Ngày 19-01, tại Hà Nội, Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy công bố kết quả mới nhất ghi nhận từ Chương trình nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ”.

Đây là một nghiên cứu chiều dọc về trẻ em nghèo qua việc khảo sát 12.000 trẻ em tại bốn quốc gia Việt Nam, Ethiopia, Ấn Độ và Peru liên tục trong suốt 15 năm.

Lợi thế của nghiên cứu này là cho phép các nhà nghiên cứu quan sát được sự thay đổi của hoàn cảnh theo thời gian và phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ, từ tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành, chuẩn bị tham gia thị trường lao động.

Thực tế đó tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu phát hiện những bằng chứng về việc hoàn cảnh nghèo khó giai đoạn tuổi thơ tác động đến cuộc sống và các cơ hội của trẻ, cũng như khả năng truyền nghèo sang thế hệ sau.


Mở rộng cơ hội học tập và cải thiện dinh dưỡng đối với trẻ em nghèo


Theo tiến sỹ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Giám đốc quốc gia Chương trình nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ” tại Việt Nam, cái hay của nghiên cứu này là nghiên cứu lặp, nghiên cứu cả một quá trình phát triển từ 1-12 tuổi đối với nhóm trẻ nhỏ và từ 8-19 tuổi đối với nhóm trẻ lớn, nghiên cứu được những vấn đề nhân - quả. Những điều tra được thiết kế theo cả định tính và định lượng rất bài bản.


Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong việc mở rộng cơ hội học tập và cải thiện dinh dưỡng đối với trẻ em nghèo. Có sự bất bình đẳng giữa các nhóm yếu thế so với các nhóm khác trên hầu hết mọi lĩnh vực. Nhưng cũng có bằng chứng về sự “thu hẹp khoảng cách” của các nhóm yếu thế về giáo dục; có tiến bộ rõ rệt về mặt dinh dưỡng; tỷ lệ thấp còi của trẻ 12 tuổi giảm theo mọi tiêu chí; tỷ lệ gầy còm giảm ở hầu hết các tiêu chí, trừ nhóm có người chăm sóc không có học vấn và nhóm dân tộc thiểu số.


Giáo dục đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện để trẻ em và các cộng đồng nghèo có thể tham gia vào quá trình phát triển kinh tế cũng như duy trì sự phát triển trong dài hạn.


Nghiên cứu chỉ ra rằng ngày nay trẻ học thêm nhiều hơn so với bảy năm về trước. Trẻ dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ hơn so với trẻ dân tộc Kinh, khoảng cách về điểm số trung bình của hai nhóm trẻ 12 tuổi này giảm từ 31 xuống 23 điểm phần trăm từ năm 2006 đến năm 2013.


Tỷ lệ thanh niên còn đang đi học khá cao. Những thanh niên thuộc hộ khá giả, nhóm có cha mẹ có học vấn cao và nhóm sống ở đô thị có tỷ lệ đang đi học cao hơn. Nữ thanh niên thuộc hộ nghèo và sống ở vùng nông thôn có xu hướng kết hôn sớm hơn.


Kết quả nghiên cứu ghi nhận bằng chứng học vấn của cha mẹ là một trong những yếu tố liên quan đến việc trẻ có tiếp tục đi học hay không, cũng như kết quả học tập và dinh dưỡng của trẻ cho thấy về khả năng truyền nghèo đời này qua đời khác của nhóm có người chăm sóc trẻ không có học vấn.


Cần đặt trẻ em vào trung tâm của các chính sách phát triển


Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết các kết quả nghiên cứu này sẽ bổ sung những luận chứng hữu ích cho việc xây dựng chính sách giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam.


Bất bình đẳng vẫn còn tồn tại giữa các nhóm trẻ, tuy nhiên những kết quả mới nhất chỉ ra một số giai đoạn mà các nhà hoạch định chính sách có thể can thiệp nhằm hỗ trợ sự phát triển của trẻ nghèo.


Tiến sỹ Nguyễn Thắng nhấn mạnh, vấn đề nghèo trẻ em sẽ còn tiếp tục tồn tại trừ khi chúng ta có thể giải quyết được những bất bình đẳng giữa các nhóm về thu nhập, giữa các vùng miền và giữa các nhóm dân tộc, cần đặt trẻ em vào trung tâm của sự phát triển.


Để khắc phục, cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện kết cấu hạ tầng cho cộng đồng, bảo trợ xã hội và tăng trưởng theo hướng có lợi cho người nghèo để tăng cường năng lực triển khai hiệu quả hơn để bảo đảm rằng các chính sách có thể đến được với tất cả trẻ em, chất lượng của các dịch vụ dành cho trẻ em là tốt.


Theo ông Lê Thúc Dục, Trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ”, nguồn dinh dưỡng tốt là điều kiện thiết yếu đối với sự lớn lên của trẻ, cũng như đối với sự phát triển khỏe mạnh về thể chất và trí tuệ.


Thách thức hiện nay là làm sao để bảo đảm rằng mọi trẻ em đều được hưởng lợi và rằng những tiến bộ này sẽ không làm gia tăng bất bình đẳng.


Điều này sẽ xảy ra nếu như chỉ có trẻ ở các gia đình khá giả được cải thiện nhiều trong khi tình trạng thiếu dinh dưỡng và sức khỏe yếu kém vẫn tiếp tục tồn tại đối với những nhóm trẻ nghèo. Vì vậy, việc đẩy mạnh can thiệp từ khu vực công, hướng mục tiêu vùng sâu, vùng xa và các xã tập trung dân tộc thiểu số là rất hợp lý./.