Vai trò quyết định của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai
TCCSĐT - Năm nay, cùng với nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình, Liên bang Nga tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát-xít Đức (09-5-1945 - 09-5-2015) trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai (02-9-1945 - 02-9-2015). 70 năm đã trôi qua, Ngày Chiến thắng càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều biến động to lớn, phức tạp hiện nay.
Vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai
Sau khi chiếm được 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2 và số dân là 142 triệu người, sức mạnh được tăng lên gấp bội, vào 3 giờ 30 phút sáng ngày 22-6-1941, phát-xít Đức không tuyên chiến, bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô từ Biển Đen đến biển Ban-tích. Mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất của Đức quốc xã là độc chiếm kho tài nguyên vô tận của Liên Xô và tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa - kẻ thù số l của chủ nghĩa phát-xít.
Phát động chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng, hòng nhanh chóng đánh bại Hồng quân Liên Xô trên chiến trường châu Âu, phát-xít Đức đã tập trung trên mặt trận Xô - Đức một lực lượng đông nhất, mạnh nhất, tinh nhuệ nhất, được trang bị hiện đại nhất, gồm 190 sư đoàn (5,5 triệu quân), 4,3 nghìn xe tăng - thiết giáp, 47 nghìn pháo, gần 5 nghìn máy bay, 192 tàu chiến. Để đối phó với việc đánh nhanh, thắng nhanh của phát-xít Đức, Liên Xô đã tổng động viên toàn bộ tiềm lực và thực hiện nhiều chiến dịch chiến lược, từng bước đánh bại và cuối cùng tiến công đập tan sức kháng cự của phát-xít Đức ngay tại sào huyệt của chúng ở Béc-lin, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 08-5-1945. Trong đó nổi bật là chiến dịch Mát-xcơ-va (từ ngày 30-9-1941 đến ngày 20-4-1942), chiến dịch Cuốc-xcơ (từ ngày 04-7 đến ngày 13-8-1943), chiến dịch Xta-lin-grát (từ ngày 17-7-1942 đến ngày 02-02-1943), chiến dịch Béc-lin (từ ngày 16-4 đến ngày 08-5-1945). Ở châu Á, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Mãn Châu (từ tháng 02 tới tháng 9-1945), góp phần quyết định buộc quân phiệt Nhật Bản đầu hàng, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Á vào ngày 02-9-1945.
Chiến dịch Mát-xcơ-va là chiến dịch chiến lược phòng ngự lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai, về sau chuyển thành chiến dịch phản công - tiến công của Hồng quân Liên Xô ở ngoại ô Mát-xcơ-va. Tháng 9-1941, quân Đức sử dụng cụm Tập đoàn quân trung tâm, gồm 3 tập đoàn quân dã chiến và 3 tập đoàn quân xe tăng (gồm 1,8 triệu quân, 1,7 nghìn xe tăng, 14 nghìn pháo, cối, 1,39 nghìn máy bay) mở cuộc tiến công lớn mang mật danh “Giông tố”, tiến về khu vực Mát-xcơ-va.
Trong giai đoạn phòng ngự (từ ngày 30-9 đến 05-12-1941), Hồng quân Liên Xô đã tập trung 4 phương diện quân tổ chức đánh trả quyết liệt các mũi tiến công của quân Đức. Ngày 07-11-1941, Liên Xô đã tổ chức cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, sau đó các lực lượng tham gia cuộc duyệt binh này đã tiến thẳng ra mặt trận. Đến cuối tháng 11 đầu tháng 12-1941, Hồng quân Liên Xô đã đẩy lùi các mũi tiến công của quân Đức và chuyển sang phản công.
Từ ngày 05-12-1941 đến ngày 20-4-1942, Hồng quân Liên Xô, được sự yểm trợ của không quân, đã chuyển sang thế chủ động phản công kết hợp với tiến công, đẩy quân Đức về phía tây 100 km - 350 km và gây tổn thất nặng cho 38 sư đoàn Đức (trong đó có 15 sư đoàn xe tăng và cơ giới). Kết cục của chiến dịch này, quân Đức bị thiệt hại 500 nghìn quân, 1,3 nghìn xe tăng, 2,5 nghìn pháo, trên 15 nghìn xe và các khí tài khác. Thắng lợi trong chiến dịch Mát-xcơ-va mở đầu bước ngoặt cơ bản trong tiến trình Chiến tranh thế giới thứ hai, làm phá sản huyền thoại bất khả chiến bại của quân Đức và củng cố khối liên minh chống phát-xít.
