Chỉ đạo của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Theo: TTXVN
23:54, ngày 22-07-2015

* Lập kế hoạch vốn xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để lập kế hoạch vốn đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tổng hợp các khoản chi phí cấp bách phải chi trong năm 2015, báo cáo Thường trực Chính phủ.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để tổng hợp tài liệu, chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo Thường trực Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chuẩn bị báo cáo về Đề cương chi tiết, tiến độ thực hiện Dự án thành phần xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; chỉ đạo lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế hệ thống kỹ thuật, mỹ thuật trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo đảm khách quan, theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp, hướng dẫn Bộ Xây dựng lập kế hoạch vốn đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo đảm khả thi, phù hợp Luật Đầu tư công, đồng thời cân đối, bổ sung kinh phí cho hoạt động năm 2015 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai Dự án trên địa bàn, bảo đảm khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng của Dự án với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.

* Làm rõ tính cần thiết xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thẩm định Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh làm rõ tính cần thiết và vai trò của Cảng hàng không Quảng Ninh đối với Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, dự báo lượng khách, hàng hóa trong mối quan hệ với các cảng hàng không trong khu vực.

Đồng thời, phân kỳ đầu tư phù hợp, bảo đảm tính khả thi của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-7 tới.

Theo báo cáo thẩm định Dự án, Cảng hàng không Quảng Ninh được xác định là công trình quan trọng chiến lược trong các quy hoạch chủ yếu của tỉnh Quảng Ninh, phù hợp với chủ trương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn quốc cũng như quy hoạch vùng; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung và giao thông vận tải hàng không nói riêng.

Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn nói riêng mà còn bảo đảm vững chắc an ninh - quốc phòng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Về quy mô dự án, dự kiến xây dựng Cảng hàng không cấp 4E (theo mã chuẩn của ICAO), cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế. Quy hoạch khu bay bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay.

* Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động trường ngh


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường nghề), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xác định nhu cầu và đề xuất giải pháp cho phép thí điểm việc trường cao đẳng nghề được liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo liên thông các trình độ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các tiêu chí cụ thể.

Trên cơ sở đó, thống nhất với các cơ quan liên quan đề xuất, kiến nghị giải pháp sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả hoạt động.

Theo thông tin từ Tổng cục dạy nghề, đến cuối năm 2014, cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề gồm: 173 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề. Mạng lưới dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề được đầu tư tập trung, đồng bộ theo các nghề trọng điểm. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế, ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu sản xuất - kinh doanh và nhu cầu của người học nghề.

Cơ chế liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh về nông, lâm, ngư nghiệp, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động.

Đặc biệt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập; có trên 30% người lao động sau học nghề đã tìm được việc làm mới hoặc đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác sau học nghề./.