Sự tác động giữa văn hóa và kinh tế trong thời đại ngày nay

Ths. Nguyễn Thị Thanh Nga Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
14:45, ngày 20-01-2015

TCCSĐT - Giữa văn hóa và kinh tế có mối quan hệ biện chứng. Kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Vì vậy, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các quốc gia muốn phát triển bền vững cần phải đạt được sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và xây dựng văn hóa.

Tác động của kinh tế với văn hóa

Trong thời đại ngày nay, khoa học - công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ nhanh chóng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa - xã hội. Khi nhu cầu sử dụng văn hóa tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế thì sẽ kích thích sự sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa, tạo ra thị trường phong phú, sôi động.  

Ngày nay, chính vì sự sản suất hàng loạt các sản phẩm văn hóa và các bản sao với sự trợ giúp của công nghệ mà giá thành nhiều sản phẩm văn hóa được giảm đi. Vì vậy, những hàng thủ công mỹ nghệ được tạo ra bởi sự lao động kỳ công, tỉ mỉ và mang nét đẹp độc đáo bao giờ cũng có giá trị rất cao. Do vậy, một số các sản phẩm nghệ thuật vẽ tranh trực tiếp bằng tay hay là những bức tượng tạo ra từ đơn chiếc chứ không phải khuôn đúc, hay như những trang phục độc quyền của những nghệ sĩ… luôn được định giá cao. Nhưng những sản phẩm thủ công này có thị trường giới hạn, được lựa chọn khắt khe, tập trung vào các đối tượng có thu nhập cao và phụ thuộc vào sự lớn mạnh về kinh tế của mỗi quốc gia. Đó chính là quy luật kinh tế tác động vào văn hóa.

Nhóm thứ hai là lao động sản xuất đại trà, như sản xuất băng đĩa nhạc, phim... Nhóm này bảo đảm cho thị hiếu bình dân, người ta không cần phải đi đâu mà chỉ cần ở nhà xem phim, nghe nhạc. Nhóm hàng bình dân là thứ hàng sản xuất đại trà. Đây là những sản phẩm bình thường, chất lượng không cao và thỏa mãn nhu cầu phổ thông của con người.

Lực lượng lao động văn hóa bao gồm những người có kiến thức văn hóa nhất định. Sự tiêu dùng các sản phẩm văn hóa tạo ra yếu tố “cầu” để cho lực lượng sản xuất tạo ra “cung”. Điều này phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nếu như tổng thể kinh tế của một quốc gia lớn mạnh thì văn hóa cũng có điều kiện đầu tư phát triển hơn.

Giá trị văn hóa - giá trị hàng hóa trong văn hóa là giá trị đặc thù không đo được theo công thức của kinh tế học thuần túy mà còn bằng mức độ ưa thích của người tiêu dùng, sự chấp nhận xã hội. Trên thực tế, thẩm mỹ của thời đại và văn hóa truyền thống thường tác động vào cách thức đánh giá cũng như sự ưa chuộng của dân chúng với một sản phẩm văn hóa cụ thể. Có những giá trị văn hóa mang tính phổ quát cho toàn nhân loại, nhưng cũng có những giá trị văn hóa chỉ phù hợp với quốc gia, dân tộc nhất định. Như vậy, giá trị văn hóa là đa diện và khác với các quan hệ giá trị khác.

Từ khi bước vào công cuộc đổi mới đất nước, sự vươn lên của văn hóa đại chúng là một hiện tượng văn hóa đáng chú ý của Việt Nam. Ở một số đô thị trên toàn quốc, văn hóa đại chúng (xét một cách tương đối) đã trở thành nội dung tiêu dùng chủ yếu trong đời sống văn hóa của nhân dân. Kinh tế thị trường ngày càng tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng nhu cầu giải trí cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Để khai thác yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế

Thứ nhất, lấy pháp chế hóa làm bảo đảm

Chính quyền các cấp cần đẩy nhanh việc xây dựng các điều khoản pháp quy của phát triển công nghiệp văn hóa, đưa việc bảo vệ hạ tầng cơ sở văn hóa quan trọng và tài nguyên văn vật vào quản lý. Các ngành hữu quan cần nhanh chóng định ra và công bố chính sách công nghiệp văn hóa. Nội dung phải bao gồm các mặt nội hàm công nghiệp, kết cấu công nghiệp, tổ chức công nghiệp văn hóa. Tăng cường kiểm tra và giám sát chấp pháp của thị trường văn hóa; tăng cường xây dựng đội ngũ quản lý văn hóa và xây dựng pháp chế. Đối với việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ kinh doanh văn hóa, phải định ra những biện pháp quản lý thị trường, ngăn chặn việc cạnh tranh không lành mạnh. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi ăn cắp bản quyền, xâm phạm bản quyền đối với các sản phẩm văn hóa; tăng cường loại trừ những sản phẩm phi văn hóa. Vận dụng có hiệu quả quy tắc bảo vệ của WTO đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa nước ta.