Chiến dịch Cuốc-xcơ là chiến dịch chiến lược phòng ngự sau chuyển sang phản công - tiến công của Hồng quân Liên Xô trên địa bàn chiến lược bao gồm 4 tỉnh Ô-ri-ôn, Cuốc-xcơ, Ben-gô-rớt và Khác-cốp. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành cuộc đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới với quân Đức và đã đánh tan 30 sư đoàn Đức, trong đó có 7 sư đoàn xe tăng (500 nghìn quân, 1,5 nghìn xe tăng, 3 nghìn pháo, 3,7 nghìn máy bay), tạo điều kiện để chuyển sang thế chủ động chiến lược, tạo điều kiện chuyển sang tổng tiến công.
Chiến dịch Xta-lin-grát là chiến dịch chiến lược phòng ngự sau chuyển sang phản công - tiến công lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai của Hồng quân Liên Xô. Mùa hè năm 1942, lợi dụng thời cơ quân đồng minh Anh - Mỹ - Pháp chưa mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, phát-xít Đức mở cuộc tiến công lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm đánh chiếm khu vực dầu mỏ ở nam Cáp-ca và những dải đất phì nhiêu vùng Sông Đông, sông Cu-ban và Vôn-ga.
Trận quyết chiến chiến lược Xta-lin-grát diễn ra trên địa bàn rộng tới 38,4 nghìn dặm vuông, với tổng cộng 2,1 triệu quân, thậm chí có lúc lên tới 3 triệu quân, cùng rất nhiều loại vũ khí hiện đại, kéo dài trong 200 ngày đêm (từ tháng 7-1941 đến tháng 2-1943). Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đánh tan lực lượng quân Đức với khoảng hơn 1,2 triệu quân (gồm bị chết, bị thương, bị bắt làm tù binh và mất tích), chiếm gần 1/4 lực lượng trên toàn mặt trận Xô - Đức. Số lượng xe tăng và xe quân sự của Đức vị phá hủy trong trận Xta-lin-grát ngang số lượng mà ngành công nghiệp Đức có thể sản xuất trong 6 tháng.
Thất bại của Hít-le trong trận Xta-lin-grát tác động rất lớn tới tinh thần quân đội Đức, trong hàng ngũ binh lính Đức bắt đầu hình thành tâm lý lo lắng bị đánh tạt sườn và bị bao vây tương tự như trong trận Xta-lin-grát. Thậm chí, một số sĩ quan cấp cao của quân đội phát-xít bắt đầu tính đến chuyện đảo chính lật đổ Hít-le.
Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Xta-lin-grát góp phần quyết định tạo ra bước ngoặt cơ bản trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, có ý nghĩa quân sự và chính trị to lớn, gây chấn động toàn nước Đức, góp phần đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở những nước bị Đức chiếm đóng, buộc Nhật Bản phải tạm thời từ bỏ kế hoạch tấn công Liên Xô.
Đồng thời, chiến bại của Hít-le ở Xta-lin-grát còn làm rung chuyển và gây chia rẽ cả khối phát-xít. Lo ngại kết cục thê thảm tại Xta-lin-grát, lãnh đạo các nước đi theo Đức Quốc xã như I-ta-li-a, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri và Phần Lan bắt đầu tìm cớ rút khỏi cuộc chiến tranh, không gửi thêm quân tới mặt trận Xô - Đức. Diễn biến tại Xta-lin-grát còn khiến nước Đức bị cô lập thêm trên trường quốc tế.
Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối với tương quan lực lượng nghiêng về Liên Xô, sáng 06-6-1944, Mỹ và Anh mở mặt trận thứ hai, đổ bộ lên Bắc Pháp.
Chiến dịch Béc-lin là chiến dịch tiến công chiến lược của Hồng quân Liên Xô diễn ra ngay tại sào huyệt cuối cùng của phát-xít Đức, giải phóng Béc-lin, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai trên chiến trường châu Âu. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt của quân Đức 70 sư đoàn bộ binh, 23 sư đoàn xe tăng, bắt 480 nghìn tù binh và thu chiến lợi phẩm gồm 1,5 nghìn xe tăng, 5,6 nghìn pháo và súng cối, 4,5 nghìn máy bay. Ngày 09-5-1945, trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức đã ký vào văn bản đầu hàng không điều kiện.
Chiến dịch Mãn Châu là chiến dịch tiến công chiến lược của Hồng quân Liên Xô phối hợp với lực lượng kháng chiến của Mông Cổ, Trung Quốc và Triều Tiên chống quân phiệt Nhật. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật Bản, giải phóng đông bắc Trung Quốc (Mãn Châu) và Bắc Triều Tiên, phá tan căn cứ kinh tế quân sự của Nhật Bản trên lục địa châu Á, buộc quân Nhật phải ký kết hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô và đồng minh đã đánh bại đạo quân của Nhật Bản gồm 1 triệu quân, 1,155 nghìn xe tăng, 5,360 nghìn pháo và súng cối, 1,8 nghìn máy bay, 25 tàu chiến.
Như vậy có thể thấy Liên Xô đóng vai trò quan trọng có tính quyết định đối với chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày Chiến thắng - Ngày lễ lệ tràn mi
Chiến thắng phát-xít Đức và trục phát-xít là chiến thắng của nhân dân các nước đồng minh, của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình, là chiến thắng của nhân dân Liên Xô - nhân dân của 16 nước thuộc Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết đã kề vai sát cánh bên nhau, chung một chiến hào, dưới cùng một lá cờ, với một tinh thần “địa chỉ của chúng tôi không có phố, không có số nhà, địa chỉ của chúng tôi là Liên bang Xô-viết”.
Giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, nhưng Liên Xô cũng phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn về người và của. Vì thế, ở Liên Xô, Ngày chiến thắng còn được gọi là “ngày hội lớn lệ tràn mi” - như lời một bài hát Xô-viết nổi tiếng "Ngày chiến thắng". Nước mắt của niềm vui, tự hào của chiến thắng vinh quang và kiêu hãnh, nhưng cũng là nước mắt của nỗi đau mất mát, hy sinh. 27 triệu người dân Liên Xô (bằng 16,2% dân số Liên Xô vào năm 1939) đã ngã xuống.
Nếu như trong cuộc chiến tranh đó, Liên Xô thất bại hoặc đầu hàng trước sức mạnh và sự tàn bạo của nước Đức quốc xã thì chủ nghĩa phát-xít đã thống trị không chỉ ở châu Âu mà cả ở châu Á, và, chắc chắn sẽ không chỉ có người Do Thái bị chịu họa diệt chủng trong những lò thiêu người, bởi theo chỉ thị ngày 12-5-1941 của Bộ chỉ huy tối cao Đức, sĩ quan, binh lính Đức phải:
“Hãy nhớ và thực hiện:
- Không có thần kinh, trái tim và sự thương xót - anh được chế tạo từ sắt, thép Đức…
- Hãy tiêu diệt trong mình mọi sự thương xót và đau khổ, hãy giết bất kì người Nga nào và không được dừng lại, dù trước mặt anh là ông già hay phụ nữ, con gái hay con trai.
- Chúng ta phải bắt thế giới đầu hàng… anh là người Đức, và là người Đức phải tiêu diệt mọi sự sống cản trở con đường của anh''.
Số người chết ở 10 nước tham chiến chủ yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai (cả quân nhân và thường dân)(1)
Nước | Tổng số người chết | Tỷ lệ % so với dân số năm 1939 |
Liên Xô | 27.000.000 | 16,2 |
Trung Hoa | 13.500.000 | 2,2 |
Đức | 5.600.000 | 7 |
Ba Lan | 5.000.000 | 14 |
Nhật Bản | 2.200.000 | 3 |
Nam Tư | 1.500.000 | 10 |
Pháp | 630.000 | 1,5 |
I-ta-li-a | 480.000 | 1,2 |
Anh | 382.000 | 1 |
Mỹ | 300.000 | 0,3 |
Những chuyển động trong cục diện thế giới 70 năm qua
Trong 70 năm qua kể từ khi phát-xít Đức đầu hàng vô điều kiện, cục diện thế giới trải qua những biến động vô cùng phức tạp và những thay đổi căn bản. Đó là sự hình thành trật tự thế giới hai cực với hai phe: xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu. Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã khích lệ các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập, dẫn tới sự tan vỡ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
Với trật tự thế giới hai cực, tuy chiến tranh nóng trên quy mô thế giới chấm dứt nhưng thay vào đó là cuộc Chiến tranh lạnh. Mỹ và Liên Xô - hai quốc gia từng là đồng minh trong cuộc chiến tranh nóng trở thành đối thủ trong Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến tranh này kéo dài hơn 4 thập niên và được coi là kết thúc khi bức tường Béc-lin bị phá bỏ và Liên Xô sụp đổ, theo đó hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng không còn. Với kết cục này, Mỹ được coi là bên chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới với sức mạnh vượt trội cả về kinh tế, quân sự và tầm ảnh hưởng,... thiết lập trật tự thế giới đơn cực.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bùng phát tại Mỹ vào cuối năm 2007 và nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, sức mạnh của Mỹ suy yếu tương đối đồng thời nổi lên và dần khẳng định vị thế của một số trung tâm kinh tế, trung tâm quyền lực mới, trong đó có Nga - nước kế thừa Liên Xô trước đây. Tổng thống Nga V. Pu-tin, tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-ních (Đức) năm 2007, chính thức tuyên bố nước Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực và chủ trương sẽ cùng với cộng đồng quốc tế xây dựng trật tự thế giới mới đa cực, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều được tôn trọng và bình đẳng như nhau. Tuyên bố này của Tổng thống Nga được coi là thông điệp mở ra kỷ nguyên mới trong việc thay đổi trật tự thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu.
