Chiến thắng Núi Thành: Thành công từ công tác tư tưởng
Điểm lại tình hình trận chiến đấu, có thể thấy tương quan so sánh lực lượng giữa hai bên khá chênh lệch với ưu thế phần lớn nghiêng về phía quân Mỹ. Lực lượng Mỹ đóng chốt tại Núi Thành là Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2, Sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 với quân số 140 người, được bố trí thành 3 cụm chốt liên hoàn. Biên chế hỏa lực có cối 81mm, DKZ 75mm, đại liên M60. Trang bị cá nhân có tiểu liên Garand, M79, lựu đạn M26. Hệ thống công sự trận địa dù là dã chiến nhưng đã được củng cố từ hàng rào vật cản tới hầm chỉ huy, hầm trú ẩn, giao thông hào, hố chiến đấu cá nhân và trận địa hỏa lực. Ngoài ra còn có hệ thống hỏa lực chi viện mạnh và chặt chẽ: pháo binh ở Ao Vuông (huyện Thăng Bình), Kỳ Hà, Dốc Sỏi (huyện Núi Thành), trực thăng ở sân bay Chu Lai, bộ binh ở Dốc Sỏi sẵn sàng ứng cứu khi bị ta tấn công.
Trong khi đó, lực lượng tập kích của ta trong trận này là Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam, quân số 120 đồng chí, được tăng cường 1 phân đội đặc công của đại đội đặc công V16 (12 đồng chí) (1). Về cơ bản, tỷ lệ binh lực gần tương đương. Điều này cho thấy rõ ràng là phía quân Mỹ có lợi thế hơn, bởi chúng đang ở tư thế phòng ngự trên điểm chốt, sẵn sàng đối phó với những cuộc tấn công dự kiến có quân số cao hơn nhiều so với mức quân số như trên. So sánh về vũ khí trang bị ta cũng yếu thế hơn nhiều so với địch vì vào thời điểm này, trang bị của của bộ đội chủ yếu là súng trường K44 và các loại lựu đạn chày, thủ pháo do quân giới địa phương tự chế tạo; khả năng thông tin liên lạc, chi viện mọi mặt đều rất hạn chế. Như vậy, quân Mỹ có ưu thế gần như tuyệt đối về binh hỏa lực so với quân ta trước khi bước vào trận chiến đấu.
Đối với cả hai bên, trước trận đầu tiên giáp chiến tập trung quy mô cấp đại đội, sự hiểu biết về nhau đều rất hạn chế. Quân Mỹ có bất lợi là vừa đặt chân đến chiến trường Việt Nam, chưa quen khí hậu, địa hình, chưa quen chiến thuật, cách đánh của ta. Nhưng đây là đội quân nhà nghề, được tổ chức và huấn luyện chặt chẽ, khoa học. Hơn nữa, ở thời điểm mở đầu của “chiến tranh đặc biệt”, khi bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược chưa được phơi bày đầy đủ trước công luận Mỹ, không thể nói quân Mỹ yếu thế về mặt tinh thần. Thậm chí, bị lừa bịp bởi những luận điệu dối trá, sự huyễn hoặc về một sứ mệnh “bảo vệ thế giới tự do” ít nhiều đã “lên dây cót” tinh thần cho những binh sĩ Mỹ tham chiến. Do đó, dưới góc nhìn khách quan, tinh thần không phải là yếu tố bất lợi đối với quân Mỹ tại Núi Thành như nhiều tài liệu phân tích.
