Sáng 07-4-2015, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau hơn 14 năm thi hành, Bộ Luật Hình sự năm 1999 đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Bộ Luật Hình sự năm 1999 được ban hành, tình hình đất nước đã có những thay đổi lớn về mọi mặt. Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà nội dung cơ bản là ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này đã làm cho Bộ luật Hình sự hiện hành trở nên bất cập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự lần này nhằm xây dựng Bộ Luật Hình sự có tính minh bạch, khả thi và tính dự báo cao hơn để phát huy hơn nữa vai trò của Bộ Luật Hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) có 441 điều, tăng 87 điều so với Bộ Luật Hình sự hiện hành; giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều và bãi bỏ 8 điều của Bộ Luật hình sự hiện hành.

Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) gồm 26 chương, thiết kế thành 3 phần trên cơ sở kế thừa hai phần của Bộ Luật hình sự hiện hành và bổ sung thêm phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. So với Bộ luật hiện hành, dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) bổ sung mới 2 chương ở phần những quy định chung (Chương IV - Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và Chương XI - Quy định đối với pháp nhân phạm tội).

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp khẳng định Dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) cơ bản đã quán triệt và cụ thể hóa theo quan điểm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như xây dựng dự án Bộ Luật Hình sự nói riêng, nhất là yêu cầu về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như bảo đảm thực hiện những cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Qua thảo luận, các ý kiến nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Bộ Luật hình sự như đã nêu trong Tờ trình và cho rằng việc sửa đổi Bộ Luật này phải giải quyết được những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và bổ sung những vấn đề còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thảo luận về việc phi tội phạm hóa đối với hành vi chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng cần đánh giá đúng vai trò và tính thống nhất của hành vi chuẩn bị trong quá trình thực hiện tội phạm. Đặc biệt là đối với các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nếu loại trừ toàn bộ trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi chuẩn bị phạm tội thì sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, đề nghị giữ quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng như hình luật hình sự hiện hành.

Về các tội phạm liên quan đến ma túy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây vận chuyển, tàng trữ ma túy thì chưa nên bỏ hình phạt tử hình. Bởi công tác đấu tranh phòng chống ma túy nhiều năm qua cho thấy, loại tội phạm này ngày càng được tổ chức tinh vi, chuyên nghiệp hơn. Nếu chỉ quy định hình phạt tử hình đối với người mua bán trái phép chất ma túy thì sẽ giảm hiệu quả đấu tranh, xử lý.

Đối với việc hạn chế hình phạt tử hình, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp, theo đó, sẽ bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh. Vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Về những trường hợp không thi hành án tử hình, có hai loại ý kiến, chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành với quy định của dự thảo (quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc tại thời điểm thi hành án), nhằm khẳng định tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam và theo thông lệ chung của nhiều nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lại cho rằng người 70 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực, trí lực. Thậm chí, nhiều người ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm... Vì vậy, cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Quy định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành (mở rộng nguồn của luật hình sự), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, để bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, dễ áp dụng thì tội phạm và hình phạt chỉ nên quy định trong Bộ Luật Hình sự. Do vậy, không nên đặt vấn đề quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự phải thể hiện được đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013, nhất là liên quan đến con người. Những quy định sửa đổi của Bộ Luật Hình sự phải minh bạch, rõ ràng và đáp ứng yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam) tiến hành rà soát, bổ sung hoàn chỉnh dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)./.