Sáng 25-9, tại trụ sở Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại phiên Đối thoại cấp cao về xóa đói, giảm nghèo.

Sự kiện này thu hút sự tham gia của lãnh đạo cấp cao nhiều nước vì là chủ đề ưu tiên cao nhất và cũng là mục tiêu được quan tâm nhiều nhất trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong xóa đói, giảm nghèo và nhấn mạnh tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh từ trên 58% năm 1993 xuống còn hơn 8% năm 2014.

Từ kinh nghiệm của Việt Nam trong thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Phó Thủ tướng cho rằng để xóa nghèo bền vững cần có cách tiếp cận đa chiều như Việt Nam đã áp dụng trong xây dựng Đề án mới về giảm nghèo.

Bên cạnh việc lồng ghép giảm nghèo trong các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức của xã hội và tăng cường năng lực vượt khó, tự vươn lên của người nghèo, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, các vùng, địa phương nghèo và thiệt thòi nhất.

Để hỗ trợ tích cực nỗ lực của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy các quan hệ hợp tác, đối tác toàn cầu vì phát triển, trong đó Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò tư vấn, thúc đẩy và điều phối quan trọng.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng với các Thủ tướng Đức, Na Uy, Kenya và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tham gia phát biểu chính tại cuộc thảo luận chuyên đề “Từ đối thoại toàn cầu đến hành động toàn cầu - Thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thành công trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, trong đó có sự cam kết chính trị từ cấp cao nhất với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bộ, ngành liên quan để tạo sức mạnh tổng hợp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công sự nghiệp phát triển là phải có môi trường hòa bình, ổn định. Quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ ở Việt Nam thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Liên hợp quốc và các nhà tài trợ dành cho Việt Nam thời gian qua và đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thời gian tới thông qua việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực./.