Về ta, Đại đội 2 (còn gọi là Đại đội 304) là đơn vị chủ công, nòng cốt của Tiểu đoàn 70, bộ đội địa phương Quảng Nam, ra đời trong phong trào Đồng khởi năm 1960, đã lập được nhiều thành tích trong chiến đấu và có kinh nghiệm đánh ngụy. Trước trận chiến đấu, Đại đội có 120 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 105 tay súng trực tiếp chiến đấu, còn lại phục vụ. Chất lượng chính trị tương đối tốt, tỷ lệ đảng viên 18,3%; đoàn viên 35%; chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, trung bình 21 tuổi, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Đặc biệt trong đại đội có nhiều con em vùng đất Núi Thành nên rất quen thuộc địa hình và rất phấn khởi khi được trực tiếp cầm súng ra trận chiến đấu bảo vệ quê hương. Tuy nhiên, những khó khăn của đơn vị đó là: chiến sĩ mới nhập ngũ trong năm 1964, chiếm 85% quân số toàn đơn vị, chưa được rèn luyện thử thách nhiều trong chiến đấu. Đội ngũ cán bộ đại đội (trừ đại đội trưởng) mới được đề bạt hoặc điều động từ đơn vị khác về, nên nắm bắt tình hình đơn vị và địa phương còn hạn chế. Đơn vị chưa qua chiến đấu những trận gay go, ác liệt; hiệu suất chiến đấu tiêu diệt gọn quân địch còn thấp; kỹ thuật chiến đấu cá nhân nhìn chung còn hạn chế, nhất là bắn súng (qua đợt hoạt động mùa xuân 1965 của đơn vị, cứ 240 viên đạn mới diệt được 1 địch) (2).
Vấn đề cơ bản nhất lúc này là những vướng mắc về tư tưởng khi đối tượng tác chiến trực tiếp là quân đội nhà nghề Mỹ có hỏa lực mạnh và sức cơ động cao, với “sức mạnh Mỹ” được quảng bá rầm rộ trở nên “đáng sợ” từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II và chiến tranh Triều Tiên, liệu ta có đánh được Mỹ không? Đánh bằng cách nào? Trong Hồi ký của mình, ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Chính trị viên tỉnh đội Quảng Nam, người trực tiếp trao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” cho Đại đội 2 tại buổi lễ xuất quân đánh trận Núi Thành kể lại chi tiết: “Trong vài lần trò chuyện với anh em, chúng tôi phát hiện ra những băn khoăn, suy nghĩ của một số người vẫn chưa tự tin là có đánh thắng được Mỹ không. Trong khi trò chuyện, một tiểu đội trưởng buột miệng nói với tôi: “Thằng Mỹ nó to xác vậy, không biết đánh giáp lá cà, mình có vật nổi nó không?”, “Hỏa lực nó mạnh như vậy, nếu tiếp cận mà bị lộ, sẽ xử lý tình huống như thế nào để tránh thương vong vì pháo của nó?”... Tất cả những băn khoăn đó đều được chúng tôi cùng ngồi họp bàn và thông suốt cách đánh với anh em”. Câu chuyện trên phản ánh một thực tế là trước khi bước vào trận chiến đấu, ta gặp nhiều khó khăn về mặt tư tưởng. Nhưng mấu chốt của vấn đề là ta đã làm tốt công tác tư tưởng, chuyển hóa những khó khăn ban đầu thành ưu thế tuyệt đối, làm cơ sở quan trọng để giành thắng lợi quyết định.
Thành công lớn nhất của công tác tư tưởng là đã khắc phục hiệu quả tư tưởng “gờm Mỹ”, “sợ Mỹ”, phát động tư tưởng “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng” giặc Mỹ xâm lược sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị; cả đơn vị thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.
Thông qua đợt chỉnh huấn quân sự, chính trị trong các đơn vị toàn Quân khu trước đó, chất lượng mọi mặt của Đại đội 2 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vấn đề “Mỹ vào” và “đánh Mỹ” đã được cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị xác định tư tưởng từ trước. Tuy nhiên, những chi tiết về biên chế, khả năng, cách đánh, thủ đoạn tác chiến, đặc điểm hoạt động… của đối tượng tác chiến mới - quân viễn chinh Mỹ chưa được hình dung đầy đủ. Bên cạnh đó, thực tế chiến trường khi Mỹ đổ bộ, bằng thủ đoạn dùng không quân, pháo binh với cường độ, mật độ dày đặc để dọn đường, dọn bãi, đưa quân nống lấn ra các vùng xung quanh căn cứ, xua dân, lập chốt, lập vành đai trắng để bảo vệ căn cứ, chúng đã gây ra tâm lý hoang mang, dao động trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Nhiều nơi đã có hiện tượng bộ đội, du kích “chạy xà đùa”, không dám giáp chiến với địch; điều này càng tác động đến tình hình tư tưởng của đơn vị. Nhận thức rõ diễn biến tình hình trên, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tập trung giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy được chỗ mạnh, yếu của địch; chỉ ra cho anh em thấy các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ mặc dù được trang bị tối tân, huấn luyện tác chiến chính quy theo kiểu chiến tranh hiện đại nhưng khi đến chiến trường Quảng Nam, chúng phải đối phó với phong trào chiến tranh du kích phát triển đến trình độ cao trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp; đặc biệt quân Mỹ hoàn toàn không biết gì về chiến thuật và cách đánh của ta. Ngược lại, ta có đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nếu biết phát huy hiệu quả các yếu tố đó, kết hợp với nghệ thuật quân sự độc đáo của cha ông và tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của quân, dân ta trong truyền thống chống giặc ngoại xâm, ta hoàn toàn có thể đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Các nội dung giáo dục trên được kết hợp chặt chẽ với phát động lòng căm thù giặc sâu sắc thông qua tố cáo tội ác của giặc Mỹ với đồng bào các địa phương bị chúng xua quét lập vành đai trắng; đồng thời, phổ biến rộng rãi kinh nghiệm đánh Mỹ của du kích Hòa Vang, Điện Bàn, Núi Thành trên các vành đai diệt Mỹ Đà Nẵng - Hòa Vang, Chu Lai đã làm cho cán bộ, chiến sĩ vững tin, xác định lập trường tư tưởng “dám đánh, quyết đánh, quyết thắng”, tranh thủ mọi thời gian rèn giũa kỹ chiến thuật và bản lĩnh chiến đấu với ý chí, quyết tâm cao, không ngại ác liệt, hy sinh, sẵn sàng xung trận, diệt địch lập công. Biểu hiện sinh động và cụ thể của tinh thần đó là sau buổi tập trung phát động tư tưởng, toàn đại đội đã đăng ký chỉ tiêu diệt Mỹ tổng số lên đến 321 tên (gấp hơn 2 lần số quân Mỹ tại mục tiêu), nhiều đồng chí đăng ký 3 - 4 tên, đồng chí đăng ký nhiều nhất là diệt 6 tên Mỹ, đồng chí đăng ký ít nhất cũng diệt 2 tên. Riêng bộ phận cối hạ quyết tâm sẵn sàng chi viện một cách có kết quả trong mọi tình huống, nếu cối không còn sử dụng được nữa thì sẽ xếp cối đánh theo lối bộ binh để trực tiếp diệt Mỹ (3).
Công tác tư tưởng đã trực tiếp giữ vững ý chí quyết tâm, tinh thần kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình chiến đấu.
Ý chí quyết tâm của cán bộ chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 và Tổ đặc công được tăng cường thể hiện rất rõ ở quá trình chuẩn bị chiến đấu, mặc dù thời gian trinh sát thực địa không dài, đối tượng tác chiến mới, có cách đánh, sở trường, sở đoản ra sao ta chưa nắm kỹ, nhưng tất cả đều một quyết tâm xung trận, cứ đánh rồi sẽ tìm ra cách đánh. Đây là một chủ trương đúng, thể hiện quyết tâm chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Bên cạnh đó, trước khi hành quân vào vị trí chiến đấu, đơn vị đã bố trí để nhân dân thôn 8 xã Kỳ Sanh đến thăm hỏi, động viên, cổ vũ tinh thần, giúp đỡ vật chất cho bộ đội. Tình quân, dân thắm thiết có ý nghĩa động viên tinh thần to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 trước khi xung trận.
Phát huy khí thế ban đầu, quá trình chiến đấu, cấp ủy, người chỉ huy và chính trị viên luôn nắm vững diễn biến trận đánh trên các mũi, các hướng, kịp thời động viên bộ đội vượt qua ác liệt, hy sinh, nêu cao ý chí, quyết tâm, không chùn bước trước sự phản kháng mãnh liệt của địch, kiên quyết tiến công, giành thắng lợi trận đánh.
Thực tế diễn biến trận đánh cho thấy, sau khi diệt địch ở vòng ngoài, các lực lượng ta phát triển chiến đấu vào bên trong điểm chốt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các mũi tiến công trên Đồi 50 do địa hình có độ dốc cao, quân địch chống cự quyết liệt, tổ thọc sâu không phát triển được. Ta chiến đấu giằng co với địch, đội hình ùn lại trước cửa mở. Địch tổ chức phản kích bằng hỏa lực rất quyết liệt làm cho lực lượng ta bị thương 15 đồng chí, hy sinh 2 đồng chí. Tuy đa phần cán bộ, chiến sĩ vẫn chiến đấu dũng cảm, có nơi chiến đấu giáp lá cà với địch, nhưng một bộ phận đã bộc lộ tư tưởng gờm sợ hỏa lực Mỹ, ngại thương vong nên không tiếp tục phát triển tiến công mà chần chừ, dừng lại quanh các chiến sĩ bị thương. Nhận rõ tình hình, cán bộ đơn vị đã kịp thời động viên bộ đội giữ vững ý chí, quyết tâm chiến đấu, kiên quyết tiến công không bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt quân Mỹ khi chúng đang hoảng loạn. Với sự động viên kịp thời và nêu gương của cán bộ, các chiến sĩ ta đã dũng mãnh xông lên, dùng lựu đạn, lưỡi lê, báng súng quần thảo, bám sát địch, thực hiện đánh giáp lá cà, tiêu diệt từng hỏa điểm của địch; đồng thời, kết hợp tổ chức đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu kịp thời nên chỉ trong 20 phút chiến đấu ta đã làm chủ Đồi 50, tạo thế chia cắt địch để các hướng khác phát triển tiến công tiêu diệt hoàn toàn quân địch, kết thúc thắng lợi trận đánh.
Ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, kiên quyết tiến công tiêu diệt quân Mỹ còn được thể hiện rất rõ ở bản lĩnh chỉ huy chiến đấu kiên cường, dũng mãnh của đội ngũ cán bộ. Đó là Đại đội trưởng Võ Thành Năm, xông xáo chỉ huy tổ thọc sâu đang phát triển chiến đấu ở Đồi 50, khi bị hỏa lực địch chặn lại dưới làn mưa đạn vẫn không quản hiểm nguy vượt lên chỉ huy đơn vị, kiên quyết tiến công, phát triển chiến đấu. Đó là đồng chí Sơn, trung đội trưởng xông xáo từ công sự này qua công sự khác tiêu diệt hàng chục tên địch, tạo điều kiện thuận lợi cho cả mũi hoàn thành nhiệm vụ diệt lực lượng địch còn lại, làm chủ Đồi 50. Đó là trung đội phó Thành đã nhanh nhẹn dùng lưỡi lê đánh gần tiêu diệt tên lính Mỹ ngay trên bờ công sự. Hành động dũng cảm của cán bộ đã có sức lan tỏa, lôi cuốn chiến sĩ xông pha trên trận địa, không sợ hiểm nguy, dẫu ác liệt, hy sinh, quyết không rời vị trí, kiên quyết tiến công vào sào huyệt của địch, tiêu diệt những tên Mỹ cuối cùng trên trận địa, cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” lên đỉnh Núi Thành vào phút thứ 25 của trận đánh.
Những thành công của công tác tư tưởng đã nhanh chóng được đúc kết, phổ biến kinh nghiệm rộng rãi trong toàn quân khu và chiến trường miền Nam.
Lần đầu tiên một đơn vị lực lượng vũ trang địa phương ta trực tiếp đối đầu và đã chiến thắng đối tượng tác chiến mới là quân đội nhà nghề Mỹ. Do vậy, vấn đề tổ chức rút kinh nghiệm tìm ra cách đánh hiệu quả nhất với đối tượng này được trên quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Ngay sau khi trận đánh kết thúc, đơn vị rút về căn cứ an toàn, cấp trên đã chỉ đạo tiến hành hội nghị dân chủ rút kinh nghiệm chiến đấu. Trong hội nghị, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã làm rõ các vấn đề từ tổ chức chuẩn bị chiến đấu đến thực hành đánh địch trong điểm chốt Núi Thành, khẳng định hiệu quả đã đạt được của trận đánh, đúc rút được những kinh nghiệm thực tiễn quan trọng cả về kỹ thuật, chiến thuật, cách đánh cụ thể và tâm lý tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, chỉ ra những yếu tố cơ bản làm nên thắng lợi trận đánh, phục vụ tốt cho lãnh đạo chỉ huy các cấp nghiên cứu vận dụng chỉ đạo tác chiến với quân Mỹ trên toàn chiến trường.
Riêng về công tác tư tưởng, sau trận đánh, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu đã giao cho Phòng Chính trị Quân khu nhanh chóng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về phát động tư tưởng đánh Mỹ trong trận Núi Thành, trên cơ sở đó phổ biến học tập rộng rãi trong hội nghị cán bộ chính trị toàn quân khu được tiến hành sau đó. Hội nghị đã phân tích, đánh giá ưu khuyết điểm, thành công, hạn chế của việc phát động tư tưởng, xây dựng quyết tâm đánh thắng, diệt gọn từng đơn vị Mỹ và đúc rút thành 8 kinh nghiệm quý, đó là:
Một là, việc phát động tư tưởng đánh Mỹ là vô cùng cần thiết và quan trọng để đánh thắng các đơn vị Mỹ. Đánh với Mỹ là một đối tượng mới, đề ra những vấn đề phức tạp mới, tư tưởng bộ đội không được chuẩn bị sẵn sàng sẽ bị đột ngột, bất ngờ.
Hai là, điều cơ bản nhất trong phát động tư tưởng là phải xây dựng một ý thức căm thù Mỹ sâu sắc, cao độ.
Ba là, trên cơ sở căm thù Mỹ xây dựng quyết tâm diệt Mỹ thật cao, quyết diệt cho được các đơn vị Mỹ dù phải chịu một tỷ lệ thương vong cao hơn bình thường.
Bốn là, trước hết và quan trọng hơn hết là phát động tư tưởng cán bộ thật tốt.
Năm là, phải tập trung xoáy vào tư tưởng ngại ác liệt, ngại thương vong, thiếu ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu.
Sáu là, phát động tư tưởng đánh Mỹ là cả một quá trình liên tục, thường xuyên và lâu dài, không thỏa mãn, chủ quan.
Bảy là, phát động tư tưởng tốt đi đôi với tổ chức biện pháp nâng cao trình độ kỹ chiến thuật, bồi dưỡng chiến thuật đánh tăng, đánh máy bay, nâng cao trình độ đánh tiêu diệt, đánh gần, giáp lá cà, bao vây, chia cắt, dùng các tổ thọc sâu, mũi dao nhọn,…
Tám là, phát động tư tưởng phải gắn liền với đẩy mạnh phong trào chung, đẩy mạnh hoạt động, công tác, xây dựng, chiến đấu của đơn vị (4).
Những kinh nghiệm trên có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn rất quan trọng ở thời điểm lịch sử đó, mở ra phong trào thi đua diệt Mỹ sâu rộng trong toàn Quân khu 5 và trên khắp chiến trường miền Nam với các khẩu hiệu “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Sờ chân Mỹ mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”,… Từ chiến thắng Núi Thành, ta đã trả lời cho câu hỏi có đánh được Mỹ hay không? Giải quyết được vấn đề cơ bản về cách đánh, mở ra khả năng và thực tiễn đánh Mỹ của quân và dân ta trên chiến trường. Đánh giá trận Núi Thành, Đại tướng Chu Huy Mân khẳng định: “Mỹ vừa đặt chân lên đất Chu Lai, ta đã dùng lực lượng tại chỗ, một đại đội địa phương đánh phủ đầu bằng hình thức tập kích (...) Trận đánh đã kết thúc thắng lợi nổi tiếng, đã tiêu diệt một đại đội thủy quân lục chiến trong điều kiện lực lượng ta không lớn, bộ đội địa phương chưa hiểu Mỹ ra sao, chưa có chuẩn bị chu đáo về kỹ thuật và chiến thuật đánh Mỹ, trận đánh chủ yếu lấy tinh thần chính trị để giải quyết, nhưng cũng đã thắng lợi bước đầu”(5).
50 năm đã qua từ sau chiến thắng lịch sử Núi Thành, nhưng những thành công của công tác tư tưởng trong trận chiến đấu trên vẫn còn ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, nếu xảy ra, sẽ là một cuộc chiến tranh kẻ địch sử dụng vũ khí công nghệ cao với sức hủy diệt lớn; các lực lượng xâm lược sẽ là những đội quân tinh nhuệ, được trang bị các loại phương tiện chiến tranh hiện đại, chắc chắn sẽ gây tác động tư tưởng lớn đối với bộ đội và quần chúng như đã từng diễn ra cách đây 50 năm. Do vậy, việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm thành công của công tác tư tưởng trước đây có ý nghĩa thiết thực trong việc giữ vững trận địa tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết một lòng đánh bại mọi hành động xâm lược của kẻ thù./.
-----------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Có tài liệu cho rằng quân số Đại đội 2 thời điểm này là 72 đồng chí, bài viết căn cứ theo số liệu tại tài liệu gốc Sơ kết kinh nghiệm phát động tư tưởng quyết tâm đánh thắng, diệt gọn các đơn vị lính chiến đấu Mỹ ở c2/d70 (đơn vị đánh Núi Thành) của Phòng Chính trị Quân khu 5 (tháng 6-1965), F-17-1965, lưu trữ Ban Tổng kết, Cục Chính trị Quân khu 5
(2) Phòng Chính trị Quân khu 5 (1965), Sơ kết kinh nghiệm phát động tư tưởng quyết tâm đánh thắng, diệt gọn các đơn vị lính chiến đấu Mỹ ở c2/d70 (đơn vị đánh Núi Thành), tài liệu số F-17-1965, lưu trữ Ban Tổng kết, Cục Chính trị Quân khu 5, tr. 2
(3) Phòng Chính trị Quân khu 5 (1965), Sơ kết kinh nghiệm phát động tư tưởng quyết tâm đánh thắng, diệt gọn các đơn vị lính chiến đấu Mỹ ở c2/d70 (đơn vị đánh Núi Thành), tài liệu số F-17-1965, lưu trữ Ban Tổng kết, Cục Chính trị Quân khu 5, tr. 7
(4) Phòng Chính trị Quân khu 5 (1965), Sơ kết kinh nghiệm phát động tư tưởng quyết tâm đánh thắng, diệt gọn các đơn vị lính chiến đấu Mỹ ở c2/d70 (đơn vị đánh Núi Thành), tài liệu số F-17-1965, lưu trữ Ban Tổng kết, Cục Chính trị Quân khu 5, tr.10 - 14
(5) Đảng bộ Quân khu 5 (2010), Lịch sử Đảng bộ Quân khu 5 (1946 -2000), Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Hà Nội, Nxb. Quân đội nhân dân, t. 2
Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 68: Việt Nam nỗ lực đột phá đổi mới hệ thống y tế một cách bền vững  (26/05/2015)
“Đổi mới mô hình Hội đồng Lý luận Trung ương”  (26/05/2015)
Đồng chí Hà Thị Khiết chúc mừng Giáo hội Phật giáo mùa Phật đản 2015  (25/05/2015)
Việt Nam tham dự Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế  (25/05/2015)
Quân đội Việt Nam, các nước trao đổi ứng phó với đe dọa an ninh  (25/05/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay