Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-lia mở ra triển vọng phát triển mới

Lê Viết Duyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Pớt, Ô-xtrây-li-a
16:41, ngày 23-04-2015

TCCSĐT - Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao tới Ô-xtrây-li-a vào trung tuần tháng 3-2015 đã đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, tạo thêm xung lực để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a.

Sự trưởng thành trong quan hệ hai nước

Trong hơn 40 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a dù trải qua nhiều cung bậc, nhưng tựu trung được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung. Quan hệ đó đã góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của mỗi nước, trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các kênh đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Bên cạnh đó, hợp tác về mọi mặt, từ an ninh - quốc phòng đến kinh tế, thương mại và đầu tư, giáo dục - đào tạo đều phát triển, ngày càng mang tính chiến lược.

Sau gần 30 năm đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, cách đây 40 năm, tôi tin rằng tại Ô-xtrây-li-a, hai từ “Việt Nam” thường được liên tưởng đến cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương, mất mát. Nhưng thật vui mừng là hiện nay, trong năm 2014, trong số 8 triệu khách quốc tế đến thăm, du lịch tại Việt Nam đã có hơn 300 nghìn người Ô-xtrây-li-a. Việt Nam ngày nay vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình; đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam còn là điểm đến trong đầu tư, kinh doanh với gần 18.000 dự án đầu tư nước ngoài từ hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đang đi đầu trong hoàn thành lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 - cộng đồng năng động với hơn 600 triệu dân, có GDP trên 2.400 tỷ USD.

Trong những năm qua, Ô-xtrây-li-a liên tục xếp thứ hạng cao trong số những nền kinh tế phát triển của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Ô-xtrây-li-a là nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 12 trên thế giới, có những liên kết chặt chẽ với khu vực phát triển nhanh nhất thế giới là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mang lại triển vọng tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai.

Trong quan hệ song phương, Ô-xtrây-li-a là đối tác lớn nhất của Việt Nam ở Nam bán cầu. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009.

Việt Nam là đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của Ô-xtrây-li-a trong ASEAN, là bạn hàng thứ 15 của Ô-xtrây-li-a, trong khi Ô-xtrây-li-a là bạn hàng thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước luôn tăng đều và cao, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990, lên 3 tỷ USD năm 2000 và đạt trên 6 tỷ USD năm 2014, với mức tăng trưởng trung bình 10%/năm liên tục trong 10 năm qua và Việt Nam luôn xuất siêu. Ô-xtrây-li-a và Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn của nhau. Chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại bang Tây Ô-xtrây-li-a, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và bang này đã tăng 150%, từ 700 triệu đô-la Ô-xtrây-li-a (AUD) năm 2012, lên 1,185 tỷ AUD năm 2014 (1).

Về đầu tư, tính đến tháng 02-2015, Ô-xtrây-li-a có 328 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 1,66 tỷ USD. Việt Nam hiện là một trong những nước nhận ODA lớn nhất của Ô-xtrây-li-a, đạt trung bình trên 130 triệu AUD/năm. Việt Nam cũng có 17 dự án đầu tư trực tiếp vào Ô-xtrây-li-a với tổng giá trị gần 140 triệu USD trong các lĩnh vực về công nghiệp chế biến, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Bên cạnh đó, quan hệ hai nước còn được xây dựng trên nền tảng vững chắc của những kết nối văn hóa, giáo dục, nhân văn bền chặt. Cộng đồng 300.000 người gốc Việt Nam sinh sống, làm ăn và đóng góp cho sự phát triển của Ô-xtrây-li-a chính là cầu nối quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử, phong tục, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước cũng như quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước. Cùng với đó là gần 30.000 sinh viên, chiếm gần 1/3 số du học sinh của Việt Nam, đang học tập tại Ô-xtrây-li-a. Nét độc đáo và đặc sắc của văn hóa và ẩm thực Việt Nam cũng chính là một trong những thế mạnh mang lại sự yêu thích của bạn bè Ô-xtrây-li-a đối với Việt Nam.

Bên cạnh những hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp, du lịch, giao lưu nhân dân,… giữa hai nước thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực.

Các chính đảng lớn trong Quốc hội Ô-xtrây-li-a đều ủng hộ quyết tâm và nỗ lực của hai Chính phủ nâng quan hệ lên tầm cao mới, thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, vì lợi ích nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Hai bên cũng đã đạt được những nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác ở khu vực trong thời gian tới; đồng thời, nhấn mạnh sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a, nhất trí làm sâu sắc hơn và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện hiện nay, phù hợp với bản chất chiến lược ngày càng gia tăng của quan hệ hai nước.

Trên cơ sở đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Ô-xtrây-li-a vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ra Tuyên bố về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-li-a và bốn văn bản hợp tác quan trọng khác, bao gồm Thỏa thuận Chương trình lao động kỳ nghỉ; Thỏa thuận về triển khai chương trình hợp tác châu Á - Ô-xtrây-li-a về phòng chống buôn bán người; Bản Ghi nhớ hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Bản Ghi nhớ về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Hai nước hướng tới xây dựng Chương trình Hành động thứ hai nhằm triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên với trọng tâm mới.

Hội tụ lợi ích chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Không chỉ có quan hệ song phương tốt đẹp, quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a còn được thúc đẩy trong bối cảnh hợp tác đa phương trong khu vực đang được đẩy mạnh. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a T. A-bót khẳng định: “Việt Nam và Ô-xtrây-li-a có cùng mối quan tâm và lợi ích để tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Vấn đề hòa bình, phát triển trong khu vực rất quan trọng và sự ổn định sẽ là lợi ích chung của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng quan tâm và cùng hợp tác với nhau để bảo đảm những bất ổn không xảy ra. Chúng tôi ủng hộ việc tự do hàng hải, kể cả trên biển và trên không ở khu vực Biển Đông. Chúng tôi lên án những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Tôi mong muốn tất cả các tranh chấp sẽ được giải quyết bằng con đường hòa bình thông qua đối thoại…”.

Việt Nam và Ô-xtrây-li-a có lợi ích chung trong việc duy trì an ninh, ổn định và tăng trưởng kinh tế ở khu vực. Một môi trường khu vực an toàn, ổn định, tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là khi vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Hai nước có chung mục tiêu trong việc tăng cường và phát triển các thể chế khu vực, quốc tế nhằm thúc đẩy các lợi ích chung về chính trị, kinh tế và an ninh. Việt Nam và Ô-xtrây-li-a khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trong việc định hình tương lai khu vực và môi trường toàn cầu, nhấn mạnh tầm quan trọng của một cấu trúc khu vực phù hợp, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), nhằm giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một hệ thống thương mại đa phương vận hành trên cơ sở pháp luật tạo nền tảng cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng và phát triển lành mạnh, Việt Nam và Ô-xtrây-li-a cam kết tăng cường hợp tác, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong đàm phán và thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); ghi nhận tầm quan trọng cũng như các cơ hội do Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại.

Các động thái gần đây của Ô-xtrây-li-a tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước khu vực, trong đó có Việt Nam nhằm thúc đẩy sự hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng sẽ tạo thêm cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam, Ô-xtrây-li-a và các quốc gia trong khu vực. Việc tăng cường hợp tác với Việt Nam trên những vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng có những lợi ích chiến lược này cũng chính là cơ hội để Ô-xtrây-li-a can dự nhiều hơn nữa với khu vực, củng cố vị thế cường quốc bậc trung với những liên kết có sức nặng và sâu sắc hơn.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, “Chúng tôi chân thành cảm ơn và mong các bạn tiếp tục có tiếng nói tích cực, khách quan, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực. Việt Nam ủng hộ Ô-xtrây-li-a đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc khu vực đang định hình. Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ cùng Ô-xtrây-li-a và các nước đối tác để xây dựng một châu Á phát triển năng động, liên kết sâu sắc, trong một môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác cùng phát triển, cùng thịnh vượng”.

Chia sẻ tầm nhìn về quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a và những vấn đề an ninh khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp gần 55% GDP toàn cầu và là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, khu vực này đang tiềm ẩn những bất ổn do những diễn biến phức tạp của các điểm nóng, nhất là những diễn biến phức tạp ở Biển Đông đang thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Đối với tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này, nơi lưu chuyển khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu với trị giá khoảng 5,3 nghìn tỷ USD và cũng là tuyến đường mà hơn một nửa hàng hóa xuất khẩu của Ô-xtrây-li-a đi qua mỗi năm, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); kêu gọi tất cả các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng thêm tình hình khu vực, trong đó có việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng; nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh vấn đề an ninh, hòa bình ổn định tại khu vực là “tài sản vô giá, là tài sản chung” nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của tất cả các nước. Để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực một cách bền vững, mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của khu vực, thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nước cần đề cao hơn nữa vai trò của các thể chế đa phương và cùng chung tay góp sức xây dựng một cấu trúc và thể chế của khu vực ổn định và bền vững.

Việt Nam và Ô-xtrây-li-a ghi nhận an ninh và thịnh vượng của hai nước gắn liền với ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; khẳng định sẽ cùng hợp tác tại các diễn đàn khu vực nhằm tiếp tục xây dựng một cấu trúc hỗ trợ cho an ninh, ổn định, hợp tác về môi trường và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột trong khu vực. Điều này có thể mở ra khả năng hợp tác hai bên trong việc tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trên biển.

Sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có lợi cho tất cả các bên, trong đó sự hợp tác giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a. Việc nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-li-a theo hướng chiến lược phù hợp với thực tiễn phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước thời gian qua và những lợi ích chiến lược của hai nước trong bối cảnh hiện nay.

Triển vọng mới trong quan hệ hai nước

Chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này một lần nữa khẳng định mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a, mở ra nhiều triển vọng và cơ hội hợp tác mới trên các lĩnh vực giữa hai nước.

Các nhà lãnh đạo của Ô-xtrây-li-a nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả giữa hai quốc gia, đặc biệt trong hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại. Tuyên bố về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a và Chương trình Hành động giai đoạn 2015-2017 sẽ cụ thể hóa các nội hàm hợp tác, tạo ra khuôn khổ để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác trên tất cả các mặt chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, giao lưu nhân dân, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ,… Bên cạnh đó, cả hai nước đều là các nền kinh tế đang tham gia đàm phán TPP, được kỳ vọng sẽ kết thúc vào cuối năm 2015. Khi đó, hợp tác thương mại, đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên TPP, trong đó có Việt Nam, Ô-xtrây-li-a sẽ rộng mở hơn.

Tính bổ sung lẫn nhau của nền kinh tế Việt Nam và Ô-xtrây-li-a sẽ giúp thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương trên những lĩnh vực chủ chốt; khuyến khích tăng cường luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài song phương. Việt Nam tiếp tục chào đón các nhà đầu tư Ô-xtrây-li-a tham gia thị trường tài chính, năng lượng, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; tham gia các kế hoạch hiện đại hóa ngành khai thác than, chế biến sâu trong ngành khai khoáng, tham gia kế hoạch hiện đại hóa ngành ngân hàng, hàng không, viễn thông, các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản và giáo dục - đào tạo,… Các chuyên gia dự báo dòng vốn đầu tư từ Ô-xtrây-li-a vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi Ô-xtrây-li-a đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và mong muốn tăng cường đầu tư, cam kết hợp tác bền vững với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực.

Mối quan hệ được nâng lên tầm cao mới giữa hai nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam và các sinh viên Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Ô-xtrây-li-a có thêm những đóng góp cho sự phát triển của Ô-xtrây-li-a, tăng cường giao lưu nhân dân và thực sự là cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước.

                                             *                                   

                                        *        *

Những kết quả hợp tác sâu rộng, toàn diện và thực chất trong mối quan hệ song phương Việt Nam - Ô-xtrây-li-a trong hơn 40 năm qua, đặc biệt được nhấn mạnh qua chuyến thăm Ô-xtrây-li-a của Thủ tướng Việt Nam vào đầu năm 2015 đã đưa quan hệ đối tác toàn diện lên tầm cao mới. Sự hội tụ trong lợi ích chiến lược của hai nước tạo nền tảng quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề chiến lược của khu vực và trên thế giới; đồng thời mở ra những cơ hội mới củng cố và làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới thiết lập đối tác chiến lược trên cơ sở những cam kết chính trị mạnh mẽ và thỏa thuận hợp tác cụ thể, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đưa quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a hướng tới một tương lai tươi sáng vì sự thịnh vượng của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực./.

------------------------------------------

(1) Số liệu của Cục Phát triển bang Tây Ô-xtrây-li-a, tháng 11-2014