Năm nay, Nga kỷ niệm trọng thể 70 năm chiến thắng phát-xít Đức trong bối cảnh đang bị Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt kinh tế với lý do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại U-crai-na. Cùng với trừng phạt về kinh tế là những nỗ lực cô lập Nga về chính trị. Hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây đều từ chối lời mời của Nga tới dự Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít Đức, cho dù nhiều người trong số họ đã có mặt tại lễ kỷ niệm những năm trước đó. Một số lãnh đạo của một số quốc gia bị sức ép khi có ý định đến dự Lễ Kỷ niệm nên đã buộc phải cân nhắc lại quyết định của mình. Sử gia người Mỹ Xti-vân Cô-hen (Steven Cohen), một chuyên gia về Liên Xô và Nga, Giáo sư trường Đại học Princeton cho rằng, việc lãnh đạo phương Tây tẩy chay lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Mát-xcơ-va, tất cả đều nằm trong chiến dịch của Mỹ chống Nga.
Đồng thời với đó là sự bùng phát mạnh mẽ chiến dịch xuyên tạc lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai, hạ thấp vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến này lại. Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) được tổ chức tại Thủ đô Min-xcơ (Bê-la-rút) vào ngày 09-10-2014 đã thông qua Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai và kịp thời ngăn chặn mọi hành động và biểu hiện của chủ nghĩa phát-xít mới, kịch liệt phản đối mọi hành vi xuyên tạc, bóp méo lịch sử cuộc chiến này.
Tổng thống Nga V. Pu-tin gọi việc xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai là sự “hèn hạ và phản bội”, đồng thời vạch rõ động cơ của chiến dịch xuyên tạc lịch sử đó. Trong bài phát biểu tại Trung tâm Bảo tàng và Khoan dung Do Thái ở Mát-xcơ-va hồi tháng 01-2015, Tổng thống V. Pu-tin nói: “Các nỗ lực trực tiếp nhằm làm câm lặng lịch sử, bóp méo và viết lại lịch sử là không thể chấp nhận được và vô đạo lý. Đằng sau các âm mưu này chính là mong muốn che giấu nỗi hổ thẹn của chính họ, nỗi hổ thẹn của sự hèn nhát, đạo đức giả và sự phản bội, là ý đồ biện minh cho sự hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với chủ nghĩa quốc xã”. Ông khẳng định mục tiêu của việc viết lại lịch sử đó là để “phá hoại sức mạnh và tinh thần của nước Nga hiện đại, cướp đi của nước Nga vị thế của một quốc gia chiến thắng...”; là để “chia rẽ các dân tộc và kích động mâu thuẫn giữa các bên, sử dụng những bịa đặt lịch sử phục vụ các ván bài địa chính trị”.
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít không chỉ là dịp để nhân loại tự hào về chiến thắng, nhớ tới những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người, tri ân những người đã mang lại nền hòa bình cho thế giới, mà còn nhắc nhở loài người về tội ác của chủ nghĩa phát-xít, hãy cảnh giác, loại trừ nguồn gốc làm nảy sinh và dung dưỡng sự phát triển của tư tưởng phát-xít trong thế giới hiện nay./.
Chiến lược của Đức dựa trên yếu tố bất ngờ, tiến hành chọc thủng phòng tuyến Liên Xô ở nhiều chỗ bằng những múi nhọn thọc sâu xe tăng, chặn đứng sự rút lui của Hồng quân về phía Đông rồi tiến tới tiêu diệt Hồng quân Liên Xô bằng những trận hợp vây đồng thời ở nhiều điểm. Theo ''kế hoạch Bac-ba-rô-xa'', Hít-le dự định sẽ ''đánh quỵ nước Nga'' trong vòng từ l tháng rưỡi đến 2 tháng “bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng trước khi kết thúc chiến tranh với Anh''.
----------------------------------------------
(1) Xem: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30684&cn_id=385958
Liên hợp quốc kêu gọi đoàn kết trong cuộc chiến chống ma túy  (08/05/2015)
Chủ tịch nước đến Moskva dự Lễ kỷ niệm Chiến thắng phát-xít  (08/05/2015)
Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông  (08/05/2015)
Binh chủng Tăng -Thiết giáp: Sơ kết phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”  (08/05/2015)
Tạp chí Cộng sản: Gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống cách mạng  (08/05/2015)
Tạp chí Cộng sản: “Tình nguyện về nguồn” tại Tuyên Quang  (08/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên