Việt Nam đề xuất xây cơ sở dữ liệu quân sự chung của ASEAN
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, ngày 10-02, Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 12 (ACDFIM-12) đã diễn ra ở Kuala Lumpur.
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu, đã tham dự hội nghị.
Với chủ đề “ASEAN - Duy trì an ninh và ổn định khu vực vì nhân dân và do nhân dân,” Hội nghị tập trung thảo luận hai nội dung chính.
Vấn đề thứ nhất là những thách thức an ninh nổi lên ở khu vực, gồm các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có vấn đề an ninh mạng và vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông. Vấn đề thứ hai là các chương trình hợp tác quốc phòng trong khu vực như các cuộc diễn tập cứu hộ cứu nạn, phối hợp tuần tra trên biển, thiết lập đường dây nóng hải quân,...
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng trong bối cảnh hiện nay, môi trường an ninh khu vực Đông Nam Á tương đối ổn định. Tuy nhiên, tính phức tạp của các mối đe dọa an ninh khác nhau đang không ngừng đặt ra những thách thức, làm nổi bật tính cấp thiết của việc bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực.
Hội nghị tái khẳng định việc tiếp tục hướng tới mục tiêu thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có vai trò quan trọng đối với an ninh biển và môi trường an ninh ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, các mối đe dọa phi truyền thống như thiên tai, khủng bố, an ninh biển và tội phạm xuyên quốc gia vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết trong khu vực.
Các đại biểu đã nhất trí quân đội các nước ASEAN sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhau thông qua việc chia sẻ thông tin, xây dựng khả năng huấn luyện và diễn tập chung để ngày càng đóng vai trò tích cực, chủ động trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực.
Tại hội nghị, Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN tái khẳng định vai trò của quân đội các nước thành viên trong việc ứng phó với những thách thức an ninh khu vực thông qua các nguyên tắc hợp tác và phối hợp.
Các đại biểu nhất trí tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động tự nguyện hai năm của quân đội các nước ASEAN (2015-2017), coi đây là định hướng cho những hoạt động đa phương của quân đội các nước ASEAN. Các đại biểu cũng thống nhất thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN thông qua các hoạt động hợp tác thực tế và cụ thể theo chủ đề của hội nghị năm nay.
Trong bài tham luận tại hội nghị, Đại tướng Tan Sri Zulkifeli Bin Mohd Zin, Tư lệnh lực lượng quốc phòng nước chủ nhà, cho rằng nhu cầu chính thức hóa cơ cấu ACDFIM đang được đặt ra hết sức cấp thiết.
Theo Đại tướng Bin Mohd Zin, mặc dù quá trình này sẽ gặp nhiều thách thức về mặt tổ chức nhưng cần phải được đẩy mạnh quyết tâm tiến hành. Những khuyến nghị tại hội nghị lần này sẽ được chuyển lên Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) trong thời gian tới thông qua Hội nghị các quan chức cấp cao về quốc phòng (ADSOM) sẽ diễn ra ngay sau ACDFIM-12.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết thực tiễn đã khẳng định an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho người dân. Lực lượng quân đội của mỗi quốc gia luôn đóng vai trò tích cực, chủ động trong việc duy trì an ninh và ổn định. Trong mọi tình huống khẩn cấp, đâu cần, đâu khó đều có quân đội.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác thực tiễn, nhất là trong các hoạt động chung liên quan đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã chia sẻ tại hội nghị một số giải pháp cần tập trung để phát huy tốt hơn vai trò nòng cốt của quân đội trong thời gian tới:
Thứ nhất là thúc đẩy chia sẻ thông tin, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa các lực lượng có vai trò chủ chốt trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, chống khủng bố.... Ở khía cạnh này, Việt Nam hoan nghênh việc tăng cường hoạt động phối hợp kiểu Trung tâm chia sẻ thông tin hàng hải (IFC) và Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực (RHCC) ở Changi (Singapore). Các bên cần làm việc cùng nhau để thống nhất cơ chế trao đổi thông tin, trong đó có thông tin tình báo về lĩnh vực này.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác hiện nay của khu vực để bảo đảm rằng các cơ chế này bổ sung cho nhau và tránh sự trùng lặp, qua đó phát huy hiệu quả các nguồn lực. Ngoài việc tham gia tích cực vào các lĩnh vực hợp tác chung và thường niên trong khuôn khổ ADMM, ADMM+, từ năm 2016, mỗi năm tiến hành đề xuất và thực hiện một số lĩnh vực mới trong hợp tác quốc phòng để hiện thực hóa các cam kết và dần tạo ra hiệu quả thiết thực trong hợp tác quốc phòng giữa quân đội các nước ASEAN.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động thực tiễn phối hợp chung, nhất là các cuộc diễn tập để nâng cao năng lực phối hợp hành động, đồng thời vận hành và hoàn thiện các quy trình hoạt động chuẩn giữa quân đội các nước ASEAN. Cần tích cực triển khai kết quả Hội nghị tư lệnh lục quân các nước ASEAN lần thứ 15 (ACAMM-15) vừa qua, trong đó có việc cùng tìm kiếm cơ chế, biện pháp kết nối các nguồn lực, nâng cao năng lực phối hợp giữa lục quân các nước ASEAN trong ứng phó với các thách thức phi truyền thống.
Bài phát biểu của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ được các đại biểu tham dự Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh.
Hội nghị cũng đã tiến hành trao chức Chủ tịch các Hội nghị AMIIM, AMOIM và ACDFIM-13 cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong năm 2016.
Kết thúc hội nghị, Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN đã thông qua và ký Tuyên bố chung.
Trả lời phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị, Đại tướng Bin Mohd Zin cho biết kết quả quan trọng nhất của hội nghị ACDFIM-12 là Tuyên bố chung thể hiện sự nhất trí khuyến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) về việc chính thức hoá ACDFIM và đổi tên gọi hội nghị là Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM).
Sau khi được ADMM thông qua, khái niệm "không chính thức" sẽ được bỏ; ACDFM sẽ có một cơ chế chính thức theo sự thông qua của ADMM. Ngoài ra, hội nghị cũng đã nhất trí nêu đề xuất thiết lập ACDFM+ lên ADMM; thành lập Ban thư ký thường trực của ACDFM và nước Chủ tịch của năm sẽ đảm nhiệm cương vị Thư ký.
Về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Malaysia, Đại tướng Bin Mohd Zin bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ được nâng lên tầm cao mới, trong đó bước đầu là tăng cường trao đổi đào tạo sinh viên giữa các cơ sở đào tạo quân đội hai nước.
Về đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị, Đại tướng Bin Mohd Zin cho biết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đóng góp tích cực vào thành công của hội nghị và điều quan trọng là hội nghị đã đi đến nhất trí cao và đã ra được Tuyên bố chung./.
Đoàn quân đội Việt Nam tiếp xúc bên lề hội nghị ACDFIM-12  (11/02/2015)
Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là không thể chia cắt  (11/02/2015)
Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là không thể chia cắt  (11/02/2015)
Vì sao ECB phải dùng biện pháp bất thường  (11/02/2015)
Tư tưởng chính trị pháp lý Hồ Chí Minh  (11/02/2015)
Tư tưởng chính trị pháp lý Hồ Chí Minh  (11/02/2015)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay