TCCSĐT - Sau 8 ngày thương lượng liên tục, ngày 02-4-2015, P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) và I-ran đã nhất trí về các nội dung và định hướng lớn, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại.

P5+1 và I-ran đạt thỏa thuận khung

 

Toàn cảnh cuộc đàm phán tại Lô-dan (Thụy Sĩ), ngày 30-3 vừa qua (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau 8 ngày thương lượng liên tục, ngày 02-4-2015, P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) và I-ran đã nhất trí về các nội dung và định hướng lớn, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, với thời hạn chót là ngày 30-6 tới.

Ngoại trưởng Pháp Lô-răng Pha-bi-uýt (Laurent Fabius) cho biết, vấn đề gai góc là khi nào dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt I-ran “vẫn chưa được giải quyết”. I-ran muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ngay lập tức nhưng phương Tây chỉ nới lỏng khi Tê-hran tôn trọng những điều đã nhất trí. Ông cảnh báo nếu Tê-hran không tuân thủ những cam kết của mình, phương Tây sẽ quay trở lại lập trường trước đây.

Nhằm đáp lại việc Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-tan-i-a-hu (Benjamin Netanyahu) chỉ trích thỏa thuận hạt nhân trên, ngày 05-4, Thượng nghị sĩ Đi-an Phên-xtên (Dianne Feinstein), Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, một trong những chính khách có tiếng nói lớn nhất của Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ, đưa ra tuyên bố rằng thỏa thuận giữa P5+1 và I-ram không đe dọa sự tồn vong của I-xra-en, đồng minh thân cận nhất của Oa-sinh-tơn ở khu vực Trung Đông. Bà Đ. Phên-xtên cho rằng ông B. Nê-tan-i-a-hu nên tự kiềm chế, đồng thời chỉ ra rằng Thủ tướng I-xra-en đã không đưa ra được giải pháp thay thế nào cho vấn đề.

Thượng nghị sĩ Bốp Coóc-cơ (Bob Corker), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết Thượng viện sẽ đưa dự luật liên quan tới I-ran ra bỏ phiếu vào ngày 14-4. Ông B. Coóc-cơ cho rằng chính quyền Ô-ba-ma cần phải làm rõ thỏa thuận vừa đạt được với dân chúng và cơ quan lập pháp cần phải được quyền can thiệp vào vấn đề hệ trọng này. Theo ông Corker, mối lo lớn nhất liên quan tới thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với I-ran là việc thanh tra, giám sát tại chỗ việc I-ran thực thi các điều khoản trong thỏa thuận.

Cơ phó của Hãng Germanwings cố ý điều khiển máy bay đâm vào núi

Ngày 03-4-2015, Trung tâm phân tích và điều tra an toàn hàng không dân dụng của Pháp (BEA) cho biết kết quả khai thác ban đầu từ dữ liệu của hộp đen thứ hai cho thấy viên phi công phụ của chiếc máy bay Airbus A320 thuộc Hãng hàng không Germanwings (Đức) đã cố ý điều khiển máy bay ở chế độ bay tự động theo hướng đi xuống và tăng vận tốc để máy bay đâm vào núi ngày 24-3. Trong một thông cáo, BEA cho hay: “Dữ liệu đầu tiên cho thấy viên cơ phó An-đrê-át Lu-bít (Andreas Lubitz) ở trong buồng lái đã sử dụng chế độ lái tự động để hạ độ cao máy bay này. Sau vài lần hạ độ cao, viên phi công này đã thay đổi chế độ lái tự động để tăng tốc độ bay”. Trước đó, dữ liệu từ chiếc hộp đen thứ nhất ghi âm các đoạn hội thoại trong buồng lái cho thấy cơ phó A. Lu-bít đã khóa cửa buồng lái không cho cơ trưởng vào, sau đó cố ý cho máy bay Airbus A320 hạ độ cao và đâm vào vùng núi An-pơ ở miền Nam nước Pháp để tự sát.

Thảm sát trường học tại Kê-ni-a

 

Thống đốc bang Ga-ri-xa Na-thíp Gia-ma (Nathif Jama) thăm hỏi những sinh viên bị thương tại bệnh viện, ngày 02-4-2015 (Ảnh: dailymail.co.uk)

Ngày 03-4-2015, Bộ trưởng Nội vụ Kê-ni-a Giô-xép Ncai-xê-ri (Joseph Nkaissery) cho biết, cảnh sát nước này vừa bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi có liên quan đến cuộc tấn công vào trường Đại học Moi ở thị trấn Ga-ri-xa trước đó một ngày làm 147 người thiệt mạng và 104 người bị thương. Người đàn ông trên bị phát hiện đang lẩn trốn trong khu vực ký túc xá nhà trường và được xác định không phải là sinh viên của trường này. Sau vụ việc trên, cảnh sát tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 3 sinh viên vẫn còn sống, trong đó có một nữ sinh trốn trong tủ quần áo, một nữ sinh khác giả chết nằm lẫn giữa các thi thể và một nam sinh ẩn náu trong phòng tắm.

Cùng ngày, cảnh sát Kê-ni-a đã ban bố lệnh giới nghiêm hằng ngày, được áp dụng từ 18 giờ 30 phút tối hôm trước đến 6 giờ 30 phút sáng hôm sau tại khu vực quanh nơi xảy ra vụ tấn công. Bộ Giáo dục Kê-ni-a tuyên bố đóng cửa trường Đại học Moi vô thời hạn. Các biện pháp trên được tiến hành sau khi lực lượng phiến quân An Sê-báp đe dọa sẽ tiến hành “chiến tranh trường kỳ” ở Kê-ni-a. Tuyên bố của nhóm này nêu rõ chúng sẽ tấn công để báo thù cho những tay súng Hồi giáo bị chết trong các vụ truy quét của Chính phủ Kê-ni-a và cho tới khi các vùng đất Hồi giáo được giải phóng./.