Ngày 21-9-2015, tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Mogens Lykketoft tuyên bố tất cả các quốc gia trên thế giới đều có nghĩa vụ phải tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng người tị nạn trên toàn cầu.
Ông M. Lykketoft nhấn mạnh rằng rõ ràng là cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải trợ giúp những người dân và những trẻ em đang tìm cách trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và bạo lực."

Tại buổi họp báo diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nói: "Thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn chưa từng có kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần ở Bắc bán cầu, cuộc khủng hoảng đó sẽ càng tồi tệ hơn." Ông cho biết thêm, những câu chuyện bi thảm và những bức ảnh gây xúc động mạnh mà báo chí đăng tải chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - cuộc khủng hoảng người tị nạn trên thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều mà chỉ có sự hợp tác đa phương và sự lãnh đạo toàn cầu mới có thể giải quyết được. Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu.

Ngày 21-9, giới chức Mỹ cho biết nước này sẽ viện trợ bổ sung 419 triệu USD để giúp những dân thường bị kẹt trong cuộc nội chiến ở Syria. Quyết định trên được đưa ra sau khi Washington bị chỉ trích là đã không giúp đỡ một cách đầy đủ những người tị nạn tại quốc gia Trung Đông này. Dự kiến khoản viện trợ bổ sung này sẽ được chia sẻ giữa các cơ quan của Liên hợp quốc , hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, các chính phủ trong khu vực và sẽ được chi cho cả người tị nạn ở Syria cũng như các trại tị nạn ở những quốc gia láng giềng tại Trung Đông.

Trong khi đó, dự kiến từ ngày 23 đến ngày 25-9 tới, khoảng 3.000 người tị nạn sẽ liều mạng vượt qua cửa ngõ của khu rừng Heumensoord, nằm bên ngoài thành phố Nijmegen, thuộc phía Đông Hà Lan và tiếp giáp với Đức.

Đối phó với tình trạng này, Chính phủ Hà Lan cũng đang chuẩn bị thiết lập trại tị nạn để tiếp nhận những người di cư này. Cũng trong ngày 21-9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã kêu gọi châu Âu trực tiếp đón nhận người tị nạn ở ngay tại những khu vực khủng hoảng để giúp họ tránh bọn buôn người - những kẻ đòi khoản tiền lớn cho những chuyến hành trình nguy hiểm tới "lục địa già."

Cuối tuần trước, dòng người di cư đổ vào Đức đã tăng chậm lại, chỉ còn khoảng 7.000 người, so với mức tương ứng trung bình của hai tuần trước đó là 20.000 người. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ngày 13-9, Chính phủ Đức áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới, trước khi Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc cũng đưa ra các biện pháp tương tự.

Mặc dù số ngân sách chi cho cuộc khủng hoảng di cư đang ngày một gia tăng, song Bộ trưởng Tài chính Đức Thomas Steffen khẳng định rằng nước này vãn kiên trì theo đuổi mục tiêu cân bằng ngân sách trong năm nay và năm sau. Theo Bộ Tài chính Đức, Chính phủ liên bang đã chi 3 tỷ euro trong ngân sách 2016 cho chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương để làm chi phí tiếp nhận người tị nạn, 3 tỷ euro khác dành cho các chương trình liên bang.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã chặn dòng người di cư tìm cách tới châu Âu qua đường đất liền. Thành phố Edirne của Thổ Nhĩ Kỳ, nằm cách biên giới Hy Lạp 10 km và cách biên giới của Bulgaria 20 km, đã trở thành điểm tập trung mới của người di cư đang tìm cách tới châu Âu.

Lãnh đạo thành phố này từng cảnh báo rằng bất cứ người di cư nào tìm cách đi qua khu vực do ông kiểm soát để xâm nhập trái phép châu Âu sẽ bị đưa trở lại các trại tị nạn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Hungary cùng ngày đã đăng quảng cáo trên báo chí Liban, trong đó cảnh báo rằng người dân di cư không được xâm nhập trái phép nước này nếu không sẽ bị tống giam.

Trong một diễn biến khác, quan chức phụ trách điều phối người tị nạn của Liên hợp quốc, ông Dominik Bartsch cho biết Liên hợp quốc không còn tiền để trợ giúp người tị nạn ở Iraq. Theo Liên hợp quốc, hiện có hơn 3 triệu người Iraq phải rời bỏ quê hương để tránh những hành động bạo lực của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ông Bartsch cho biết trong nửa cuối năm 2015 Liên hợp quốc cần 500 triệu USD để trợ giúp người dân những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nước uống, song các nhà tài trợ mới chỉ chuyển cho Liên hợp quốc 40% số tiền đã cam kết.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 21-9 cũng ra tuyên bố kêu gọi các nước châu Âu thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó có công nhận quyền được xin tị nạn. Tổng thư ký bày tỏ quan ngại trước việc một số nước châu Âu đóng cửa đường biên giới, không cung cấp nơi cư trú thỏa đáng và thậm chí giam cầm những người nhập cư bất hợp pháp và xin tị nạn./.