Chiều 11-02, phát biểu tại buổi tiếp Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ngân hàng Thế giới (WB) đã ủng hộ, tư vấn cho Việt Nam trong cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, khẳng định quyết tâm xây dựng hệ thống tài chính, ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, minh bạch, hiệu quả.


Đánh giá cao ý kiến của bà Victoria Kwakwa về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng mong muốn Ngân hàng Thế giới làm báo cáo phân tích về môi trường kinh doanh Việt Nam sâu sát, để thấy rõ lĩnh vực nào cần cải cách, cải cách theo hướng nào.

Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh với mục tiêu không để thua kém các nước trong khu vực. - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để cải cách doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã đi song song đồng thời theo hai hướng là cổ phần hóa để đa dạng hóa sở hữu và đặt quản lý doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế thị trường, đây là cách để Việt Nam nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng tin tưởng mục tiêu này của Việt Nam trong năm 2015 sẽ có chuyển biến tích cực. Điều quan trọng là có lòng tin vào nhận thức, nhất trí trong bộ máy Chính phủ và người lãnh đạo bộ máy doanh nghiệp cũng có chung đồng thuận này - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Khẳng định Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc hình thành khung pháp lý để thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), Thủ tướng cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam hoàn thành nghị định về hợp tác công tư và khẳng định sẽ sớm phê duyệt nghị định này.

Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới tạo mọi thuận lợi cho dự án giao thông PPP từ Long Thành - Dầu Giây đi Phan Thiết. Đây là dự án điển hình, hình mẫu cho hình thức hợp tác công tư, Thủ tướng mong muốn Ngân hàng Thế giới quan tâm thúc đẩy dự án triển khai sớm.

Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến của bà Victoria Kwakwa về biến đổi khí hậu, nêu rõ Việt Nam là nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, xem đây không chỉ là thách thức trước mắt mà còn là thách thức lâu dài, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng đồng ý với quan điểm tiếp cận ứng phó với biến đổi theo tư duy đa ngành, trong từng khu vực không thể riêng lẻ từng địa phương như ý kiến của bà Victoria Kwakwa và cho biết Chính phủ Việt Nam đã có quy hoạch chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác với Chính phủ Hà Lan đưa ra chương trình ứng phó với nước biển dâng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng cũng hoan nghênh Ngân hàng Thế giới dành 300 triệu USD cho dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc trồng rừng phòng hộ ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ những nhận định của Ngân hàng Thế giới về quá trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho biết Việt Nam đã tạo được ấn tượng đặc biệt trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội, khẳng định Việt Nam đã xây dựng được hệ thống bảo hiểm xã hội tốt.

Nhiều địa phương đã làm tốt công tác cải cách hành chính, giảm thiểu thời gian đăng ký, chờ đợi của doanh nghiệp và hy vọng thời gian tới, Việt Nam tiếp tục có những cải cách đột phá trong lĩnh vực này.

Bà Victoria Kwakwa khẳng định Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách vĩ mô, thực hiện các quy định liên quan đến cải cách doanh nghiệp một cách tốt nhất. Chúc mừng những kết quả đạt được trong tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa mong muốn thời gian tới, số doanh nghiệp được cổ phần hóa sẽ tăng thêm để tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt hơn.

Bà Victoria Kwakwa cho biết, qua làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cải cách khu vực tài chính, Ngân hàng Thế giới ghi nhận những nỗ lực hợp tác của Ngân hàng Nhà nước, bày tỏ hy vọng có thêm thông tin cụ thể hơn để phối hợp ra kế hoạch hành động, giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc mà ngành tài chính đang gặp phải./.