Ngày 02-5-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn Hiệp ước thành lập Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung cho các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi, trong đó Moskva sẽ đóng góp 18 tỷ USD.
Theo kế hoạch, Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS sẽ có tổng số tiền lên đến 100 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia đóng góp nhiều nhất với 41 tỷ USD, Nam Phi ít nhất với 5 tỷ USD. Còn lại Nga, Brazil và Ấn Độ mỗi nước sẽ đóng góp 18 tỷ USD.

Theo hiệp ước này, mỗi quốc gia thành viên BRICS có thể đề nghị các nước còn lại trong nhóm cho vay từ Quỹ Dự trữ ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, số tiền được nhận của mỗi quốc gia là khác nhau và phải được tất cả các nước thành viên thông qua.

Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới cũng có kế hoạch thành lập một ngân hàng quốc tế riêng của khối và đặt trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc). Kế hoạch này được cho là nhằm đối phó với sự thống trị của phương Tây đối với các thị trường tiền tệ quốc tế.

Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung cho BRICS được thành lập sau khi các bên ký kết một thỏa thuận hồi tháng 7-2014 tại Brazil. Quỹ này được cho là nhằm bảo vệ các nước BRICS khỏi các "áp lực thanh khoản ngắn hạn" và thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các nước thành viên.

Trước đó, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban phụ trách các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Jabarov cho rằng, việc thành lập Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của BRICS có thể đối phó với sức ép từ mọi biện pháp trừng phạt.

BRICS bao trùm 26% tổng diện tích toàn cầu và 42% dân số thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên chiếm 25% tổng GDP thế giới và 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4. BRICS cũng là thị trường tiêu thụ đang tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới, mỗi năm khoảng 500 tỷ USD./.