Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02-9

NĐ tổng hợp (nguồn: TTXVN)
16:25, ngày 19-08-2015
TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02-9 (02-9-1945 – 02-9-2015), trên cả nước đã diễn ra các hoạt động gặp mặt tri ân các bậc lão thành cách mạng, gia đình có công với nước, triển lãm trưng bày các hiện vật lịch sử, giới thiệu các thành tựu của đất nước trong 70 năm qua.

Tri ân các bậc lão thành cách mạng, gia đình có công với nước

Ngày 19-8, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt các các bậc lão thành cách mạng, gia đình có công, nhân chứng lịch sử, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tại buổi gặp mặt, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, những người đã đóng góp sức lực, tài năng, của cải cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và Thủ đô.

Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, đúng ngày này, tại nơi đây, 70 năm trước, trong khí thế sục sôi cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, nhân dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích nô lệ của đế quốc thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-8-1945 đã cổ vũ và thúc đẩy quá trình Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc mau chóng giành thắng lợi.

Phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của cuộc Tổng khởi nghĩa 19-8, 70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa đất nước tiếp tục phát triển đi lên. Từ sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội, bên cạnh việc phải hoàn thành một khối lượng công việc to lớn, trong đó có những việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của tình hình phức tạp trên thế giới, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu, diễn biến căng thẳng trên Biển Đông. Song với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, rất đáng tự hào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Hà Nội đạt 9,5%; gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân của cả nước, GDP chiếm khoảng 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% cả nước; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tích cực; nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, nhiều khu đô thị mới được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Văn hóa - xã hội trên địa bàn Thủ đô tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Diện mạo Thủ đô có nhiều đổi mới, tiến bộ, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Tại buổi gặp mặt, các đồng chí lão thành cách mạng đều bày tỏ sự xúc động khi tham gia cuộc gặp mặt; bồi hồi sống lại thời khắc hào hùng của quân và dân ta những ngày sục sôi giải phóng. Các vị lão thành cách mạng, đại diện các gia đình có công với nước đã chia sẻ niềm vui, sự tự hào khi được sống trong không khí của những ngày tháng Tám lịch sử.

Triển lãm chuyên đề "70 năm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh"

Ngày 19-8, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội khai mạc triển lãm chuyên đề “70 năm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Hà Nội.

Với gần 150 bức ảnh, tài liệu và hiện vật, triển lãm giới thiệu khái quát vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và những thành tựu đất nước đạt được trong công cuộc xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trong 70 năm qua. Triển lãm gồm 4 phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong những ngày đầu độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954); xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015); xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1975-2015).

Những hình ảnh, tài liệu chân thực, sống động, đã thể hiện quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đây là quá trình tiếp thu truyền thống dân tộc “Lấy dân làm gốc”, quá trình nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề Nhà nước, lựa chọn xây dựng Nhà nước kiểu mới mang bản chất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Triển lãm cũng tập trung giới thiệu các hoạt động của Nhà nước trong việc lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, xóa nạn đói, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí và xây dựng hệ thống pháp luật cũng như chính quyền thực sự vì dân. Nội dung triển lãm cũng giới thiệu quá trình xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền Bắc để làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời giới thiệu những định hướng và việc làm cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Triển lãm kéo dài đến hết tháng 12-2015.

Triển lãm chuyên đề "Bộ sưu tập 79 chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 - 1969"

Ngày 19-8, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum tổ chức triển lãm chuyên đề "Bộ sưu tập 79 chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 - 1969".

Trên cơ sở tài liệu, hình ảnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum giới thiệu 20 ảnh và 68 tài liệu giới thiệu sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải dài từ ngày đầu đất nước độc lập năm 1945 đến năm 1969. 79 chữ ký của Người được chọn lọc từ hàng ngàn văn bản tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã khái quát về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện quan trọng đã ghi đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Bộ sưu tập giúp mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách giản dị, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó không ngừng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nhằm hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh như điều Bác hằng mong muốn.

Nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum cho ra mắt bạn đọc tập thơ với chủ đề "Lời thơ dâng Bác" với 79 tác phẩm của 53 tác giả. Những lời thơ mộc mạc, chân thành thể hiện lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 10-9.

Khánh thành Nhà bia Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam tại Chiến khu Đ

Ngày 19-8, Bộ Tài chính phối hợp cùng Đồng Nai tổ chức khánh thành Nhà bia Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam tại Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Nhà bia xây dựng trên tổng diện tích gần 100 m2, cao hơn 6 mét, được khởi công từ cuối năm 2014, với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng.

Năm 1961, Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam được thành lập tại Chiến khu Đ. Từ đó, Ban Kinh tài đã cung cấp nguồn lực tài chính, cất giữ kho tàng phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến năm 1962, do Chiến khu Đ bị địch đánh phá quá ác liệt, Ban Kinh tài đã chuyển về Tây Ninh. Dù tồn tại, hoạt động trong thời gian không lâu, song tại Chiến khu Đ, nhiều cán bộ của Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ; nơi đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành tài chính Việt Nam.

Chiến khu Đ được thành lập năm 1946, là căn cứ quân sự của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Về phương diện chính trị , tinh thần, Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của nhân dân Việt Nam . Tại Chiến khu Đ có 3 di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia gồm: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ và di tích Căn cứ địa đạo Suối Linh (hay còn gọi là Ban Thông tin liên lạc miền Đông)./.