Ngày 23-01, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước đã ký hai hiệp định vay vốn với tổng trị giá 165 triệu USD để phát triển giáo dục và cơ sở hạ tầng nông thôn.
Hiệp định vay vốn thứ nhất được ký cung cấp vốn tài trợ 80 triệu USD dành cho Dự án giáo dục trung học cơ sở cho các khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2, giai đoạn tiếp nối của giai đoạn 1 đã được thực hiện thành công và đã được hoàn thành vào cuối năm 2014.

Dự án mới được phát triển dựa trên thành công của giai đoạn một nhưng cũng có một số sáng kiến và hạng mục mới, bao gồm những bộ sách giáo khoa mới dành cho từng vùng được xây dựng dựa trên năng lực của học sinh người dân tộc thiểu số; chú trọng đến việc giáo dục các kỹ năng sống; đào tạo trực tuyến cho các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, các thư viện mẫu nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo ngoại khóa và giải trí của học sinh người dân tộc thiểu số cũng như các công trình giáo dục tránh bão và quản lý thiên tai.

Với thời gian thực hiện kéo dài 6 năm kể từ đầu năm 2015, Dự án này hướng đến mục tiêu tăng số lượng thực tế học sinh trung học cơ sở thêm 5% vào năm 2020 thông qua việc xây dựng thêm 660 lớp học, 350 cơ sở bán trú, 250 nhà cho giáo viên, đào tạo cho khoảng 24.000 giáo viên cũng như phát triển thêm 344 điểm trường mới tại các vùng núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và các vùng ven biển chịu ảnh hưởng của bão.

Khoản vay thứ hai bổ sung 85 triệu USD cho Dự án phát triển nông thôn các tỉnh miền Trung đã được Ban Giám đốc của ADB phê duyệt vào tháng 10 năm 2007 trị giá 90 triệu USD. Dự án ban đầu có mục tiêu là các cơ sở hạ tầng nông thôn chủ chốt tại 13 tỉnh thuộc khu vực miền Trung, bao gồm hệ thống đường nông thôn, các hệ thống thủy lợi và kiểm soát lũ, các chợ nông thôn, chương trình cung cấp nước sinh hoạt và các công trình ven biển.

Tính đến tháng 8-2014, dự án đã đạt được các mục tiêu dự kiến và đã đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp và các cơ hội việc làm, tăng cường khả năng tiếp cận với những dịch vụ công cũng như giảm độ rủi ro của người dân ở nông thôn trước thảm họa thiên tai.

Lãnh đạo ADB chia sẻ, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều việc cần tiến hành để giảm thiểu những trở ngại về cơ sở hạ tầng đối với sản xuất, đa dạng hóa cây trồng và tăng trưởng kinh tế.

Nguồn tài trợ bổ sung sẽ hỗ trợ cho việc cải thiện và mở rộng các cơ sở hạ tầng thủy lợi tại 6 tỉnh: Bình Định, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Phú Yên và Thừa Thiên Huế trong vòng 4 năm dựa trên những kết quả tích cực mà các địa phương này đã đạt được trong dự án ban đầu./.