Thứ hai, lấy thông tin hóa làm bộ phận thúc đẩy

Hiện nay, trình độ công nghiệp văn hóa Việt Nam còn thấp nên cần lấy thông tin hóa để thúc đẩy chiến lược cơ bản của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần ra sức thúc đẩy thông tin hóa, kết hợp hữu cơ giữa văn hóa với kinh tế. Kinh tế phát triển mới góp phần cải tạo hạng mục công nghiệp văn hóa truyền thống phát triển. Đẩy nhanh việc điều chỉnh kết cấu doanh nghiệp văn hóa, nâng cao hàm lượng khoa học - kỹ thuật của công nghiệp văn hóa. Cần nghiên cứu hệ thống thông tin tiêu chuẩn hóa, xây dựng trung tâm thông tin, trung tâm giao lưu hàng hóa, trung tâm tài chính thống nhất hiệu quả cao, tạo điều kiện cho việc hiện đại hóa công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa cần kết hợp với khoa học - kỹ thuật để tăng cường giá trị, nâng cao trình độ hiện đại hóa. Tích cực thực hiện quy hoạch thông tin văn hóa, coi trọng phát triển kỹ thuật và đào tạo nhân tài kỹ thuật chuyên nghiệp; phát triển hạ tầng các khu vui chơi, giải trí, khoa học kỹ thuật cao và phần mềm điện tử. Đẩy nhanh việc nâng cấp hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm văn hóa và hạng mục phục vụ. Một mặt, đổi mới kỹ thuật và trang bị cho các ngành, nghề, như phát thanh truyền hình, in ấn, sách báo, giải trí vui chơi, mặt khác, nâng cao kỹ thuật cốt lõi của sản phẩm văn hóa làm trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa có viễn cảnh thị trường tốt, năng lực cạnh tranh mạnh, hình thành quy mô công nghiệp, để đông đảo người dân có thể thực sự được hưởng thụ văn hóa lành mạnh, hữu ích.

Thứ ba, lấy quy mô hóa hình thành thế mạnh

Phát triển kinh tế hiện đại cần có ưu thế quy mô; xây dựng văn hóa nhất là công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có quy mô lớn, thực lực, sức cạnh tranh cao. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đang tiến hành cải cách về thể chế văn hóa, điều chỉnh về kết cấu, bố trí về tài nguyên, kết hợp những trật tự mới. Nhiều nước cũng sửa đổi luật pháp để xúc tiến sự thu mua và sáp nhập giữa các ngành điện tín, truyền thông và giải trí; kinh doanh đa quốc gia dưới điều kiện quốc tế hóa sản xuất. Nó là kết quả tất yếu của việc hợp tác chuyên nghiệp hóa kinh tế quốc tế. Một trong những tiêu chí quan trọng của công nghiệp văn hóa là sự xuất hiện của tập đoàn công nghiệp mang tính tổng hợp. Việc xây dựng nên những tập đoàn văn hóa lớn đã tăng cường thực lực văn hóa - kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Vì vậy, cần xây dựng nên thành phố trung tâm làm đầu tàu, lấy tài nguyên văn hóa làm cầu nối đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thành từng khối, hình thành chiến lược quy mô công nghiệp văn hóa. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp văn hóa, nhất là lực lượng quản lý văn hóa, phù hợp với tốc độ phát triển nhanh của doanh nghiệp văn hóa và tập đoàn văn hóa loại hình lớn trong nước.

Thứ tư, lấy nhãn hiệu hàng hóa để hình thành điểm cao khống chế

Học tập những doanh nghiệp nổi tiếng cùng những kinh nghiệm vận hành xây dựng nên một tập đoàn công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh việc quảng bá và xây dựng thương hiệu nôi tiếng như thành phố với những giá trị văn hóa đặc sắc, thị trấn nổi tiếng, quán ăn độc đáo, khu vườn và sản phẩm nổi tiếng... Lấy những doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm nhãn hiệu nổi tiếng, có lực tác động để chiếm lĩnh thị trường văn hóa, tiến tới tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của kinh tế nước ta. Về mặt này, một số thành phố của nước ta đã dần dần tích lũy được khả năng thành công do lợi dụng được đầy đủ tài nguyên văn hóa, lịch sử phong phú của đất nước, lấy việc phát triển công nghiệp văn hóa để phát huy mạnh mẽ sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế. Chú trọng làm sống động tài nguyên văn hóa; phát triển du lịch bền vững gắn với văn hóa cộng đồng. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm văn hóa gắn với nhu cầu đặc biệt, kết hợp tính tư tưởng, tính khuynh hướng với tính giải trí, tính tri thức, tính hàng hóa, tính độc đáo hình thành nên điểm cao khống chế cạnh tranh thị trường của sản phẩm văn hóa Việt Nam. Kinh nghiệm thành công của công nghiệp văn hóa các nước phát triển cũng là chú trọng nhấn mạnh đến sắc thái riêng biệt. Cần có sự kết hợp văn hóa - kinh tế, văn hóa - thể dục thể thao, văn hóa - khoa học, văn hóa - giáo dục, làm cho tài nguyên văn hóa mang màu sắc riêng, chuyển hóa thành thế mạnh kinh tế mới./.