Chú trọng thiết lập báo cáo sự cố y khoa

Lê Hoàng
14:35, ngày 12-10-2015

TCCSĐT - Sự cố y khoa là điều không thể tránh ở trong bất cứ nền y tế quốc gia nào. Tại Mỹ, một quốc gia có nền y tế phát triển theo ước tính mỗi năm có khoảng 44.000 đến 98.000 ca tử vong liên quan đến sự cố y khoa. Tại những nước đang phát triển như Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu điều tra dịch tễ học, song sự cố y khoa cũng không kém phần nghiêm trọng hơn những nước phát triển bởi môi trường y tế có nhiều áp lực, căng thẳng, cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực còn thiếu thốn, quy trình chuyên môn phức tạp trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng.


Hằng ngày đối mặt với sự cố y khoa

Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về sự cố y khoa, song, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hằng ngày Bộ Y tế đều có công văn yêu cầu các sở y tế, bệnh viện làm rõ những nội dung liên quan đến sự cố y khoa. Sự cố y khoa ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh, còn ảnh hưởng đến tâm lý người thầy thuốc và uy tín, thương hiệu và doanh thu của các bệnh viện, đặc biệt là trong điều kiện các bệnh viện đang từng bước thực hiện cơ chế tự chủ như hiện nay. Vậy, làm sao để hạn chế sự cố y khoa, giảm thiểu những tác động do sự cố y khoa đem lại bắt buộc các bệnh viện, các cán bộ y tế, các nhà quản lý và đặc biệt là các cơ quan truyền thông, cộng đồng phải nhìn thẳng vào sự thật để đưa ra những giải pháp hiệu quả.

Theo Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, hiện nay, đa số các nhân viên y tế đều có tâm lý giấu hoặc không báo cáo về sự cố y khoa. Do đó, các bệnh viện không có số liệu về sự cố y khoa nên không đánh giá được những nguy cơ và đưa ra được những biện pháp dự phòng và can thiệp hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn người bệnh. Bác sĩ Đỗ Hiền Anh, Phòng Quản lý Chất lượng bệnh viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh chủ yếu gặp sự cố y khoa do năng lực chuyên môn thấp, còn tại các bệnh viện tuyến Trung ương do luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân đông, tần suất sử dụng máy móc, trang thiết bị cao nên cũng dễ mắc sai sót chuyên môn và tai biến y khoa.

Trên thực tế có rất nhiều sự cố y khoa khác nhau như sự cố y khoa liên quan đến quản lý người bệnh; sự cố y khoa liên quan đến thuốc, điều trị và thiết bị; sự cố y khoa liên quan đến chăm sóc (như dùng nhầm thuốc, truyền nhầm máu, tai biến do tiêm, truyền; người bệnh bị ngã trong thời gian nằm viện…); sự cố y khoa do phẫu thuật (nhầm vị trí trên người bệnh; nhầm người bệnh; sai phương pháp trên người bệnh; để sót dụng cụ…); sự cố y khoa do môi trường (bị bỏng, điện giật…); sự cố liên quan đến tội phạm (bắt cóc; lạm dụng tình dục đối với người bệnh…). Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản nhằm hạn chế sự cố y khoa như các quy chế chuyên môn, quy chế bệnh viện, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã ghi rõ những điều khoản về quyền lợi và lợi ích của người bệnh khi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, vấn đề báo cáo sự cố y khoa cũng như những giải pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn người bệnh thì vẫn là điều còn rất mới và đang ở những bước đi đầu tiên nhằm thay đổi ý thức về báo cáo sự cố y khoa.

Xây dựng hệ thống báo cáo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), công khai sự cố y khoa là thành tố quan trọng của Chương trình bảo đảm An toàn người bệnh và giảm áp lực cho các bệnh viện. Nếu bệnh viện không bảo đảm an toàn về chất lượng dịch vụ thì sẽ không có bệnh nhân. Do đó, trước hết là nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ của người hành nghề về an toàn người bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố y khoa nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh khi nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời xây dựng hệ thống báo cáo sự cố y khoa.

Mục đích của việc xây dựng hệ thống báo cáo sự cố y khoa nhằm thống kê và phân tích những nguyên nhân gốc và học tập, rút ra những kinh nghiệm từ các sự cố đã xảy ra, đồng thời qua đó đưa ra các giải pháp can thiệp thích hợp nhằm giảm thiểu sự cố y khoa và cải tiến. Mặc dù nhiều bệnh viện đã có hình thức khuyến khích, khen thưởng cán bộ báo cáo sự cố y khoa, song đa số vẫn còn tâm lý e ngại. Vì thế, các bệnh viện cần đưa ra nguyên tắc thống nhất trong toàn bệnh viện biết mục đích của báo cáo sự cố là “học hỏi từ thất bại”, người báo cáo phải được an toàn; tập trung khắc phục lỗi hệ thống và sử dụng báo cáo sự cố y khoa để học tập chứ không để xem xét kỷ luật.

Có 2 loại báo cáo đó là báo cáo tự nguyện (đối với những sự cố suýt xảy ra, sự cố nhẹ và vừa) và báo cáo bắt buộc đối với các sự cố nghiêm trọng); các bệnh viện cần khuyến khích tất cả các nhân viên y tế tự nguyện báo cáo bằng cách ghi thông tin vào phiếu và gửi về phòng quản lý chất lượng. Hiện nay, các bệnh viện đều đã có phòng, tổ quản lý chất lượng bệnh viện. Đơn vị này có nhiệm vụ là đầu mối nhận báo cáo sự cố y khoa; thống kê sự cố y khoa hằng quý và đưa ra cảnh báo; lưu giữ và bảo mật các thông tin, tài liệu sự cố y khoa. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý và phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, hạn chế tối đa các sự cố y khoa có thể phòng ngừa được, đồng thời tạo hành lang pháp lý và thúc đẩy triển khai các hoạt động phòng ngừa sự cố y khoa… Song song với đó, Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cũng bổ sung những tiêu chí về an toàn người bệnh nhằm bảo đảm người bệnh không chỉ được chăm sóc, điều trị an toàn, hiệu quả.

Sự cố y khoa là điều không ai mong muốn, song nhìn nhận và xử lý như thế nào để lần sau không còn tái diễn sự cố đó chính là mong muốn không chỉ của các cơ sở khám, chữa bệnh mà còn của cả hơn 90 triệu người dân Việt Nam./.