Vào thời điểm quan hệ hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra một tầm nhìn mới cho phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nội các Shinzo Abe, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 ngày 18-9-2015.

Kết thúc chuyến thăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã trả lời phỏng vấn báo chí, đánh giá về ý nghĩa và kết quả chuyến thăm.

Thưa ông, chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Trong 4 ngày, Tổng Bí thư đã có một chuyến thăm cực kỳ bận rộn với lịch hoạt động dày đặc ở Nhật Bản. Xin ông cho biết đánh giá về ý nghĩa và những kết quả chính của chuyến thăm?

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân: Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng ta, là sự kiện rất quan trọng được cả hai bên mong chờ bởi sau khá nhiều năm. Đây là chuyến thăm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tới Nhật Bản.

Vào thời điểm quan hệ hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác, chuyến thăm mở ra một tầm nhìn mới cho phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, thể hiện một bước phát triển mới, tích cực và vững chắc của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Cũng cần nói thêm rằng Nhật Bản hết sức coi trọng chuyến thăm, chuẩn bị kỹ lưỡng, thực chất, đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nghi lễ cao nhất. Xin ví dụ, Bộ trưởng Ngoại giao đã đến chào Tổng Bí thư, toàn bộ Nội các Nhật Bản, kể cả Phó Thủ tướng tham dự Lễ đón chính thức.

Các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc diễn ra trong không khí rất chân thành, tin cậy và thực chất. Ngoài chiêu đãi chính thức tại dinh thự Thủ tướng, còn có chiêu đãi của Chủ tịch Hạ viện tại dinh thự riêng. Những ngoại lệ này phần nào nói lên sự tin cậy, tôn trọng và coi trọng cao của Nhật Bản với Việt Nam.

Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước. Trong thời gian 4 ngày, Tổng Bí thư đã có một chương trình làm việc dày đặc, phong phú với 26 hoạt động, gồm các hoạt động chính thức với Thủ tướng Shinzo Abe, hội kiến Nhật Hoàng và các nhà lãnh đạo Nhật Bản, gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội và các chính đảng lớn của Nhật Bản, tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn, và đi thăm tỉnh Kanagawa.

Có thể nhấn mạnh một số kết quả chủ yếu của chuyến thăm:

Thứ nhất, chuyến thăm đã góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Hai bên thấy rõ vai trò của nhau, khẳng định coi trọng quan hệ song phương, cùng nỗ lực thúc đẩy toàn diện và sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao; mở rộng và đi vào chiều sâu thực chất các cơ chế hợp tác đối thoại hiện có. Nhật Bản khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam với vai trò là đối tác quan trọng ở khu vực. Ta khẳng định chủ trương nhất quán coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam.

Thứ hai,
trong chuyến thăm, hai bên trao đổi sâu rộng và nhất trí tăng cường hợp tác và thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, coi đó là nền tảng quan trọng của quan hệ giữa hai nước với ba trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển, kết nối năng lực sản xuất và kết nối nguồn nhân lực. Nhật Bản cam kết 100 tỉ yên ODA cho 3 dự án quan trọng và hứa xem xét tích cực cung cấp 300 tỉ yên ODA trong năm 2015. Hai bên đã ký “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp”, một lĩnh vực đầy tiềm năng của hai nước. Nhật Bản cũng tuyên bố mở cửa thị trường cho quả xoài Việt Nam. Đây là những kết quả hợp tác rất thực chất.

Thứ ba, hai nước cũng nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác, bao gồm văn hóa, giao lưu nhân dân, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ... nhất trí tăng cường hợp tác, đẩy mạnh giao lưu quốc phòng, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Thủ tướng S.Abe khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực về các vấn đề cùng quan tâm.

Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao việc Nhật Bản đã rút ra những bài học lịch sử, cam kết nhất quán đi theo con đường phát triển hòa bình; ủng hộ Nhật Bản có vị trí xứng đáng và đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tầm nhìn và những định hướng lớn, những nội dung hợp tác cụ thể đạt được qua chuyến thăm thể hiện trong Tuyên bố chung và với 10 văn kiện được ký kết, sẽ tạo động lực để phát triển toàn diện và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả và sâu sắc hơn.

Thưa ông, như vậy, một trong những kết quả quan trọng của chuyến thăm là hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế. Xin ông đánh giá về triển vọng của nội dung hợp tác rất quan trọng này?


Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân: Đây đúng là một kết quả rất quan trọng đã đạt được trong chuyến thăm lần này. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế theo hướng lâu dài, bền vững; làm rõ được nội hàm của kết nối kinh tế, đó là mức độ cao hơn hợp tác kinh tế thông thường, theo đó hai nước sẽ:

Thứ nhất, khai thác các yếu tố bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là về lực lượng lao động, tài nguyên, vốn, khoa học, công nghệ... Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển với ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, trong khi đó Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào và một thị trường đầy tiềm năng. Hai nước có thể phát huy tối đa những lĩnh vực có lợi thế so sánh, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, như công nghiệp phụ trợ, nông-lâm-ngư nghiệp. Đây chính là kết nối năng lực sản xuất và kết nối nguồn nhân lực giữa hai nước.

Thứ hai, thiết lập và gia tăng sự đan xen lợi ích kinh tế giữa hai nước. Nhật Bản đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc Đổi mới. Thủ tướng S.Abe khẳng định là hợp tác tích cực với Việt Nam trong việc sử dụng Quỹ tín dụng 110 tỉ USD của Sáng kiến đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Hai nước đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do trình độ cao ở khu vực. Quy mô, mức độ hợp tác ngày càng gia tăng và các cam kết hội nhập chung trong các cơ chế hợp tác khu vực thể hiện sự đan xen lợi ích kinh tế ngày càng lớn giữa hai nước.

Thứ ba,
bảo đảm hợp tác kinh tế giữa hai nước có tính chất ổn định và lâu dài. Hai nước hợp tác hỗ trợ nhau trong việc quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế bền vững theo hướng bổ sung tiềm lực và lợi thế cho nhau trên một số lĩnh vực then chốt. Đây chính là kết nối chiến lược phát triển kinh tế.

Trên thực tế, những yếu tố trên đã phần nào hiện hữu trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Điều cần nói là, qua chuyến thăm lần này, hai bên đã đạt được quyết tâm chính trị cao để đẩy nhanh các nhân tố đang có, bổ sung các yếu tố tiềm năng, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình kết nối hai nền kinh tế diễn ra nhanh chóng. Đây là một bước phát triển quan trọng về hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư có bài phát biểu rất quan trọng về tầm nhìn phát triển quan hệ hai nước tại cuộc gặp gỡ với đại diện các tầng lớp xã hội của Nhật Bản. Tổng Bí thư đã khái quát định hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới là “tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai.” Xin ông cho biết một số điểm nổi bật của cuộc trao đổi quan trọng này?

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân: Đây là bài phát biểu rất quan trọng của Tổng Bí thư tại cuộc gặp gỡ với gần 500 đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản, trong đó có các cựu Thủ tướng, rất nhiều nghị sỹ, lãnh đạo các chính đảng và nhiều quan chức cấp cao, lãnh đạo các tập đoàn. Bài phát biểu phản ánh tầm nhìn quan hệ, đề cập nhiều vấn đề sâu sắc trong quan hệ hai nước và tình hình quốc tế, khu vực:

Khẳng định quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bắt nguồn từ “rất lâu trong lịch sử” và đã trải qua những thăng trầm. Tuy nhiên, hai dân tộc đã vượt qua những trở ngại của quá khứ, tiến về phía trước bằng tinh thần hòa hiếu, khoan dung, hướng tới tương lai, qua đó càng thấy ý nghĩa sâu sắc của thành quả quan hệ hiện nay. Khắc họa mối quan hệ lịch sử như là một nền tảng của quan hệ hai nước.

Đánh giá sâu sắc quan hệ hai nước thời gian qua, nhất là trong hơn 20 năm gần đây, đã có những bước tiến rất mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc, mở ra thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử bang giao giữa hai nước; đã đạt đến khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Quan hệ chính trị tin cậy ngày càng được tăng cường. Hợp tác kinh tế trở thành một điểm sáng nổi bật. Trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân được thúc đẩy mạnh mẽ và phong phú. Hợp tác trên các lĩnh vực khác được mở rộng không ngừng. Nhân dân hai nước luôn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp và chân thành.

Nhìn nhận tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh chóng và phức tạp. Trong thế giới ngày nay, lợi ích của các quốc gia ngày càng gắn kết, đan xen, các thách thức nổi lên cũng là thách thức chung của tất cả các nước. Mỗi quốc gia càng cần thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế; cần tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Khái quát tầm nhìn cho phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian tới; nhấn mạnh với sự gắn bó về tình cảm, tương đồng về văn hóa và tương đồng về lợi ích, quan hệ hai nước nhất định sẽ tiếp tục những trang sử mới tươi sáng đáp ứng sự mong mỏi của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Nêu rõ chủ trương thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trích dẫn câu nói của nhà tư tưởng nổi tiếng Nhật Bản Yoshida Shoin “Thành tâm hợp tác tất có thành quả tốt đẹp” và bày tỏ mong muốn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ trở thành mối quan hệ “tâm đầu ý hợp”, “tin cậy” và “đồng cảm.”

Bài phát biểu quan trọng này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được sự quan tâm và đánh giá rất cao của cử tọa. Sau khi nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư, nhiều nhân sỹ nổi tiếng của Nhật Bản đã nêu cảm nhận cho rằng đây là một bài phát biểu rất sâu sắc và có tầm chiến lược cao.

Trong bài viết về chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư đăng trên báo Japan Times, ông có nhấn mạnh “những chuyến thăm các cường quốc hàng đầu thế giới trong năm nay của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam đang triển khai một cách tích cực và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ và đưa các mối quan hệ đối ngoại với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Xin ông làm rõ thêm về nhận định này?

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân:
Đường lối đối ngoại xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ Đổi mới là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ. Những năm gần đây, chúng ta nhấn mạnh thêm yêu cầu đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu. Các chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong năm nay thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại này.

Độc lập, tự chủ, vì chúng ta thúc đẩy quan hệ với các nước trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc; trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Đây cũng là nhằm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các đối tác quan trọng của ta, cũng như đa dạng hóa, đa phương hóa các lĩnh vực hợp tác với các nước đối tác này.

Các chuyến thăm quan trọng là biểu hiện sinh động của việc triển khai chủ trương đối ngoại đưa các mối quan hệ với các nước đi vào chiều sâu. Qua các chuyến thăm, quan hệ của ta với ba cường quốc hàng đầu thế giới đã được tăng cường, củng cố.

Với Trung Quốc, chúng ta đã từng bước khôi phục hoàn toàn các lĩnh vực hợp tác và định hướng quan hệ hai nước phát triển theo quỹ đạo lành mạnh, tích cực. Với Hoa Kỳ, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư là dấu mốc quan trọng mở ra một chương mới, tạo nền tảng chính trị để đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Với Nhật Bản, chuyến thăm lần này mở ra một tầm nhìn mới, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Có thể khẳng định các chuyến thăm rất thành công của Tổng Bí thư năm nay đã đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng của đất nước vào chiều sâu, nâng cao đáng kể vị thế quốc tế của Đảng ta, đất nước ta, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.