TCCSĐT - Ngày 02-10-2015, khóa 30 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã bế mạc Geneva (Thụy Sĩ).

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Mỹ

 

Các Bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán ở Maui, Hawaii ngày 31-7. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30-9-2015 (rạng sáng ngày 01-10 theo giờ Hà Nội), Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khai mạc tại thành phố Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia ở Đông Nam nước Mỹ.

Trọng tâm chương trình nghị sự của Hội nghị kéo dài hai ngày này là tìm cách thu hẹp các bất đồng trong một loạt vấn đề then chốt vốn đã khiến vòng đàm phán cấp bộ trưởng mới nhất diễn ra cuối tháng 7 vừa tại Hawaii không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Đó là việc Mỹ hạn chế nhập khẩu một số linh kiện ô tô từ Nhật Bản, vấn đề Mỹ và Canada mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm thế hệ mới. Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand John Key đánh giá vòng đàm phán này là cơ hội tốt để hoàn tất TPP, đồng thời cảnh báo các hệ quả tiêu cực trên phương diện chính trị nếu quá trình đàm phán kéo dài.

Người di cư sang châu Âu dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2015 - 2016

 

Người di cư chờ lên tàu tại Nickeldorf, biên giới giữa Áo với Hungary để tới Salzburg. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 01-10-2015, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cơ quan này dự kiến sẽ đón nhận khoảng 700.000 người di cư và tị nạn đến châu Âu thông qua các tuyến đường biển trên Địa Trung Hải trong năm nay và có kế hoạch tiếp nhận một số lượng tương đương vào năm 2016. Người phát ngôn UNHCR Adrian Edwards khẳng định các số liệu này dựa trên số người đang mong muốn tị nạn tại châu Âu bằng cách vượt Địa Trung Hải.

Trong diễn biến liên quan, tình trạng xung đột và bạo lực tại các trung tâm tị nạn đang đặt ra nhiều vấn đề an ninh cho các quốc gia tiếp nhận. Cũng trong ngày 01-10, cảnh sát Đức cho biết khoảng 200 người tị nạn Syria và Afghanistan tại một trung tâm cứu trợ ở Hamburg đã xô xát, khiến 4 người bị thương. Đây là vụ đụng độ thứ ba chỉ trong vòng một tuần tại các trung tâm tị nạn của Đức, điểm đến hàng đầu tại châu Âu của người tị nạn và nhập cư hiện nay. Theo dự báo, Đức sẽ tiếp nhận khoảng 1 triệu người nhập cư và tị nạn trong năm 2015. Cùng ngày, Hy Lạp đã phải mở lại một trung tâm thể thao nằm trong tổ hợp Olympic Athens 2004 nhằm cung cấp chỗ ở cho hàng trăm người di cư đang phải ngủ qua đêm trên các đường phố thủ đô nước này. Hệ thống xe buýt thành phố cũng đã vận chuyển khoảng 400 người nhập cư Afghanistan từ quảng trường trung tâm Victoria đến trung tâm thể thao nói trên.

Khóa 30 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nhiều dự thảo bảo vệ quyền con người

 

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Liên hợp quốc/TTXVN

Ngày 02-10-2015, khóa 30 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã bế mạc Geneva (Thụy Sĩ). Có tất cả 21/32 dự thảo được thông qua bằng đồng thuận có nội dung liên quan đến những vấn đề được cộng đồng quan tâm trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đáng chú ý có các nghị quyết về chính sách quốc gia và quyền con người, các thể chế hợp tác khu vực và nhân quyền, quyền y tế của người bản địa, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, phòng chống đại dịch và quyền con người, hợp tác quốc tế trong bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người di cư…

Hội đồng Nhân quyền cũng đồng thuận thông qua các dự thảo nghị quyết về hỗ trợ kỹ thuật cho một số quốc gia đang có hoặc đã trải qua xung đột vũ trang, như Yemen, Somalia, Campuchia, Cộng hòa Trung Phi,…; tăng cường hòa giải dân tộc và tái thiết tại Sri Lanka. Hội đồng Nhân quyền cũng đã bỏ phiếu thông qua 11 dự thảo nghị quyết liên quan đến nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế còn có ý kiến đa chiều, trong đó có dự thảo nghị quyết về tình hình Syria, và các dự thảo về công tác chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và quyền con người, quyền hòa bình, quyền phát triển, quyền nông dân, việc sử dụng lính đánh thuê,…

Nhóm “Bộ Tứ Normandy” bắt đầu đàm phán tại Paris

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa, phải) tại cuộc gặp song phương trước thềm hội nghị ngày 02-10. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 02-10-2015 (theo giờ Việt Nam), lãnh đạo các nước nhóm “Bộ Tứ Normandy” (gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp) đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh tại Điện Elysee ở Thủ đô Paris của Pháp nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Đây là lần thứ ba kể tháng 6-2014, lãnh đạo các nước này tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh trong khuôn khổ nhóm “Bộ Tứ Normandy”. Tham gia đàm phán có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Sau các cuộc gặp riêng rẽ, các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp bước vào cuộc đàm phán tại Điện Elysee, gồm hai phần đàm phán kín và mở rộng. Ngay trước cuộc đàm phán, Điện Kremlin bày tỏ hi vọng cuộc đàm phán lần này sẽ tạo động lực mới cho việc thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk về Ukraine. Tổng thống Nga V. Putin trước đó cũng tin tưởng sẽ tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này. Trong khi đó, hãng tin TASS của Nga dẫn lời một quan chức Pháp nhận định sự thành công của cuộc gặp lần này phụ thuộc nhiều vào quan điểm của phía Ukraine, đặc biệt là cá nhân Tổng thống P. Poroshenko. Cũng theo nguồn tin này, một trong những mục tiêu chủ yếu của cuộc đàm phán ở Paris là vấn đề bảo đảm quy chế tự trị cho Donbass.

WB: Tỷ lệ nghèo cùng cực lần đầu tiên giảm xuống dưới 10%

 

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ lệ nghèo cùng cực trên thế giới có thể sẽ lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 10% trong năm 2015. Ảnh: TTXVN

Ngày 04-10-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ lệ nghèo cùng cực trên thế giới có thể sẽ lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 10% trong năm 2015. Trong năm nay có khoảng 702 triệu người, tương đương 9,6% dân số trên thế giới, sống dưới chuẩn nghèo, chủ yếu ở châu Á và khu vực Nam Sahara của châu Phi. Số liệu này giảm mạnh so với 902 triệu người nghèo, chiếm 13% dân số toàn cầu, trong năm 2012. Năm 1999, số người nghèo cùng cực trên thế giới chiếm tới 29%. Dự báo của WB dựa trên ngưỡng nghèo mới công bố, theo đó quy định một người bị liệt vào diện nghèo cùng cực nếu thu nhập ở mức 1,90 USD/ ngày. Trước đó, ngưỡng nghèo là dưới 1,25 USD/ ngày.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhận định số người nghèo cùng cực trên toàn cầu giảm là nhờ kết quả tăng trưởng khả quan của các nền kinh tế đang phát triển, việc gia tăng đầu tư cho giáo dục và y tế, cũng như các mạng lưới an toàn xã hội giúp hàng triệu người thoát nghèo. Mặc dù đưa ra dự báo lạc quan về tình trạng nghèo đói trên thế giới, song WB đồng thời cho rằng “vẫn còn nhiều thách thức lớn” trong mục tiêu tới năm 2030 chấm dứt đói nghèo. Ông Kaushik Basu, chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB, cảnh báo tình trạng giảm tốc và triển vọng tăng trưởng “không mấy ấn tượng” của các nền kinh tế đang phát triển trong tương lai gần, đặc biệt tại khu vực Mỹ Latinh, sẽ tạo ra những thách thức mới trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu./.