Họp báo về kết thúc đàm phán TPP
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho biết những nội dung quan trọng của TPP.
Về dệt may, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này về dài hạn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các doanh nghiệp tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo danh mục này, các doanh nghiệp sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
Trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, nghĩa vụ chính là không phân biệt đối xử, bao gồm (i) không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau (dành đãi ngộ tối huệ quốc) và (ii) không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ nước ngoài (dành đãi ngộ quốc gia). Nước nào có nhu cầu phân biệt đối xử thì bảo lưu biện pháp phân biệt đối xử đó trong Phụ lục kèm theo Hiệp định. Với mục tiêu thu hút mạnh đầu tư vào khu vực TPP (chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu), các nước đặt ra kỳ vọng rất cao cho lĩnh vực dịch vụ - đầu tư. Các cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam về cơ bản là tương đương với mức độ mở cửa hiện hành.
Về mua sắm của các cơ quan Chính phủ, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Các quy tắc này không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh - quốc phòng, các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định và các trường hợp khác mà ta bảo lưu trong đàm phán. Kết quả đàm phán mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực mua sắm của các cơ quan Chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.
Về doanh nghiệp nhà nước, các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các doanh nghiệp nhà nước này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định.
Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Với các doanh nghiệp nhà nước khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP. Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về doanh nghiệp nhà nước khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, TPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là với dược phẩm. Đồng thời, các nước cũng cần có cơ chế thực thi hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên lãnh thổ nước mình, kể cả tại biên giới và trong môi trường internet. Đặc biệt, phải có quy định cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Cách tiếp cận này đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO (chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính). TPP cũng yêu cầu các nước cho phép khả năng xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới xuất hiện như thiết kế các phần mềm phá mã điện tử để phục vụ sao chép lậu, câu trộm để phát tán tín hiệu truyền hình cáp,…
Về thuế xuất khẩu, Hiệp định TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước (được mua nguyên liệu với giá rẻ). Việt Nam đồng ý với nỗ lực này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại than đá ta có sản xuất trong nước.
Về thương mại và môi trường, TPP đưa ra các yêu cầu sau: Cam kết bảo vệ môi trường theo các quy định của các điều ước quốc tế đã hoặc sẽ tham gia, có chế tài trong trường hợp vi phạm; Không áp dụng các hình thức trợ cấp nghề cá gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài thủy sản đang bị đánh bắt quá mức, nhưng có lộ trình để rà soát lại chính sách và điều chỉnh chính sách, nếu cần; Theo đúng các quy định trong nước, đưa ra hình thức phù hợp để hợp tác xử lý vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ngoài.
Về thương mại điện tử, TPP đặt ra các yêu cầu chính sau: Không phân biệt đối xử sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu/phí nội địa đối với sản phẩm số; Quyền truy cập, lưu chuyển thông tin trên internet; Nếu không phải vì các mục tiêu công cộng chính đáng thì không yêu cầu đặt trang thiết bị (máy chủ) tại nước sở tại như là điều kiện để cấp phép đầu tư hay cung cấp dịch vụ . Mọi biện pháp quản lý internet nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục vẫn được phép áp dụng.
Về minh bạch hóa và chống tham nhũng, các nước TPP đưa ra nhiều nguyên tắc về tăng cường minh bạch hóa như đăng tải mọi dự thảo pháp luật trên một trang thông tin điện tử duy nhất, cho phép khu vực doanh nghiệp tham gia ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách, cho phép các đối tượng có quan tâm được đóng góp ý kiến vào các nội dung được thảo luận ở các Ủy ban của TPP trong tương lai,...
Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao hơn.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định TPP có thể chính thức có hiệu lực từ 18 tháng đến 24 tháng tới. Sau ít nhất 1 tháng kể từ khi kết thúc đàm phán (ngày 05-10) Hiệp định này sẽ được 12 nước thành viên công bố về nội dung một cách rộng rãi, nhất quán và cùng thời điểm để lấy ý kiến sau đó mới tiến hành ký kết./.
Kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí 17 thế giới vào năm 2025  (10/10/2015)
Người dân có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng cùng một mức giá dịch vụ khám chữa bệnh  (10/10/2015)
Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc ngày 12-10  (10/10/2015)
Đề xuất mở rộng thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội  (10/10/2015)
Phó Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng Bộ trưởng Lào  (10/10/2015)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay