Ký ức những người làm nên đại thắng mùa Xuân 1975
Người chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập
Ông Vũ Đăng Toàn, (sinh năm 1947, quê tỉnh Hải Dương) là người chỉ huy Đại đội xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) và cùng đồng đội bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Những ký ức đó đã in sâu vào tâm trí như một chiến công oanh liệt không bao giờ có thể quên.
Năm 1965, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam và được đưa vào phục vụ trong binh chủng tăng - thiết giáp. Vũ Đăng Toàn lúc này là trung úy, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng - thiết giáp 203 , Quân đoàn 2 và là chỉ huy xe tăng số 390. Ông là lớp người đầu tiên của binh chủng Tăng thiết giáp đưa xe vào chiến trường Quảng Trị, trận đánh cuối cùng của ông là trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Mùa Xuân 1975.
Lần giở lại ký ức, chiến công lịch sử ấy lại hiển hiện qua lời kể của ông Toàn: Sáng ngày 30-4-1975, Đại đội 4 của ông nhận nhiệm vụ thần tốc tiến về Sài Gòn. Đánh thắng quân địch tại các trạm chốt ở khu vực Cầu Sài Gòn, Hàng Xanh, cầu Thị Nghè, tiến về Dinh Độc Lập. Xe tăng 390 của Đại đội 4 gần đến cổng Dinh thì gặp xe 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy đang cố gắng công phá cổng phụ trái của Dinh nhưng chưa vào được, lúc đó xe 390 đi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ông kể: “Lúc đó lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi " Thế nào anh Toàn ?" Tôi ra lệnh tông vào, lập tức tăng ga xe lao thẳng vào, húc tung cánh cổng chính, tiến vào trước cửa Dinh”. Sau đó, ông Toàn cùng đồng đội bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Hoàn thành nhiệm vụ, ông tiếp tục trở về đơn vị sẵn sàng chiến đấu.
Ông Toàn xuất ngũ năm 1985, khi đó đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất là về lương thực, từ hoàn cảnh đó, ông trăn trở suy nghĩ phải vượt lên chính mình. Phát huy bản chất anh bộ đội cụ Hồ, không sợ khó, không sợ khổ, ông Toàn bươn chải ở mọi nghề như làm bánh đa, đậu phụ, chăn nuôi… Nhờ vậy, cuộc sống gia đình dần ổn định và nuôi được ba con ăn học đầy đủ, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong thời bình, ông luôn mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày, nhiệt tình trong các hoạt động giáo dục thế hệ trẻ.
Niềm tự hào của người lính lái chiếc xe tăng sớm nhất tiến vào Dinh Độc lập 30-4-1975
Vào thời khắc cuối cùng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn 40 năm về trước, trong đoàn quân đi đầu của lực lượng "đột kích thọc sâu" thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh "nhanh chóng chiếm những vị trí trọng yếu thuộc nội đô Sài Gòn", có một người lính giải phóng quân quê Hà Nam - người lái cỗ "chiến xa" huyền thoại T54-843 có mặt sớm nhất tại dinh lũy cuối cùng của địch trưa ngày 30-4-1975. Người lính ấy là Lữ Văn Hỏa ở tổ dân phố Mễ Nội, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý.
Nhớ về một thời hào hùng, người chiến sỹ Lữ Văn Hỏa năm xưa cho biết, gia đình ông có 5 anh em trai đều tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong những năm đánh Mỹ ác liệt nhất. Năm 1970, vừa tốt nghiệp trường Trung cấp cơ khí I ở Vĩnh Phú, đáp lại lời kêu gọi của Đảng "cả nước hành quân ra tuyến lửa", Lữ Văn Hỏa khoác ba lô lên đường hòa mình vào những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Sau ba tháng huấn luyện cơ bản, Lữ Văn Hỏa được điều động về Trung đoàn 203, Binh chủng Tăng thiết giáp. Không khí thời chiến sục sôi cùng với sự say mê và chút vốn hiểu biết cơ khí nên anh thích nghi được ngay với những nội dung huấn luyện chuyên sâu của Binh chủng, để rồi nhanh chóng làm chủ kiến thức và thực hiện thuần thục những bài tập kỹ thuật, chiến thuật đặc biệt của người lính tăng.
Tháng 3-1971, Lữ Văn Hỏa cùng trưởng xe Bùi Quang Thận (quê ở Thái Bình) và hai pháo thủ Thái Bá Minh (quê ở Nghệ An), Nguyễn Văn Kỷ (quê Tuyên Quang) trên chiếc xe tăng T54 843 nhận lệnh lên đường. Lữ Văn Hỏa chia sẻ: "Hơn ai hết, chúng tôi hiểu sâu sắc niềm tự hào khi được vinh dự cùng những đoàn quân đang có mặt ở chặng đường quan trong nhất - chặng đường thể hiện cao nhất sức mạnh và khát vọng của cả dân tộc hướng tới đích là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời gian chuẩn bị mở chiến dịch, lính tăng chúng tôi cùng những "pháo đài di động" hành quân đêm ngày cùng nắng gió, cơm nắm, rau măng, nước suối Trường Sơn. Suốt đêm hành quân không nghỉ, đến nơi tập kết, lại lập tức đào công sự, ngụy trang xe. Vất vả, hy sinh là không thể tính đếm nhưng trước không khí hừng hực của chiến dịch không ai thấy mệt". Và chính trong những ngày vất vả chuẩn bị cho chiến dịch đó, Lữ Văn Hỏa vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận.
Vào thời điểm ấy, với những thắng lợi quan trọng của ta trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao ngày càng đẩy Mỹ - ngụy vào thế thất bại và cô lập. Tháng 01-1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết. Khí thế của quân và dân ở cả hai miền Nam Bắc càng sôi sục. Sự xuất hiện của những cỗ "chiến xa" thế hệ mới T54 trên chiến trường càng làm nức lòng đồng đội ở các cánh quân trên đường ra trận. Lữ Văn Hỏa cùng trưởng xe Bùi Quang Thận và hai pháo thủ trên cỗ "chiến xa" T54-843 càng như nóng lòng chờ xuất trận, để trút sấm sét lên đầu thù. Thế rồi thông tin "mở chiến dịch" cũng được bí mật truyền đến, anh em lính tăng ôm ghì lấy nhau, không nói nên lời, ai cũng sung sướng và hồi hộp chờ đợi. Ngày 20-3-1975, Trung đoàn 203 tăng thiết giáp được Bộ Tư lệnh Quân đoàn II phiên chế vào lực lượng đột kích cơ động mạnh nhận mật lệnh tập trung hỏa lực từ núi Bông đánh ngược lên sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế). Với phương châm đã trở thành mệnh lệnh của cả chiến trường "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", những chú "voi sắt" T54 ngạo nghễ từ rừng già vươn nòng trút lửa nghiền nát những ổ hỏa lực ngoan cố của địch, yểm trợ đắc lực cho các cánh quân bộ binh tràn lên làm chủ chiến trường.
Ngày 26-3-1975, xe tăng T54-843 do chiến sỹ Lữ Văn Hỏa lái có mặt tại cửa biển Thuận An, từ đây, dọc theo Quốc lộ 1, hành quân, truy kích địch, tiến về giải phóng Đà Nẵng và hàng loạt các tỉnh Nam Trung bộ rồi cùng những cánh quân khép chặt "vòng đai lửa" quanh Sài Gòn. Ông Hỏa vẫn còn nhớ như in, 3 giờ sáng ngày 29-4-1975, tại cầu Buông (Biên Hòa) Trung đoàn 203 tăng thiết giáp nhận lệnh tập trung hỏa lực đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng của địch như: ngã ba Tam Hiệp, xa lộ Biên Hòa, cầu Sài Gòn... Đến 9h30 phút ngày 30-4-1975, chiếc T54-843 áp sát cầu Thị Nghè, trưởng xe Bùi Quang Thận ra lệnh hạ thấp nòng pháo tiêu diệt xe tăng cùng các ổ hỏa lực của địch đang ngoan cố, điên cuồng chống trả hòng cản bước tiến của quân giải phóng. Vượt qua cầu Thị Nghè, cỗ "chiến xa" T54-843 ngạo nghễ lăn xích sắt trên những đại lộ Sài Gòn. Quần chúng cách mạng hai bên đường vẫy chào và dẫn đường cho quân giải phóng tiến vào các mục tiêu quan trọng. Đúng 11h trưa ngày 30-4-1975, tòa nhà chính dinh Độc Lập hiện ra trước mắt họ. Cỗ "chiến xa" T54-843 sạm đầy khói lửa chiến trường gầm lên cùng đoàn tăng tiến vào trong sân và chỉ ít phút sau, lá cờ giải phóng do Trung úy trưởng xe Bùi Quang Thận mang theo đã tung bay trên nóc toà nhà, báo hiệu thời khắc lịch sử thiêng liêng, huy hoàng "Toàn thắng về ta".
Là người trực tiếp chiến đấu, có mặt trong đội hình tiến vào sào huyệt cuối cùng, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền ngụy, chia sẻ cảm xúc về thời khắc lịch sử ấy ông Hỏa nói: "Không thể nào diễn tả hết cảm xúc của anh em chúng tôi lúc ấy. Đó là sự bất ngờ về bước chân thần tốc của các cánh quân, là niềm tự hào trước tầm vóc của chiến thắng, là sự cảm kích trước sự hy sinh của hàng trăm nghìn đồng bào, đồng đội ở khắp các mặt trận và ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Và hơn hết, thêm một lần chúng tôi có dịp cảm nhận sâu sắc rằng Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975 chính là kết tinh sức mạnh vô song và khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc ta vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như ý nguyện của Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi".
40 năm đã trôi qua, người chiến sỹ lái xe tăng Lữ Văn Hỏa năm xưa, giờ đây đã trở thành người ông, người cha bên gia đình hạnh phúc và êm ấm. Dù cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan, nhưng ông luôn giữ vững phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, bình dị và gần gũi. Với ông, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội, sự kính trọng, quý mến của bà con lối xóm. Hơn cả là sự bình yên và trưởng thành của hai cô con gái.
Ký ức của nguyên Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316
Đối với ông Nguyễn Văn Tàu (sinh năm 1928 ở Bà Rịa - Vũng Tàu), biệt danh Tư Cang, nguyên là Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316, người trực tiếp chiếm giữ, bảo vệ cầu Rạch Chiếc để xe tăng của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975 thì niềm vui ngày toàn thắng vẫn vẹn nguyên. Ông xúc động kể lại: “Tối 30-4, trong thành phố chỉ còn nghe tiếng súng bắn chỉ thiên chào mừng thành phố được giải phóng. Điều kỳ diệu là thành phố còn nguyên vẹn, điện nước đầy đủ. Theo tôi có được điều ấy là do nhân dân. Lòng dân hướng về cách mạng, các đoàn thể được tổ chức chặt chẽ. Khi các cánh quân tiến vào thì quần chúng đã đứng lên diệt ác ôn, giải phóng phường, treo cờ cách mạng. Đó là sự chuẩn bị, gây dựng quần chúng từ mấy chục năm. Phong trào quần chúng ví như thùng thuốc nổ, khi có ngòi nổ đủ sức công phá thì sức mạnh quần chúng bung ra không gì cản nổi. Quân đội như chúng tôi chỉ đóng vai trò ngòi nổ đủ mạnh”.
Những người con ưu tú đóng góp công lao to lớn cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, trở về với đời thường, họ tiếp tục không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, đạt nhiều thành tích trong công tác, trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội, là tấm gương sáng cho bao thế hệ noi theo.
Ký ức người chiến sĩ biệt động năm xưa
Xuất thân là công nhân Cảng Sài Gòn và nhập ngũ năm 1962, công tác tại đội 65 Biệt động Đặc công Thành Sài Gòn - Gia Định, ông Lâm Sơn Náo (sinh năm 1936, ở Thành phố Hồ Chí Minh) được giao nhiệm vụ tiếp tục duy trì thế hợp pháp công nhân Cảng Sài Gòn, đồng thời xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Năm 1964, ông đã lập chiến công lớn đánh chìm tàu USNS CARD của hải quân Mỹ.
Ông Náo kể lại, Cảng Sài Gòn lúc đó được phòng bị cực kỳ nghiêm ngặt, đặc biệt là mỗi khi có tàu cập Cảng tiếp viện vũ khí cho chính quyền Sài Gòn. Đêm 01-5-1964, ông Náo cùng người đồng đội là Nguyễn Phú Hùng chèo xuồng hướng về phía Tàu USNS CARD trên sông Sài Gòn, vượt qua bao khó khăn, đến 2 giờ sáng 02-5-1964, ông cùng đồng đội đặt xong thuốc nổ và rút về nhà, đến 3 giờ thì nghe tiếng nổ long trời từ cảng Sài Gòn. Ngay sáng hôm đó, các Đài phát thanh trên thế giới và Sài Gòn dồn dập đưa tin về Tàu USNS CARD của hải quân Mỹ bị đánh chìm. Tàu USNS CARD là niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai, sự kiện USNS CARD bị đánh chìm khi đang xếp dỡ máy bay tại Cảng Sài Gòn làm chết và bị thương trên 120 tên Mỹ, làm hư hỏng 23 máy bay, trực thăng các loại đã làm chấn động nước Mỹ và khắp năm châu. Đây là một trong những chiến công xuất sắc của lực lượng Biệt động Sài Gòn thời đó.
Năm 1967 khi trên đường vào công tác trong nội thành, ông Náo bị bắt đày đi Côn Đảo, bị tra tấn dã man nhưng ông không hề nao núng, luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Đến năm 1973 được trao trả, lại tiếp tục công việc của chiến sĩ biệt động, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục đóng góp công sức của mình xây dựng thành phố .Trải qua nhiều cương vị khác nhau, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ./.
Sự phát triển vượt bậc của các tỉnh thành phía Nam sau 40 năm  (19/04/2015)
Sự phát triển vượt bậc của các tỉnh thành phía Nam sau 40 năm  (19/04/2015)
Sự phát triển vượt bậc của các tỉnh thành phía Nam sau 40 năm  (19/04/2015)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát một số làng nghề  (18/04/2015)
WB viện trợ thêm 650 triệu USD hỗ trợ các nước “ổ dịch” Ebola  (18/04/2015)
Thủ tướng Na Uy kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam  (18/04/2015)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên