TCCSĐT - Ngày 29-8-2015, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (03-9-1975 - 03-9-2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành dầu khí lần thứ IV.
Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chung Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Cộng thương; Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam... cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, tập đoàn, đối tác kinh tế; Đại sứ và đại diện đại sứ quán các nước: Liên bang Nga, Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la, Cộng hòa A-déc-bai-gian...

Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Quốc Khánh, Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn; Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ, cùng gần 1.000 cán bộ chủ chốt và đại diện người lao động toàn Tập đoàn.

Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng... đã gửi lẵng hoa, điện, thư chúc mừng.

Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thể hiện vai trò là đầu tàu của nền kinh tế. Theo dòng lịch sử, ngay sau khi nước nhà thống nhất, ngày 09-8-1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 224/NQ-TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Thực hiện tư tưởng chiến lược trên, ngày 03-9-1975, Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện nay). Theo yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ phát triển đất nước, Tập đoàn trải qua các tên gọi khác nhau: Tổng Cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (giai đoạn 1975 - 1990), Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (giai đoạn 1990 - 1995), Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (giai đoạn 1995 - 2007) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (giai đoạn 2007 đến nay).

Hơn 5 năm sau ngày thành lập, tháng 6-1981, dòng khí đầu tiên của Việt Nam được đưa vào khai thác, cung cấp nhiên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp nhẹ khu vực Tiền Hải, tỉnh Thái Binh và 10 năm sau ngày thành lập, ngày 26-6-1986, tấn dầu đầu tiên của Việt Nam được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Kể từ đó, Việt Nam bước vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô, đánh dấu bước tiến vững chắc, khẳng định tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiêp dầu khí Việt Nam.

Với vị trí và vai trò hết sức quan trọng của Tập đoàn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và đề ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp dầu khí trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, như: Ngày 7-7-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2000; ngày 19-01-2006, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 41-KL/TW và ngày 09-3-2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 386/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, với mục tiêu: “Phát triển ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phổi, dịch vụ và xuất - nhập khẩu. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế”.

Nhân dịp này, trong Thư chức mừng gửi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành dầu khí Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu ngành dầu khí đạt được trong suốt 40 năm qua. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và người lao động ngành dầu khí Việt Nam nỗ lực phấn đấu, vuợt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế trụ cột của đất nước. Ngày nay, cán bộ, người lao động ngành dầu khí làm chủ được công nghệ hiện đại, chủ động được từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác đến lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, góp phần quan trọng vào qúa trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, ngành dầu khí nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hưóng chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh được giao, Tập đoàn cần tập trung tái cơ cấu từng đơn vị, tích cực cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, thực hành tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh... Mỗi cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn phải ý thức đầy đủ trách nhiệm to lớn của mình trước Tổ quốc, trước nhân dân, đoàn kết nhất trí, nâng cao trình độ kỹ năng và phẩm chất đạo đức, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Tập đoàn ngày càng vững mạnh, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn, khẳng định, nhìn lại 40 năm trưởng thành và phát triển, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cùng lòng say mê và khát vọng vươn lên, bằng quyết tâm “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” không biết mệt mỏi của các thế hệ những “Người đi tìm lửa”, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật và đáng tự hào, có thể khái quát ở 8 thành tựu sau:

Một là, Tập đoàn xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ. Từ điểm mốc khai thác những m3, tấn khí, dầu đầu tiên, đến nay, Tập đoàn đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài, với tổng sản lượng khai thác đạt trên 455 triệu tấn quy dầu (trong đó, khai thác dầu là trên 346 triệu tấn và khai thác khí là trên 108 tỷ m3), doanh thu từ bán dầu đạt trên 140 tỷ USD.

Công tác thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển được đẩy mạnh, tiến độ các dự án bảo đảm, các công trình đưa vào hoat động đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nổi bật là: Đang triển khai thực hiện 66 hợp đồng dầu khí, với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 15 tỷ USD; xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật công nghiệp khí hiện đại với 3 hệ thống đường ống dẫn khí là bể Cửu Long - Dinh Cố, Nam Côn Sơn 1 - Nam Côn Son 2 (giai đoạn 1) và PM3 Cà Mau, gắn liền với các nhà máy chế biến khí, hạ tầng công nghiệp khí thấp áp... đang được vận hành an toàn và hiệu qủa, hằng năm cung cấp trên 10 tỷ m3 khí; Nhà máy Nhiệt điện khí Cà Mau 1,2, Nhơn Trạch 1,2,... với công suất lắp đặt đạt trên 4.200 MW được đưa vào vận hành hiệu quả, sản suất và cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 100 tỷ kWh điện, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia; Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận hành từ năm 2004, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành từ năm 2012, đến nay sản suất được trên 11 triệu tấn u-rê, đáp ứng 70% nhu cầu đạm cả nước; Nhà máy Lọc dầu và Nhà máy PP Dung Quất - biểu tượng của ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam - hoạt động từ năm 2009, ghi dấu mốc hoàn chỉnh cho quá trình xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, đến nay sản xuất gần 30 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu, đáp ứng 30% nhu cầu nhiên, nguyên liệu trong nước...

Hai là, hoàn chỉnh mô hình Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp. Tập đoàn chuyển đổi thành công từ hoạt động theo mô hình tổng công ty sang mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước từ tháng 8-2006; hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ toàn Tập đoàn. Trong quá trình hoạt động theo mô hình mới, Tập đoàn luôn đổi mới, nâng cao công tác quản trị, áp dụng các mô hình tái cấu trúc doanh nghiệp hiệu quả, phù hợp với bối cảnh thực tế của đất nước và của Tập đoàn trong từng thời kỳ; đặc biệt, tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 46/QĐ-TTg, ngày 05-01-2013, là một trong những đề án được phê duyệt sớm nhất trong khối doanh nghiệp nhà nước.

Ba là, Tập đoàn hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng doanh thu đạt gần 290 tỷ USD, luôn duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình gần 20%/năm, tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 405 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản toàn Tập đoàn là 750 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước đạt trên 87 tỷ USD, chiếm trung bình 25 - 28% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm; kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 10 - 12%/năm tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước.

Đặc biệt, từ cuối năm 2014 đến nay, kinh tế thế giới chưa hồi phục ổn định, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, giá dầu thô giảm mạnh, Tập đoàn nỗ lực chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để đối phó với các tác động không thuận lợi và diễn biến xấu của giá dầu. Sau 8 tháng đầu năm 2015, Tập đoàn đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật là: Tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh vượt cao so với kế hoạch đề ra (trong đó khai thác dầu vượt 11%, khai thác khí vượt 7,5%, sản xuất điện vượt 25,5%, sản xuất phân đạm vượt 6,5%, sản xuất xăng, dầu vượt 22%); các chỉ tiêu tài chính đạt tốt, tỷ suất lợi nhuận 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 9,0%, bảo đảm đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tích cực...

Bốn là, Tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, Tập đoàn ký kết 26 hợp đồng dầu khí, trong đó đang triển khai thực hiện 19 hợp đồng tại 14 nước trên thế giới. Năm 2006, Tập đoàn có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ nước ngoài (lô PM 304 - Ma-lai-xi-a). Đến nay, Tập đoàn đang khai thác tại 10 mỏ ở nước ngoài với sản lượng khai thác đạt được là gần 7 triệu tấn dầu, mang lại kết quả tốt đẹp bước đầu cho công cuộc “vươn ra biển lớn”. Nhiều dự án trọng điểm ở nước ngoài đang được Tập đoàn tích cực triển khai và đạt hiệu quả tốt.

Năm là, Tập đoàn xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, có trình độ cao, từng bước làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước, với trên 60 nghìn lao động, trong đó hơn 3 nghìn người có trình độ trên đại học, hơn 27 nghìn người có trình độ đại học và cao đẳng, gần 30 nghìn lao động lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Sáu là, Tập đoàn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước. Với các dự án lớn đang được tích cực triển khai ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam của đất nước, Tập đoàn bước đầu góp phần hình thành các khu công nghiệp lớn đi liền với các dự án trên, như: khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ - Ô Môn - Hậu Giang, Kiên Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình... Tập đoàn quyết tâm triển khai các dự án theo đúng tiến độ đề ra để góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các địa phương nơi có dự án đầu tư, thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.

Bảy là, Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Hoạt động của Tập đoàn gắn liền với Biển Đông. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.

Tám là, Tập đoàn luôn ý thức trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, có đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội. Hằng năm, xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí đối với xã hội và cộng đồng, toàn Tập đoàn thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền từ 500 - 700 tỷ đồng/năm.

Những đóng góp của các tập thể và cá nhân của Tập đoàn đối với đất nước luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: 2 tập thể được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 2 tập thể được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 1 giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ, 8 tập thể và 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 8 Huân chương Độc lập các hạng, 1 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; nhiều đơn vị và cá nhân của Tập đoàn được tặng các huân, huy chương, bằng khen các loại khác.

Nhân dịp này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành dầu khí lần thứ IV, để tổng kết lại phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 - giai đoạn ghi nhận những bước phát triển to lớn của Tập đoàn trong suốt hành trình 40 năm phát triển. Các phong trào thi đua được phát động rộng rãi, với nhiều hình thức thi đua phong phú, trên tất cả các công trình, nhà máy cả trong và ngoài nước, mang lại nhiều kết quả thiết thực, với hơn 2.600 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, làm lợi hàng trăm triệu USD và hàng nghìn tỷ đồng,... trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy đưa các công trình đầu tư về đích đúng, vượt tiến độ, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả.

Tại Đại hội thi đua yêu nước lần này, Tập đoàn biểu dương 16 tập thể tiêu biểu nhất dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua; 40 cá nhân điển hình xuất sắc - tượng trưng cho 40 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn; 54 cá nhân điển hình tiên tiến - tượng trưng cho 54 năm truyền thống của ngành dầu khí Việt Nam./.