Tây Ninh sau 4 năm xây dựng nông thôn mới
TCCSĐT - Sau 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Tây Ninh đã tạo ra được diện mạo mới cho nông thôn, rút ra nhiều kinh nghiệm quý, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để thực hiện mục tiêu hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới mà tỉnh đề ra.
Triển khai thực hiện Chương trình rộng khắp, đa dạng
Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tỉnh Tây Ninh nhanh chóng triển khai thành lập các ban chỉ đạo, ban quản lý và bộ phận giúp việc ở các cấp. Cấp tỉnh, huyện do đồng chí Chủ tịch UBND kiêm nhiệm Trưởng ban, tại xã đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm trọng trách này.
Hệ thống chính trị của tỉnh rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định cho sự thành công xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã biên soạn, phát hành bộ tài liệu phục vụ Chương trình gồm 36.000 sổ tay hỏi, đáp và 90.500 tờ rơi có nội dung phù hợp cho học tập, tập huấn nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo và tổ chức 22.410 cuộc tuyên truyền có trên 1 triệu lượt người tham dự. Hình thức tuyên truyền được lồng ghép với triển khai, học tập các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các buổi tiếp xúc cử tri... Mặt trận Tổ quốc triển khai thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” gắn với tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội triển khai nhiều phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Cựu chiến binh tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Tây Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành trên 300 đĩa tuyên truyền cổ động; lắp đặt hàng nghìn pa-nô, băng- rôn, tờ rơi; tổ chức 342 buổi tuyên truyền tại cơ sở; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác tân cổ nhạc với chủ đề “Tây Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới” cùng nhiều buổi văn nghệ quần chúng. Sở Thông tin và Truyền thông mở chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh dành thời lượng thích đáng, với lượng phát sóng thường xuyên phản ánh kịp thời những diễn biến của quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc thực hiện chuyên trang cho nông thôn mới, báo Tây Ninh vẫn dành thêm nhiều tin đăng trên chuyên mục “Nông nghiệp, nông thôn”...
Tỉnh đã mở hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, đã có hơn 5.000 lượt cán bộ tham gia. Nội dung đào tạo hướng dẫn công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo Chương trình cùng với quản lý, sử dụng nguồn vốn.
Sau 4 năm triển khai Chương trình, toàn tỉnh đã huy động được 5.617,549 tỷ đồng phục vụ cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó: vốn ngân sách 2.464,543 tỷ đồng, vốn tín dụng 2.548,522 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 496,878 tỷ đồng và vốn dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng đạt 107,606 tỷ đồng.
Diện mạo nông thôn mới đã khởi sắc
Về công tác quy hoạch và đề án xây dựng xã nông thôn mới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tính đến cuối năm 2013, tất cả các xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, các xã nhanh chóng tiến hành công khai các quy hoạch, đề án cho nhân dân trên địa bàn biết, đồng thời xây dựng quy định, quy chế quản lý quy hoạch để triển khai thực hiện Chương trình.
Bước đầu, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có hiệu quả. Phát triển giao thông nông thôn được xác định làm khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho người dân đi lại và phục vụ sản xuất, nên trong 4 năm qua, tỉnh đã đầu tư lĩnh vực này đến 940,2 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp trên 613km đường giao thông nông thôn. Nhằm phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống các công trình thủy lợi đã được đầu tư 76,68 tỷ đồng thực hiện kiên cố, nạo vét 41,25 km kênh mương. Ngành điện đầu tư 413 tỷ đồng thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây mới 103,2 km đường dây trung thế, 218 km đường dây hạ thế, nhờ vậy tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn, thường xuyên từ các nguồn đạt 99,48%. Tỉnh đã thực hiện xây mới, nâng cấp 9 trung tâm văn hóa, 25 nhà văn hóa đạt chuẩn quy định. Từ năm 2011 đến nay, xây dựng thêm được 9 chợ, nâng tổng số chợ trong tỉnh lên 107 chợ, hầu hết các chợ đều phát huy hiệu quả sau khi được đầu tư. Bảo đảm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông cho người dân. Bằng vốn ngân sách và nguồn vận động từ cá nhân, tập thể đã hoàn thành đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Chương trình 167, hỗ trợ xây tặng 3.638 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 138 căn.
Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong những năm qua ngành nông nghiệp dù phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, giá cả nông sản, con giống, vật tư nông nghiệp thay đổi bất thường nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng trưởng ổn định, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, ứng dụng khoa học - công nghệ được mở rộng. Giá trị sản xuất tăng bình quân 5,23%/năm; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,31%/năm, lâm nghiệp giảm 0,49%/năm, thủy sản tăng 7,16%/năm. Công tác củng cố, phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã luôn được chú trọng, toàn tỉnh hiện có 1.746 tổ hợp tác, với 59.164 thành viên, thu nhập bình quân của mỗi thành viên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng; 93 hợp tác xã, thu hút 43.863 thành viên, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 4 triệu đồng/tháng. Để góp phần giải quyết việc làm cho nông dân, tỉnh tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, đã mở được 757 lớp cho 23.503 học viên, sau khi kết thúc khóa học có 17.375 học viên tìm được việc làm. Tỉnh triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, đã hỗ trợ 490 máy móc, thiết bị cho 826 hộ nghèo với tổng kinh phí 2.516 triệu đồng.
Về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường. Tỉnh đã thực chi 1.013 tỷ đồng để kiên cố hóa 1.346 phòng học, xây dựng 67 trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay đã có 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông và trung cấp nghề đạt 82%, tỷ lệ qua đào tạo dạy nghề đạt 57%. Với việc tăng cường đầu tư 135,64 tỷ đồng cho hệ thống y tế, nên 100% xã đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 57,6%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh, toàn tỉnh có 93,52% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 94,46% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa. Tỉnh đầu tư cho nước sạch và vệ sinh môi trường 913,6 tỷ đồng, hỗ trợ 47.144 hộ cải tạo và xây mới 40.314 công trình vệ sinh, nâng tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 94%.
Để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ nông thôn mới, tỉnh ban hành một số chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 3.940 cán bộ, đào tạo nâng cao trình độ cao đẳng, đại học cho 447 cán bộ, đào tạo quản lý nhà nước cho 1.403 cán bộ và trung cấp chính trị cho 4.066 cán bộ. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được củng cố, nâng cao.
Các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền phản ánh các hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm đến công an xã, tổ tự quản.
Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt từ 14-18 tiêu chí, 26 xã đạt từ 10-13 tiêu chí, 39 xã đạt từ 5-9 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Những kết quả này làm tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn tiếp theo.
Còn đó những hạn chế
Mặc dù diện mạo nông thôn mới bắt đầu khởi sắc, song cũng thấy rằng hạn chế lớn chính là tiến độ triển khai thực hiện Chương trình vẫn chậm, nhất là trong quy hoạch và lập đề án. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, đơn vị và người dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ; nhu cầu nguồn lực để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội rất lớn nhưng thực tế huy động chưa đáp ứng mục tiêu. Một số chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế được chính quyền triển khai quyết liệt nhưng kết quả chưa cao; đời sống dân cư nông thôn được nâng lên nhưng thiếu yếu tố bền vững; quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nhiều địa phương xuất hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo nhưng chưa được chú trọng tổng kết để nhân rộng.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, trong tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, một số cơ quan, địa phương mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, chưa thực hiện triển khai xây dựng; phương pháp huy động nguồn lực trong xã hội thực hiện Chương trình chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng; bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp chưa được tổ chức thành bộ máy theo hệ thống. Về khách quan, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi tiềm lực kinh tế của tỉnh còn hạn chế; còn một số bộ, ngành Trung ương chậm hướng dẫn thực hiện nội dung, tiêu chí nông thôn mới do bộ, ngành quản lý.
Một số bài học kinh nghiệm
Trước hết, thực tế cho thấy những kết quả đạt được trong thời gian qua gắn liền với sự quan tâm sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban chỉ đạo các cấp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai Chương trình để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, từ đó, đề ra những biện pháp tháo gỡ kịp thời, đặc biệt cần chú ý phát huy vai trò Ban chỉ đạo cấp huyện. Đội ngũ tham mưu thực hiện Chương trình ở các cấp phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả tham mưu chỉ đạo, điều hành, nhất là công tác thông tin, báo cáo tiến độ triển khai.
Thứ hai, thực hiện tuyên truyền đa dạng, nhiều hình thức, gắn với hoạt động thực tiễn để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ nguyên tắc: dân là chủ thể, huy động nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ một phần, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các cách làm hay, sáng tạo phải được phổ biến kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để được vận dụng, nhân rộng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, coi đây là lực lượng hỗ trợ đắc lực trực tiếp thực hiện tiêu chí xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường khu dân cư...
Thứ ba, tùy theo đặc điểm tình hình cụ thể, nhu cầu của người dân, từng địa phương chủ động chọn tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Huy động nguồn lực trong dân bằng nhiều hình thức như hiến đất, góp ngày công lao động, vật kiến trúc, hoa màu, cải tạo nâng cấp nhà ở,... tích cực vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, bố trí ngân sách xây dựng nông thôn mới nên tập trung, tránh dàn trải. Đồng thời, cần có cơ chế đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư của các công trình phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu có sự tham gia của người dân.
Tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trong thời gian tới
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh đề ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, hướng tới cuối năm 2015 có 17 xã (20% số xã) hoàn thành 19 tiêu chí, đến năm 2020 có 40 xã (50% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi năm có thêm ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh phấn đấu tăng tốc thực hiện Chương trình qua một số giải pháp, cụ thể:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Chương trình và huy động tối đa nguồn lực của xã hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hai là, gấp rút rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và khả năng bố trí, huy động nguồn lực của địa phương.
Ba là, rà soát, điều chỉnh cơ chế đầu tư từ ngân sách cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xã nông thôn mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương; ban hành các chính sách về huy động nguồn lực, tăng cường phân cấp cho xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện. Chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã gắn với phát triển sản xuất, đời sống hằng ngày của người dân; triển khai nhiều giải pháp có tính khả thi hơn nữa trong việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp của xã nông thôn mới và các xã khác trên địa bàn huyện, thành phố.
Bốn là, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Năm là, tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Ban chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể các thành viên, các ngành, các cấp chủ động bám sát cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình, nhất là các xã điểm. Nội dung kiểm tra, giám sát về cách thức và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực từ cộng đồng và chất lượng thi công các công trình./.
Đài Tiếng nói Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập  (07/09/2015)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2015  (07/09/2015)
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị nữ nghị sỹ AIPA tại Malaysia  (07/09/2015)
Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thông tin của Bộ Ngoại giao  (07/09/2015)
Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển và hội nhập  (07/09/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển