gì? Tuy Luật Du lịch Việt Nam không nêu định nghĩa “du lịch xanh” nhưng có 3 khái niệm liên quan được nêu tại Điều 4 của luật này. Đó là: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch bền vững. Theo đó, “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững” ; “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”; “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai”.
Qua đó, có thể hiểu “du lịch xanh” là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Vì vậy, đề án du lịch có nội dung đặc sắc, sản phẩm du lịch dù có được nêu ra hấp dẫn đến mức nào, nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng thì không thể thành hiện thực. Ngược lại, sản phẩm du lịch, ngành du lịch phát triển sẽ đóng góp tích cực trở lại cho cộng đồng và góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng miền.
Du lịch xanh không chỉ là loại hình mà còn là sản phẩm du lịch. Khái niệm về sản phẩm du lịch đã được “luật hóa” trong Luật Du lịch. Đó là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch. Các dịch vụ đó bao gồm: lữ hành, dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin hướng dẫn và các dịch vụ có liên quan khác. Tuy nhiên, trong thực tế khái niệm về sản phẩm du lịch có góc nhìn rộng hơn, bao gồm các yếu tố vật chất và phi vật chất. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), sản phẩm du lịch là sự tổng hợp của 3 nhóm yếu tố cấu thành là: tài nguyên; hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; dịch vụ, quản lý và hình ảnh.
Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm được xây dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc đáo, có thể tương đồng, nhưng chứa đựng sự khác biệt với khả năng tạo sự hấp dẫn. Tính “khác biệt”, “độc đáo”, “hấp dẫn” của nó có thể từ thiên nhiên “ban tặng” (cảnh quan tự nhiên, khí hậu, thời tiết,…), nhưng cũng có thể do chính con người tạo ra (công trình kiến trúc, xây dựng, kiến tạo của con người, giá trị văn hóa, bản sắc vùng, miền...); được thể hiện thông qua các giá trị vật thể hoặc phi vật thể khác nhau. Một sản phẩm du lịch đặc thù cụ thể, có thể “hấp dẫn”, “độc đáo” với đối tượng này, nhưng có thể kém hấp dẫn với đối tượng khác. Điều đó tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, thị hiếu của du khách; vào việc tận dụng các “phân khúc thị trường du lịch” và thời điểm (mùa du lịch, lễ hội...). Song, yêu cầu xuyên suốt là phải bảo đảm yếu tố phát triển bền vững.
Dưới góc nhìn đó, câu hỏi đặt ra là: Đồng bằng sông Cửu Long có sản phẩm hoặc có thể xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù? Đó là những sản phẩm nào? Làm gì để phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long bền vững?
Với đặc thù miệt vườn sông nước, có hệ thống sông, kênh, rạch dài hơn 28.000km, có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước độc đáo, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, không chỉ về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống đến du lịch biển đảo chất lượng cao; có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác phát triển du lịch với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Theo số liệu thống kê, năm 2014, đồng bằng sông Cửu Long đón hơn 22,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,3% so với năm 2013; doanh thu đạt hơn 6.360 tỷ đồng, tăng 23,7%. Với tiềm năng, lợi thế và đà phát triển đó, vấn đề nổi lên là phải tạo ra được sự liên kết vùng mạnh mẽ và thực chất để phát triển du lịch bền vững.
Tính tất yếu và yêu cầu liên kết phát triển sản phẩm du lịch xanh đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thời gian qua, liên kết vùng ngày càng được được nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long quan tâm. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương trong vùng đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long hằng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển du lịch vùng; các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh, thành. Các địa phương trong vùng đã ký kết với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác du lịch. Sản phẩm du lịch “Một điểm đến bốn địa phương” được công bố năm 2012 và những nỗ lực phối hợp thực hiện là kết quả đáng ghi nhận của Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long và ngành du lịch các tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu - nơi chiếm hơn 70% lượng du khách toàn vùng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thúc đẩy liên kết vùng thông qua công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển ngành. Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23-01-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” chính là một nỗ lực quan trọng tăng cường liên kết phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long còn chưa được đầu tư đúng mức, khai thác chưa có hiệu quả. Theo nhận định của nhiều chuyên gia về du lịch, phát triển du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, còn thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa. Cách làm du lịch ở nhiều địa phương, nhìn chung, vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch của vùng; các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, khác biệt của từng địa phương. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững là “3 điểm yếu” đồng thời cũng là thách thức lớn nhất khiến cho du lịch “Đất Chín Rồng” khó tạo ra sự bứt phá để vươn lên.
Trong thực tế, vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng để du lịch đồng bằng sông Cửu Long phát triển thật sự hiệu quả. Các hoạt động liên kết thời gian qua vẫn chủ yếu là liên kết giữa chính quyền với chính quyền, thông qua việc ký kết các chương trình hợp tác, dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp” giữa các địa phương với nhau. Đó là sự cam kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Vấn đề quan trọng nữa là nội dung liên kết. Ngoài liên kết chính quyền, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông; quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành du lịch” và “sản phẩm du lịch đặc thù”. Trên cơ sở đó mới có thể có được sự phân công, phân vai trong liên kết, phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững.
Sản phẩm du lịch dù có tính đặc thù nhưng nó là kết tinh tổng hợp của nhiều yếu tố vật chất, phi vật chất, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chuỗi giá trị du lịch không thể “gói” trong không gian hành chính của một tỉnh, thành do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác để phát triển du lịch. Liên kết sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ đối với du lịch toàn vùng mà còn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến địa bàn liên kết nói chung, với tư cách là một điểm đến thống nhất và đến lãnh thổ của từng chủ thể liên kết nói riêng. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường, khi yếu tố cạnh tranh ngày một trở nên gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể hành chính trong mỗi vùng, mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Một chương trình liên kết vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng “lợi thế dùng chung” và tạo ra “sản phẩm du lịch xanh đặc thù của vùng” không chỉ là mục tiêu của một đề án mà còn là mong ước lớn lao của các địa phương và người dân đồng bằng sông Cửu Long. Liên kết vùng không chỉ những hoạt động ký kết hợp tác hay liên kết giữa chính quyền địa phương với nhau, mà quan trọng hơn là tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị ngành du lịch bền vững.
Một số giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới
Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã xác định 5 nội dung liên kết quan trọng, gồm: (1) Liên kết phát triển sản phẩm du lịch; (2) Xây dựng thương hiệu; (3) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; (4) Phát triển hạ tầng du lịch; (5) Liên kết xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng. Song, quan trọng hơn nội dung liên kết là giải pháp tổ chức thực hiện và phối hợp triển khai đề án với lộ trình, bước đi phù hợp.
Để tạo thế liên kết phát triển bền vững du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long - nhất là du lịch xanh - trong thời gian tới, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch chủ trì, tăng cường phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan thực hiện một số giải pháp sau:
Sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Theo đó, đề xuất chọn 3 vấn đề đột phá trong triển khai thực hiện đề án này là: (1) Xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; (2) Tạo nguồn lực vật chất đầu tư; (3) Phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Sớm thành lập Ban Chỉ đạo, điều phối và Văn phòng Ban Chỉ đạo, điều phối phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng Quy chế liên kết, điều phối và triển khai thực hiện; Kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình và bước đi, đặc biệt là những vấn đề cần ưu tiên thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016.
Xúc tiến hình thành Quỹ phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Ngoài nguồn ngân sách nhà nước (đầu tư hạ tầng, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, kinh phí thường xuyên của Bộ, các địa phương, Chương trình Hành động quốc gia về du lịch,…) cần nghiên cứu xây dựng, đề xuất, trình ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển du lịch. Việc hình thành và phát triển nguồn Quỹ này phải trên cơ sở gắn bó lợi ích thiết thực của các chủ thể liên quan (tổ chức, doanh nghiệp, người dân …) với lợi ích chung của ngành.
Kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “cluster - cụm ngành du lịch”: Trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và cấp quốc gia với sự tham gia của Nhà nước - với vai trò hoạch định cơ chế, chính sách, quy hoạch, tăng cường quản lý nhà nước, tạo môi trường du lịch; các hiệp hội ngành, nghề - với vai trò tập hợp, liên kết, hỗ trợ; các doanh nghiệp du lịch - với vai trò là hạt nhân quan trọng của các “cluster - cụm ngành du lịch”; các tổ chức, cá nhân làm du lịch, các cơ quan truyền thông và công chúng tham gia xây dựng sản phẩm du lịch với cách tiếp cận đa ngành.
Sản phẩm du lịch xanh đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng với hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch là 3 trụ cột của ngành “công nghiệp không khói” gắn bó cộng đồng, không gian du lịch vùng. Sự liên kết thực chất và mạnh mẽ đang được kỳ vọng sẽ giúp du lịch đồng bằng sông Cửu Long vượt qua thách thức để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.
Khắc phục tình trạng thông đồng trong đấu giá tài sản  (12/10/2015)
Chủ tịch nước gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ  (12/10/2015)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Ba Đình, Tây Hồ  (12/10/2015)
Mọi công dân Việt Nam đều có thể hiến kế cho sự phát triển của đất nước  (12/10/2015)
Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển mạnh mẽ nhờ biết phát huy tiềm năng, thế mạnh  (12/10/2015)
Công bố Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định  (12/10/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên